Xây dựng Đường dây 500kV Bắc Nam – Bài 5: Vừa thiết kế, vừa thi công

13:37' - 09/05/2018
BNEWS Với phương châm “vừa thiết kế, vừa thi công”, một cuộc chạy đua với thời gian diễn ra quyết liệt. Công trình được khởi công khi chưa được thiết kế chi tiết, đầy đủ.
Trạm 500kV Đông Anh. Ảnh: TTXVN

Ngày 5/4/1992 tại vị trí móng số 54, 852, 2702 và ngày 21/1/1993 tại Trạm biến áp Phú Lâm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình với mục tiêu khi dự án đưa vào vận hành sẽ truyền tải khoảng 2 tỷ kWh/năm đưa điện từ miền Bắc vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Với phương châm “vừa thiết kế, vừa thi công”, một cuộc chạy đua với thời gian diễn ra quyết liệt. Công trình được khởi công khi chưa được thiết kế chi tiết, đầy đủ.

Đội ngũ cán bộ công nhân viên thực hiện Dự án vừa phải nghiên cứu, tìm hiểu thiết kế, vừa thi công.

Với tinh thần quyết tâm công trình phải hoàn thành trong 2 năm, trên khắp tuyến đường dây từ Hòa Bình dọc theo miền Trung vào miền Nam, đâu đâu cũng là công trường.

Cán bộ khảo sát, giám sát, thi công được phân thành hàng trăm tổ, rải đều trên toàn tuyến để kịp thời phát hiện và hiệu chỉnh những điểm chưa hợp lý trong thiết kế.

Để đẩy nhanh tiến độ xây lắp, Bộ Năng lượng đã chia việc thi công đường dây thành 4 cung đoạn. Theo đó, cung đoạn từ Hòa Bình đến Hà Tĩnh giao cho Công ty Xây lắp Điện 1 thi công; từ Hà Tĩnh đến Kon Tum giao cho Công ty xây lắp Điện 3 thi công; từ Kon Tum đến Đắk Lắk giao cho Công ty Xây lắp Điện 4 và từ Đắk Lắc đến Phú Lâm do Công ty Xây lắp Điện 2 đảm nhận.

Trên từng cung đoạn lại được chia thành nhiều đoạn nhỏ. Đây là một giải pháp khoa học để rút ngắn thời gian xây lắp đường dây - nhiệm vụ nặng nề nhất của xây dựng đường dây.

Phương án này thường được áp dụng trong thi công các công trình lớn, tuy nhiên đối với nước ta, trong điều kiều khó khăn về kinh tế - tài chính thì phương án này không có lợi về kinh tế do chi phí để thực hiện đồng thời nhiều các cung đoạn là khá cao.

Hơn nữa phải huy động một lực lượng lớn nhân công, máy móc, phương tiện cơ giới cùng một thời gian để rải trên toàn bộ công trình là việc không hề dễ dàng.

Tuy nhiên để đảm bảo được tiến độ Bộ Năng lượng chỉ đạo chia nhỏ thành các cung đoạn để thực hiện cuốn chiếu. Ở các đơn vị xây lắp thực hiện việc giao ban hàng ngày trên tất cả toàn tuyến do đó mọi công việc chậm trễ, ách tắc được giải quyết kịp thời.

Bộ Năng lượng đã cho 4 Công ty Xây lắp mua thiết bị thông tin liên lạc bằng Icom (máy vô tuyến điện) để liên lạc từ chỉ huy đến các tổ đội, các đơn vị thi công. Việc hợp tác giữa các đơn vị thiết kế với các công ty xây lắp hết sức khoa học chặt chẽ.

Để rút ngắn thời gian cho bàn giao tim, mốc tuyến công ty thiết kế chỉ bàn giao các vị trí cột néo, cột vượt, cột góc còn tất cả phóng tuyến để xác định các vị trí trung gian đều do các công ty xây lắp thực hiện. Như vậy, việc xác định khoảng 3.600 vị trí móng, cột chỉ giải quyết trong một thời gian ngắn.

Trong các khâu thi công: Đúc móng, dựng cột, kéo dây thì khâu đúc móng là khó khăn nhất. Để có thể đào móng dựng cột trên núi việc đầu tiên là phải chặt cây rừng già để làm đường để vận chuyển vật tư, thiết bị lên núi. Với điều kiện cơ giới hóa còn hạn chế việc chặt cây hoàn toàn phải chặt bằng rìu, cưa tay... rừng già lại chủ yếu là cây cổ thụ đường kính tới 1,5m, hạ được cây để mở đường là chuyện không đơn giản.

Khi đó Ban Chỉ huy công trình phải huy động lực lượng dân quân, lao động địa phương, quân đội từ Quân khu 4, Quân khu 5, Binh đoàn 15 tham gia chặt cây, làm đường. Sau đó làm các đường đồng mức để cho các phương tiện máy móc vận chuyển vật liệu lên các vị trị thi công.

Trên toàn tuyến có 3.447 móng cột, việc xác định vị trí móng do lực lượng chính quy (cán bộ, kỹ sư công nhân lành nghề) thực hiện. Việc đầu tiên là xác định tim móng, một móng có bốn trụ, đào tới cốt thấp nhất rồi mới đặt cốt pha, dựng 4 trụ...

Việc khai thác cung cấp sỏi đá, sắt thép, xi măng để đúc móng được giao cho các đơn vị xây lắp tự quyết định, do đó đã chủ động tìm địa điểm khai thác, hợp đồng khai thác, vận chuyển tới hàng triệu tấn sắt thép, xi măng, hàng triệu mét khối cát, sỏi, đá, phục vụ công tác đúc móng.

Trong thi công có nhiều vị trí đúc móng trên đỉnh đèo Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Khâm Đức, đèo Lò Xo... máy móc không thể lên được phải huy động nhân dân các địa phương, bà con các dân tộc gùi từng bao xi măng, từng bao cát, từng thùng nước lên đỉnh núi cheo leo để đúc móng. Mỗi người chỉ gùi được 15kg cho mỗi chuyến. Thế nhưng góp gió thành bão, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Đường dây đấu nối vào Nhà máy điện Vĩnh Tân 4. Ảnh: TTXVN

Công đoạn dựng cột cũng không kém phần căng thẳng. Ở nhiều nước trên thế giới khi đó sử dụng cột đúc sẵn, sau đó dùng máy bay để lắp ghép, kỹ sư công nhân chỉ bắt đai ốc và bulông. Ở Việt Nam không sử dụng được công nghệ này mà phải sử dụng kỹ thuật lắp “trụ leo”. Đây là phương pháp dùng trong những khu vực địa hình đồi núi hiểm trở. Nghĩa là dùng dây tời bằng thép chắc chắn để lắp ráp từng đoạn cột.

Để có thể hoàn thành tiến độ dựng cột, Ban Chỉ huy các cung đoạn đã khoán cho các tổ, theo yêu cầu hai ngày phải dựng xong một cột, có như vậy mới đảm bảo được tiến độ. Do có nhiều thợ và nhiều lao động nên chúng ta dựng được đồng thời nhiều cột.

Phương pháp dựng cột “độc đáo” này cùng với hình ảnh công nhân kỹ thuật leo lắp ráp cột đã khiến đoàn khảo sát của nước ngoài “thán phục”. Với phương pháp lắp cột leo và khoán cột theo ngày, đến tháng 3 năm 1993, việc dựng cột trên toàn tuyến đã hoàn thành.

Như vậy sau 782 ngày đêm lao động không mệt mỏi, lực lượng thi công đã dựng xong 1.487 km đường dây mà phần lớn đều xuyên qua rừng núi hiểm trở, đầm lầy, rừng thiêng nước độc; vừa phải tự mở đường để vận chuyển vật liệu, vừa phải huy động tận dụng tổng lực xi măng, sắt thép để đổ gần 250.000 m3 bê tông và lắp đặt 26.000 tấn thiết bị.

Tổng nhân lực huy động trên toàn công trường gần 8.000 người, cùng các lực lượng quân đội hỗ trợ bao gồm Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3... với gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ.

Thêm vào đó là các đơn vị xây lắp của các tỉnh thành huy động gần 7.000 cán bộ, công nhân, kỹ thuật...

Đến tháng 4/1994, cơ bản công trình được xây dựng hoàn tất với khối lượng bao gồm lắp dựng 3.437 cột thép; kéo 1.487 km dây dẫn và dây chống sét; xây dựng 22 trạm lặp cáp quang, 19 chốt vận hành đường dây; đổ 280.000m3 bêtông móng với 23.000 tấn cốt thép; 60.000 tấn cột điện, 23.000 tấn dây dẫn và 930 tấn dây chống sét; 6.300 tấn cách điện.

Phần trạm biến áp gồm 5 trạm: Hòa Bình, Hà Tĩnh (trạm bù), Đà Nẵng, Pleiku, Phú Lâm. Trong giai đoạn 1 (5/1994) chỉ mới lắp đặt 1 tổ máy 550/220/35kV, công suất 150MVA tại trạm Hòa Bình và 1 tổ máy công suất 150MVA tại trạm Phú Lâm. Đến tháng 9/1994, lắp đặt thêm 3 tổ máy tại các trạm Hòa Bình, Phú Lâm, Đà Nẵng và đến tháng 11/1994, lắp đặt thêm 1 tổ máy biến áp tại trạm Pleiku.

Phần nhà điều hành Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia với hệ thống SCADA theo dõi thông số vận hành toàn hệ thống điện cũng được hoàn thành vào đầu năm 1994. Hệ thống này cho phép điều khiển các thiết bị đóng cắt của các trạm trên hệ thống 500kV tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.

Việc thí nghiệm thiết bị, thông mạch các trạm biến áp  đều được giám sát chặt chẽ bởi các chuyên gia của hãng sản xuất thiết bị và của 2 đơn vị tư vấn PPI và SECVI.

 Quá trình nghiệm thu, đóng điện đường dây gồm 4 giai đoạn; trong đó, Đóng điện DC 220V (từ 14 đến 16/4/1994) và AC điện áp 15kV (từ 25/4 đến 7/5/1994) để xác định thứ tự pha, đo điện trở DC và kiểm tra thông số đường dây; Đóng điện từng cung đoạn đường dây với điện áp 500kV (từ 20/5 đến 26/5/1994); Hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình vào ngày 27/5/1994 tại trạm Đà Nẵng và  Hòa đồng bộ hệ thống điện miền Nam với hệ thống điện miền Bắc tại nhà máy thủy điện Hòa Bình vào ngày 29/5/1994./.

>>> Bài 6: Thời khắc lịch sử

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục