WHO: Chưa cần tiêm đại trà vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ

11:26' - 24/05/2022
BNEWS WHO cho rằng chưa cần tiêm đại trà vaccine để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ, khi các biện pháp, trong đó có vệ sinh tốt và tình dục an toàn, vẫn có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters ngày 23/5, ông Richard Pebody, người đứng đầu nhóm mầm bệnh có nguy cơ cao tại Văn phòng WHO châu Âu, nhấn mạnh nguồn cung vaccine và thuốc kháng virus hiện vẫn khá hạn chế.

 

Ông cho biết các biện pháp chính để ngăn ngừa căn bệnh này lây lan là truy vết tiếp xúc và cách ly. Chuyên gia này khẳng định đây không phải là loại virus dễ dàng lây lan và cho đến nay vẫn chưa gây ra bệnh nghiêm trọng. Trong khi đó, các loại vaccine để ngăn ngừa đậu mùa khỉ có thể gây ra các tác dụng phụ.

Tuyên bố trên được ông Pebody đưa ra trong bối cảnh Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết đang trong tiến trình cung cấp các liều vaccine Jynneos để ngăn ngừa đậu mùa khỉ. Trong khi đó, Chính phủ Đức thông báo đang đánh giá các phương án tiêm chủng, trong khi Anh đã tiêm chủng cho một số nhân viên y tế.

Giới chức y tế tại châu Âu và Bắc Mỹ đang điều tra hơn 100 ca nghi mắc và được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đây được coi là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ nghiêm trọng nhất bên ngoài châu Phi - nơi căn bệnh này là đặc hữu.

Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến bệnh đậu mùa khỉ bùng phát và các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực truy tìm nguồn gốc của các ca bệnh cũng như tìm hiểu liệu virus có biến đổi không.

Trong một tuyên bố riêng rẽ cũng trong ngày 23/5, Tiến sĩ Rosamund Lewis, người đứng đầu Văn phòng Bệnh đậu mùa thuộc Chương trình Khẩn cấp của WHO, khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy virus đậu mùa khỉ đã biến đổi, đồng thời nhấn mạnh rằng căn bệnh truyền nhiễm đặc hữu ở Tây và Trung Phi này không có xu hướng đột biến.

Không phải tất cả song có nhiều người được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ là đàn ông và có quan hệ đồng giới. Tuy nhiên, điều này có thể là do những người mắc bệnh chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ y tế hoặc sàng lọc sức khỏe tình dục nhiều hơn.

Cũng theo ông Pebody, hầu hết các trường hợp mắc bệnh không liên quan đến việc đi lại tới châu Phi, điều này cho thấy có thể có nhiều ca mắc chưa được phát hiện. Một số quan chức y tế cho rằng đã có sự lây lan trong cộng đồng và các ca được xác nhận mắc bệnh mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Với tốc độ bùng phát dịch bệnh hiện nay và việc thiếu thông tin về nguyên nhân thúc đẩy dịch bệnh bùng phát, nhiều chuyên gia quan ngại các sự kiện lớn và các bữa tiệc mùa hè có thể khiến dịch bệnh tồi tệ hơn.

Do đó, ông Pebody cho rằng việc giữ gìn vệ sinh tốt, rửa tay thường xuyên, tình dục an toàn sẽ là các biện pháp hữu hiệu giảm thiểu sự lây lan của virus./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục