Xác định cụ thể lộ trình cải thiện môi trường kinh doanh

13:10' - 29/02/2024
BNEWS Môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển...

Sáng 29/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm giới thiệu những nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 02/NQ-CP; đồng thời, trao đổi về kết quả và bài học kinh nghiệm trong cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; thảo luận về các vấn đề của doanh nghiệp và các đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc triển khai nghị quyết.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: sang năm 2024, nhiều tổ chức dự báo kinh tế nước ta bên cạnh những thuận lợi thì vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Vì thế, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường chính sách an toàn, thuận lợi cho doanh nghiệp cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực thực thi cần mạnh mẽ hơn.

Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghị quyết. Các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, đề nghị khẩn trương ban hành ngay và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, kế hoạch hành động cần xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện; phân công trách nhiệm rõ ràng…

Đối với các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Đông đề nghị chủ động, tích cực tham gia phản biện, đóng góp chính sách. Đồng thời, chia sẻ và phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất các kiến nghị liên quan đến chính sách và thực thi chính sách để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan thúc đẩy các nỗ lực cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn nhằm tạo sự chuyển biến nhanh trong phục hồi và phát triển kinh tế...”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay: môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của ngành, địa phương và của quốc gia.

Với tầm quan trọng đó, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; được thực thi xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về thúc đẩy cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế và thích ứng với xu hướng phát triển cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện vai trò đôn đốc, theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình và kết quả thực thi của các bộ, ngành, địa phương.

Từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hằng năm ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP).

Năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm nhằm khẳng định môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trong điều hành và phát triển kinh tế xã hội.

Tuy vậy, do chỉ là một trong các nhiệm vụ của Nghị quyết 01/NQ-CP nên mức độ quan tâm, động lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương mờ nhạt hơn. Trong khi đó, năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài cũng như lực cản trong nước; nhiều lĩnh vực rào cản đầu tư, kinh doanh trở nên nặng nề hơn; môi trường kinh doanh chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Điều này tác động không nhỏ tới niềm tin và động lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Vì thế, nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả. Không những thế, tăng trưởng về số doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, vốn đăng ký và lao động đều giảm so với cùng kỳ năm 2022 trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Năng lực hấp thụ vốn sụt giảm khiến tăng trưởng tín dụng chậm mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành; xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, chậm phục hồi.

Dự báo năm 2024, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Riêng trong tháng 01/2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gấp gần 2 lần số doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Thực tế này cho thấy, doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn. Hơn lúc nào hết nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp.

Với các lý do nêu trên, Chính phủ đã khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/01/2024 nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương.

“Sự trở lại của Nghị quyết mang theo thông điệp rằng cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh; từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh nói.

Theo đó, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Nghị quyết 02/NQ-CP đó là: tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục