Xây dựng một thể chế "kim cương" bằng những cải cách đột phá

14:09' - 17/12/2019
BNEWS Sau nhiều nỗ lực, từ năm 2014 đến 2018, Việt Nam đã tăng 30 bậc xếp hạng về năng lực cạnh tranh.
Xây dựng một thể chế "kim cương" bằng những cải cách đột phá. Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews-TTXVN

Sáng 17/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Công bố Báo cáo Nghị quyết 02 của Chính phủ - Từ góc nhìn doanh nghiệp". Sự kiện thu hút đông đảo các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và báo giới.

Khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, Nghị quyết 02 năm 2019 về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2020 có những mục tiêu rất cụ thể. Nổi bật là mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp và bước chân vào “bán kết ASEAN” trong cuộc đua về năng lực cạnh tranh.

Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và cả doanh nghiệp trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018, Việt Nam đã tăng 30 bậc xếp hạng về năng lực cạnh tranh. Song, thực tế vẫn đang ở mức trung bình của thế giới, năng lực cạnh tranh trong ASEAN chưa lọt vào Top 4.

Vì vậy, cải cách thể chế cần sự mạnh mẽ vượt trội để đạt "thể chế kim cương", tức là phải minh bạch, ổn định và vững chắc như kim cương.

Với Nghị quyết 35, Chính phủ đã coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế. Đây thực sự là định hướng quan trọng; trong đó, khu vực tư nhân đóng góp 48% GDP vào năm 2020. Để khu vực tư nhân trong nước đạt mục tiêu này không phải là khó. Tuy nhiên, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh trong top 4 ASEAN vào năm 2020 lại là mục tiêu khó khăn.

Cũng tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp bày tỏ ý kiến cho rằng, công cuộc cải cách cần tiếp tục được thúc đẩy để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Trong những lĩnh vực cải cách nổi bật đã có ngành thuế, hải quan và ngành tín dụng...

Tuy nhiên, ngay cả các lĩnh vực đã đạt được điểm đột phá và tiên phong như vậy, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với thế giới như thủ tục hành chính lĩnh vực thuế chiếm 384 giờ trong khi ở châu Á - Thái Bình Dương hiện chỉ là 173 giờ. Đó là chưa kể nhiều lĩnh vực khác hầu như chưa có sự cải thiện trong nhiều năm qua.

Một vấn đề khác khiến thực trạng cải thiện môi trường kinh doanh chưa đạt được đồng đều là do nỗ lực của các địa phương cũng rất khác nhau; chuyển biến về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng có sự khác biệt. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong khi đạt tốc độ chuyển biến nhanh hơn thì khu vực miền núi phía Bắc lại chậm hơn.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp giữa các địa phương cũng khác nhau. Một báo cáo thống kê gần đây của VCCI cho thấy, hơn 40% doanh nghiệp được hỏi, cho biết đã phải đi lại khá nhiều lần để thực hiện các thủ tục hành chính. 58% doanh nghiệp cho biết, gặp phải sự nhũng nhiễu khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tình trạng thanh tra, kiểm tra vẫn còn diễn ra khá phổ biến và nặng nề.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, kết quả khảo sát của VCCI chỉ rõ, các lĩnh vực về đăng ký thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp đánh giá cao. Các lĩnh vực này vẫn liên tục có những cải thiện trong những năm trở lại đây và được các doanh nghiệp ghi nhận.

Tuy nhiên, lĩnh vực về phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu vẫn chưa có những cải thiện đáng kể theo đánh giá của các doanh nghiệp.

Báo cáo về Nghị quyết 02 do VCCI tiến hành lần này cũng đưa ra nhiều khuyến nghị đối với Chính phủ để tăng tính cải thiện cho 13 nhóm chỉ số như khởi sự kinh doanh; nộp thuế; giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan; quản lý đất đai và đăng ký bất động sản, cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản; hạ tầng và tiếp cận điện năng; cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh; xuất nhập khẩu hàng hoá và kiểm tra chuyên ngành; kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; cổng dịch vụ công; tính ổn định của chính sách; cạnh tranh bình đẳng; minh bạch trong thanh tra, kiểm tra....

Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp tham gia hội thảo cho rằng, còn nhiều dư địa để phát triển doanh nghiệp và những địa phương đi sau có thể học hỏi kinh nghiệm của những địa phương đi trước để tháo gỡ những điểm nghẽn về sự chậm trễ của cải cách thủ tục hành chính hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục