Xây dựng thị trường chứng khoán minh bạch để phát triển bền vững

16:16' - 28/11/2016
BNEWS Thị trường chứng khoán sẽ phát triển với nhịp độ nhanh hơn, đảm bảo ổn định, vững chắc, cấu trúc hoàn thiện; công khai, minh bạch và tiếp cận các thông lệ quốc tế.
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Ngành chứng khoán Việt Nam đã đi qua chặng đường 20 năm với bao khó khăn và thách thức. Từng mảng mầu được ghép lại tạo dựng dần thành bức tranh thị trường tươi sáng ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của những con người hoạt động trong lĩnh vực này.

Trao đổi với phóng viên BNEWS/TTXVN nhân kỷ niệm 20 năm thành lập (28-11-1996 - 28-11-2016) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng khẳng định, đến thời điểm này thị trường chứng khoán (TTCK) đã đóng vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Việc vượt qua được nhiều khó khăn thách thức đã giúp tạo được một nền tảng cơ bản cùng với sự minh bạch của thị trường tạo đà cho sự phát triển trong tương lai.

BNEWS: Thưa ông, trong suốt chặng đường 20 năm qua, những thời điểm khó khăn nào của thị trường mà ông không thể quên?

Ông Vũ Bằng: Bắt đầu với một thị trường còn quá sơ khai, việc cổ phần hóa đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và không ai quan tâm đến việc niêm yết. Đây chính là điểm khó khăn cho công tác tạo hàng, hầu hết doanh nghiệp nghe trình bày là từ chối ngay, vì thấy quá phức tạp, phải công bố thông tin, thuế và nhiều quy định mới.

Bên cạnh đó, nhân sự từ cán bộ đến nhân viên hầu như còn thiếu kiến thức. Trong khi đó, việc tìm mua công nghệ cho giai đoạn đầu thì công nghệ quá mới, không có tiền mua và câu hỏi luôn được đặt ra là phải triển khai thế nào?

Bước vào thời kỳ thứ hai của thị trường với việc tăng trưởng rất nóng sau khi Việt Nam vào WTO và dòng vốn nước ngoài đổ vào. Có thời điểm VN-Index lên trên 1,100 điểm. Khi đó Ủy ban Chứng khoán cũng nhìn thấy thị trường rất nóng và lo lắng.

Bên cạnh đó với tín dụng ra nhiều, lãi suất giảm, bất động sản tăng, sản xuất mở mang, đã kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng ngay sau đó khiến lạm phát tăng cao. Đã có những cảnh báo về tín hiệu của khủng hoảng. Đến đầu năm 2007, dòng tiền sụt giảm, nước ngoài rút vốn, TTCK lao dốc.

Ông Vũ Bằng đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong Lễ trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Năm 2009, sau khi thành công trong việc chống lạm phát, thị trường lại sụt giảm mạnh do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng với các chính sách kích cầu ngăn chặn suy giảm kinh tế, sang năm 2010 thị trường đã có sự hồi phục mạnh, dòng vốn gián tiếp nước ngoài quay trở lại, kèm theo đó giá bất động sản tăng.

Tuy nhiên, do chính sách tiền tệ nới lỏng, cùng với chương trình kích cầu đã khiến lạm phát tăng cao lên mức 11,75%, buộc chúng ta phải áp dụng giải pháp kiềm chế lạm phát, trong đó có việc thắt chặt tiền tệ, ngừng gói kích cầu và hạn chế dòng tiền vào chứng khoán, bất động sản.

Kết quả lạm phát năm 2012 giảm còn 6,8% và năm 2013 còn 6,04%. Ngược lại, TTCK sụt giảm mạnh, VN Index giảm từ trên 600 điểm xuống còn trên 300 điểm. Thị trường khi đó chịu tác động trước hết từ các biện pháp chống lạm phát, thắt chặt tiền tệ.

Lúc đó thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng từ cả hai yếu tố: Nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khi thấy các dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng và chính bản thân các chính sách chống lạm phát.

Đó không phải lỗi của ai cả mà là một chu kỳ kinh tế đi xuống. Dĩ nhiên luôn là hệ quả của sự tăng trưởng quá nóng trước đó mà không có van nào để điều tiết kịp thời.

BNEWS: Khi nhưng khó khăn dần qua đi thì đâu là những điểm sáng mà ông nhớ nhất trong suốt 20 năm đồng hành cũng ngành chứng khoán, thưa ông?

Ông Vũ Bằng: Có thể nhận thấy, TTCK đã góp phần thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn bảo đảm tính công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Chúng ta đã tạo lập được một thể chế TTCK phù hợp với trình độ phát triển của nước ta; từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế và quá trình hội nhập quốc tế và khu vực.

Từ ngày thành lập tới nay, tổng giá trị vốn huy động qua TTCK ước đạt trên 2 triệu tỷ đồng, đóng góp bình quân 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và huy động gần 17 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp.

Quy mô TTCK tăng trưởng mạnh, từ mốc sơ khởi chỉ có 2 công ty niêm yết khi thị trường đi vào hoạt động, đến nay đã có hơn 1.000 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch, mức vốn hóa TTCK tính chung cả cổ phiếu và dư nợ trái phiếu đã đạt 63% GDP.

Điều này đã cho thấy sự tăng trưởng nhanh của TTCK và đang ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, hệ thống các tổ chức trung gian, tổ chức giao dịch TTCK ngày càng hoàn thiện và phát triển, đã thu hút đông đảo các nhà đầu tư (NĐT) trong, ngoài nước. Các chuẩn mực về quản trị công ty, công bố thông tin đã từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.

BNEWS: Ngành chứng khoán đã đi qua một chặng đường, vậy trên chặng đường tới đây ông có kỳ vọng gì vào tương lai của thị trường chứng khoán? Cũng như UBCK có giải pháp gì để nâng vị thế của TTCK.

Ông Vũ Bằng: Trong giai đoạn tới, chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 đã xác định rõ tiếp tục phát triển TTCK với nhịp độ nhanh hơn, đảm bảo ổn định, vững chắc, cấu trúc hoàn thiện; công khai, minh bạch và tiếp cận các thông lệ quốc tế. Trong bối cảnh quốc tế đang có những thay đổi lớn, phức tạp và khó lường trên nhiều phương diện.

Kinh tế thế giới phục hồi chậm và khó khăn sau khủng hoảng toàn cầu, nợ công và nợ khu vực tư nhân của nhiều nước ở mức rất cao.

Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam đang nỗ lực vượt qua những thách thức, với một loạt giải pháp, quyết tâm của Chính phủ trong việc thay đổi cơ chế và cách quản lý theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng phù hợp cam kết hội nhập cũng như tình hình mới của đất nước.

Cùng với đó là các giải pháp quyết liệt đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên TTCK, thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, quy mô thị trường sẽ tăng trưởng mạnh. Đây chính là những yếu tố, tiền đề quan trọng và là cơ hội để TTCK tiếp tục vững bước và phát triển.

Có thể nhận thấy, TTCK Việt Nam luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và có triển vọng lớn. Nhưng để thu hút mạnh mẽ hơn, trong thời gian tới, ngành Chứng khoán tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, phát triển các sản phẩm mới như chứng quyền bảo đảm (covered warrant), hình thành TTCK phái sinh; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển cơ sở NĐT, đặc biệt là xử lý một số khó khăn hiện nay trong vấn đề thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có vấn đề nâng hạng TTCK Việt Nam trong bảng xếp hạng MSCI.

Ngoài ra, đối với việc tái cơ cấu tổ chức giao dịch TTCK, trong thời gian tới sẽ từng bước thực hiện sắp xếp lại các mảng thị trường, phát triển hạ tầng công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam.

Đây là nỗ lực của Bộ Tài chính, UBCKNN trong việc hoàn thiện và phát triển thị trường, thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao hình ảnh và vị thế của TTCK Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế./.

BNEWS: Xin cảm ơn ông.

Xem thêm:

>> Huy động trên 2 triệu tỷ đồng từ chứng khoán vào sản xuất kinh doanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục