Xây dựng Đường dây 500kV Bắc Nam – Bài 1: Quyết định lịch sử

15:45' - 08/05/2018
BNEWS Với việc xây dựng Đường dây truyền tải siêu cao áp Bắc - Nam sẽ đóng vai trò quyết định nhiệm vụ điện khí hóa đất nước.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết, vào khoảng quý IV- 1991, tại Tòa nhà Chính phủ (cũ), Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã làm việc với Bộ Năng lượng để nghe báo cáo một số vấn đề quan trọng; trong đó có vấn đề thừa điện ở miền Bắc và thiếu điện ở miền Nam cùng các giải pháp tháo gỡ.

Đóng điện tụ bù Trạm 500kV Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã báo cáo cả hai phương án. Phương án I: Bán điện thừa của miền Bắc cho Trung Quốc, lấy tiền hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình điện ở miền Trung và miền Nam. Phương án II: Xây dựng đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng dư thừa từ miền Bắc vào miền Nam.

Theo đó, Bộ Năng lượng đề xuất chọn phương án xây dựng đường dây siêu cao áp Bắc - Nam, vì phương án này đảm bảo cả ba yếu tố về chính trị, kinh tế và kỹ thuật. Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt kết luận: Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đồng ý với ý kiến đề xuất của Bộ Năng lượng làm Đường dây siêu cao áp Bắc - Nam. Như vậy, giải pháp giải quyết vấn đề lớn và cấp bách của đất nước đang từng bước được Trung ương thận trọng xem xét, trước khi chính thức quyết định.    

Đầu năm 1992, sau khi trực tiếp và gián tiếp nhận được các thông tin về tình hình thiếu điện trầm trọng ở miền Trung và miền Nam, cùng các văn bản báo cáo và ý kiến tham mưu, đề xuất của Bộ Năng lượng,  Trung ương đã thận trọng lắng nghe, xem xét kỹ càng từng phương án.

Quyết định làm hay không làm Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam không còn là đi tới một quyết định đơn thuần về kinh tế hay khoa học, kỹ thuật, nó còn là một quyết định được chi phối rất mạnh từ góc độ chính trị, xã hội nữa và trong quá trình giải quyết vấn đề lớn liên quan đến đất nước, đến cuộc sống của người dân thì góc độ này lại vô cùng quan trọng.

Đường dây 220kV Phan Thiết-Phú Mỹ 2.1. Ảnh: TTXVN

Tất cả những ý kiến phản biện, nhất là những ý kiến phản biện của các nhà khoa học am hiểu liên quan trực tiếp đến dự án công trình đường dây siêu cao áp, được gửi đến tập trung ở một đầu mối quản lý nhà nước là Bộ Năng lượng. Lãnh đạo Bộ và các chuyên gia của nước ta đã dày công nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng tất cả các ý kiến ấy, đồng thời bàn bạc, trao đổi với các công ty tư vấn quốc tế: Công ty Tư vấn PPI (Úc) Công ty Nordconsult (Na Uy), Công ty Hydro Québech (Canađa), để có giải pháp, biện pháp xử lý thiết thực, cụ thể.

Tiếp sau đó, ngày 31/1/1992 Bộ Năng lượng đã khẩn trương làm Tờ trình số 03/NL-KH trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xin chủ trương, cơ chế đầu tư các công trình quan trọng của đất nước; trong đó có công trình trọng điểm xây dựng Dự án Đường dây 500kV Bắc - Nam.

Còn một công việc quan trọng khác liên quan đến công trình Đường dây siêu cao áp 500 kV cũng được Bộ Năng lượng đưa vào văn bản trình lên Hội đồng Bộ trưởng. Đó là hoàn thành xây lắp Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - đầu nguồn cung cấp điện cho đường dây siêu cao áp. Theo đó, đề xuất với Hội đồng Bộ trưởng các cơ chế và biện pháp linh hoạt chuyển sang đàm phán, thương thảo giá, bảo đảm các yếu tố tài chính cho các tổ máy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình đưa vào vận hành đúng tiến độ, sẵn sàng đáp ứng điện cho miền Nam và miền Trung khi hoàn thành công trình đường dây siêu cao áp 500kV. 

Nhận được Tờ trình của Bộ Năng lượng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt có thêm một luận cứ cần thiết để xin ý kiến Bộ Chính trị đồng ý cho Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định triển khai phương án II: Xây dựng Dự án Đường dây truyền tải siêu cao áp 500kV Bắc - Nam.

Có được sự thống nhất cao trong Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã trực tiếp có ý kiến ngay với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho triển khai thực hiện Dự án.

Với việc xây dựng Đường dây truyền tải siêu cao áp Bắc - Nam sẽ đóng vai trò quyết định nhiệm vụ điện khí hóa đất nước. Bởi, với các trạm biến áp công suất lớn ở miền Trung, đường dây siêu cao áp sẽ đảm bảo những liên kết mạnh với các nguồn điện lớn phía Bắc và phía Nam và hợp nhất các hệ thống điện đang vận hành riêng lẻ ở cả ba miền vào hệ thống điện toàn quốc với hiệu quả khai thác hệ thống và cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân cao hơn nhiều so với trước khi hợp nhất.

Công trình truyền tải điện cực lớn này sẽ chấm dứt tình trạng thiếu điện liên miên ở miền Trung và miền Nam suốt nhiều năm, điều hòa lưới điện của cả nước một cách hợp lý và khoa học nhất, linh hoạt và sáng tạo nhất. Công trình cũng đã góp phần đặt nền móng và tỏa ánh sáng dẫn đường cho các công trình truyền tải điện mạch II, III ra đời tiếp sau của ngành Điện lực Việt Nam, góp phần hết sức quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước ta đi tới thành công./.

>>> Bài 2: Các văn bản hợp thành

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục