WB: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mạnh mẽ
Kinh tế Việt Nam đã đi được nửa chặng đường của năm 2019, mặc dù có nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt khá. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với khó khăn khi một số lĩnh vực vốn là động lực tăng trưởng không còn duy trì tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn trước.
Trong khi đó, chu kỳ giảm tốc của các nền kinh tế thế giới và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, đang là áp lực lớn tới việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2019.
Để tìm hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế 6 tháng qua cũng như nhận diện các thách thức cho 6 tháng cuối năm, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019? Ông Sebastian Eckardt: Tiếp sau đà tăng trưởng cao trong năm 2018, Ngân hàng Thế giới nhận thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang chậm lại kể từ đầu năm 2019. Có hai lý do chính cho điều này. Trước hết, kinh tế tăng trưởng chậm lại do những yếu tố khách quan bên ngoài ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đã tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường bên ngoài của Việt Nam, đặc biệt đối với ngành chế tạo và những ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu. Thứ hai, xu thế tăng trưởng chậm còn do nguyên nhân nội tại của kinh tế Việt Nam. Cụ thể như: Tác động của dịch tả lợn châu Phi đối với sản xuất nông nghiệp và sự “hạ nhiệt” của làn sóng đầu tư, đặc biệt là đầu tư trong nước. Mặc dù vậy, chúng tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn sẽ duy trì mạnh mẽ, được dự đoán ở mức 6,6% trong năm nay. Phóng viên: Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam tại thời điểm này? Ông Sebastian Eckardt: Về cơ bản, động lực tăng trưởng của kinh tế của Việt Nam vẫn là ngành chế tạo. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình 11-12%/năm trong vòng 4 năm qua. Ngành chế tạo có tốc độ tăng trưởng nhanh được thúc đẩy bởi dòng vốn FDI khi Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại. Ngoài ngành chế tạo, tôi cũng thấy tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, giá trị nông sản của Việt Nam cần phải được nâng cao bằng việc chú trọng vào quy trình chế biến nhiều hơn để tạo ra một chuỗi giá trị cao hơn trong dài hạn. Làm được điều này, tôi tin rằng đây cũng là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Một động lực tăng trưởng khác cũng quan trọng không kém là ngành dịch vụ, bởi Việt Nam có tầng lớp trung lưu đang gia tăng và tình hình nhân khẩu học rất tích cực. Trong quá trình đô thị hóa, khi thu nhập hộ gia đình tăng cao, người dân sẽ có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn. Do đó, những ngành dịch vụ tập trung vào tiêu dùng nội địa, với khách hàng mục tiêu là tầng lớp trung lưu, sẽ được hưởng lợi không chỉ trong ngắn hạn, trung hạn mà ngay cả khi chúng ta nhìn về quãng thời gian 10 năm tới. Phóng viên: 6 tháng đầu năm nay, kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất ổn, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Theo ông, những yếu tố này có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam? Ông Sebastian Eckardt: Kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những yếu tố bất ổn; trong đó phải kể đến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất thế giới với tỷ lệ trao đổi thương mại/GDP ở mức gần 200%, nên kinh tế Việt Nam khá nhạy cảm với những thay đổi của môi trường thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, xét về mặt tích cực, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo điều kiện để các nhà sản xuất Việt Nam cung cấp một số mặt hàng xuất khẩu thay thế cho những sản phẩm trước đây từng do Trung Quốc sản xuất. Qua đó giúp nâng cao thị phần của hàng hoá Việt Nam tại thị trường Mỹ. Mặc dù vậy, trên phạm vi toàn cầu, những căng thẳng kéo dài, đang làm nản lòng các nhà đầu tư và khiến triển vọng kinh tế thế giới vốn đã chậm chạp, nay lại càng ảm đạm hơn. Chính vì vậy, trong một mức độ nào đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc cải thiện thị phần xuất khẩu nhưng cũng sẽ không tránh khỏi “vòng ảnh hưởng” của những tác động tiêu cực mà căng thẳng thương mại gây ra. Phóng viên: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được ký kết ngày 30/6 tới đây, theo ông, sẽ tạo cơ hội cũng như thách thức gì đối với Việt Nam? Ông Sebastian Eckardt: Sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được phê chuẩn vào hồi cuối năm ngoái thì EVFTA là một hiệp định thương mại quan trọng khác đối với Việt Nam. Về quy mô thị trường, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam, cùng với Singapore, là hai nền kinh tế ASEAN duy nhất sở hữu những hiệp định thương mại sâu rộng và toàn diện với EU. Lợi thế này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm và nông nghiệp. Để nắm bắt cơ hội này, Việt Nam cần tiếp tục cải cách. Ví dụ, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, giờ đây khi rào cản thuế quan đã được hạ xuống, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, các mặt hàng xuất khẩu cũng cần phải nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng. Tham gia EVFTA sẽ có cả cơ hội song hành cùng thách thức và các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chuẩn bị để sẵn sàng tối đa hoá những lợi ích có được. Phóng viên: Ông có thể cho biết dự báo của Ngân hàng Thế giới về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019? Ông Sebastian Eckardt: Như tôi đã nói, Ngân hàng Thế giới dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay. Chúng tôi hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong bối cảnh các điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, với chỉ số lạm phát được duy trì ở mức dưới 4%, trong khi dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, tình trạng thâm hụt ngân sách tiếp tục được kiểm soát sẽ giúp tỷ lệ nợ công/GDP được cải thiện. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ, dù có chậm hơn so với năm ngoái, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định.. Về trung hạn, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, bối cảnh môi trường bên ngoài còn chứa đựng nhiều rủi ro, điều quan trọng kinh tế Việt Nam phải ở trạng thái sẵn sàng để đối phó với những "cú sốc" có thể xảy đến. Gần đây Việt Nam đã chú ý tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế bằng việc áp dụng các biện pháp cắt giảm nợ công và kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Do đó, trong trường hợp nền kinh tế cần sự hỗ trợ, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ có khả năng “chống sốc”. Phóng viên: Xin ông hãy đưa ra một vài khuyến nghị để Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. Ông Sebastian Eckardt: Mặc dù triển vọng ngắn hạn đối với Việt Nam là khá tích cực, chúng tôi vẫn nhìn thấy những thách thức dài hạn hơn liên quan đến các động lực tăng trưởng chính kể trên. Thách thức đầu tiên là vấn đề nhân khẩu học. Việt Nam đang được hưởng lợi từ “lợi tức dân số” khi đang ở trong giai đoạn “dân số vàng”. Tuy nhiên, trong vòng 15 năm tới, cơ cấu “dân số vàng” sẽ không con nên từ giờ đến lúc đó, Việt Nam cần phải tận dụng triệt để lợi thế này. Thách thức thứ hai là xu hướng đầu tư chậm lại trong 5 năm qua so với những ghi nhận trước đây tại Việt Nam và thậm chí là so với mức đầu tư mà chúng ta thấy ở các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Hàn Quốc hay một số quốc gia khác đã thành công trong duy trì đà tăng trưởng. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục loại bỏ các rào cản đầu tư, đặc biệt là rào cản đầu tư trong khu vực tư nhân. Thách thức cuối cùng là vấn đề năng suất của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, những quốc gia thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng từ 6-7% trong một thời gian dài là do kiểm soát được đà tăng trưởng năng suất, để từ đó phân bổ nguồn lực đến những khía cạnh hiệu quả hơn của nền kinh tế. Để duy trì tăng trưởng năng suất, điều quan trọng là Việt Nam phải xây dựng năng lực đổi mới. Hiện nay, tại những nước thu nhập trung bình, động lực tăng trưởng đang dần chuyển sang sử dụng công nghệ đổi mới để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, Việt Nam cũng nên theo hướng này. Phóng viên: Xin cảm ơn ông ! >>> Kinh tế 6 tháng: Tìm động lực cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8%Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Kinh tế 6 tháng: Xuất khẩu kỳ vọng vào lực đẩy
16:18' - 28/06/2019
Quý II/2019 đã khép lại với hoạt động thương mại tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm trước. Nhiệm vụ tăng trưởng xuất khẩu từ 8-10% Chính phủ giao cho ngành công thương đang là một ẩn số.
-
Kinh tế Việt Nam
Kinh tế 6 tháng: Tăng trưởng GDP 6,8% có trở thành thách thức?
15:56' - 28/06/2019
Kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2019 là một thành công của kinh tế Việt Nam trước bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với thời kỳ bất trắc cao.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Hưng Yên thu hút đầu tư FDI cao nhất từ trước đến nay
18:29'
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Hưng Yên ước đạt 8,17%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7,5-8%).
-
Kinh tế Việt Nam
Ngành đường sắt bổ sung thêm 5.000 vé Tết Ất Tỵ 2025
18:12'
Ngành đường sắt tổ chức bán vé Tết 2025 từ ngày 1/10, tính đến hết ngày 3/12, tổng số vé đã bán trên 137.000 vé. Số lượng vé mua online chiếm 58% số lượng vé bán.
-
Kinh tế Việt Nam
Online Friday 2024: Những con số ấn tượng
17:29'
Hơn 900 phiên livestream bán hàng; 1,8 tỷ lượt xem gắn hashtag #OnlineFriday và #TuHaoHangViet chỉ tính riêng trên nền tảng TikTok Shop; gần 4,750 videos hưởng ứng...
-
Kinh tế Việt Nam
Thu ngân sách nhà nước 11 tháng tăng 16,1%
17:28'
Tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ năm 2023.
-
Kinh tế Việt Nam
Bình Phước thu hút 105 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD
16:51'
Bình Phước đã thu hút được 105 dự án với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 1,17 tỷ USD và trên 18.800 tỷ đồng nguồn vốn từ 54 tự án đầu tư trong nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Tăng tốc để Dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ qua Quảng Trị sớm về đích
16:28'
Nhà thầu đã và đang thi công “nước rút” Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị, để dự án về đích vào ngày 30/4/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Chấm dứt dự án FLC tại tỉnh Kon Tum
15:51'
Ngày 4/12, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum đã ban hành thông báo số 85/TB-SKHĐT về chấm dứt hoạt động dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
-
Kinh tế Việt Nam
Hải Dương thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay
15:11'
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 22 khóa XVII diễn ra ngày 4/12, địa phương đã đề ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Nông sản xứ Tuyên sang thị trường châu Âu
14:19'
7 sản phẩm OCOP của Tuyên Quang được xuất khẩu sang thị trường Anh - thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và vệ sinh ATTP.