Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực

17:16' - 15/01/2021
BNEWS Năm 2021 Cục Xúc tiến thương hiệu sẽ tập trung lựa chọn và xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, năm 2021 Cục Xúc tiến thương hiệu sẽ tập trung lựa chọn và xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực cũng như thúc đẩy sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, nhiều tiềm năng.

Theo ông Vũ Bá Phú-Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với các bộ ngành và các đơn vị liên quan triển khai đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại tiếp cận mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trước mắt Cục Xúc tiến thương mại ưu tiên triển khai các Đề án xúc tiến thương mại quốc gia, các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường sớm khôi phục sau dịch COVID-19.

Về lâu dài, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại các thị  đối với các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, EU, Hoa Kỳ, các nước ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)..., đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực thị trường hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền phổ biến thông tin về cơ hội xúc tiến xuất khẩu vào thị trường các nước EU, CPTPP, ưu tiên các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam nhằm khai thác và tận dụng hiệu quả lợi ích mang lại từ Hiệp định CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Theo ông Vũ Bá Phú, tới đây Cục Xúc tiến thương mại sẽ chủ động trao đổi, phối hợp với hiệp hội ngành hàng, địa phương lựa chọn nhóm hàng, mặt hàng có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, dành ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng kế hoạch, lộ trình xúc tiến thương mại theo chuỗi, có tính dài hạn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức xúc tiến thương mại Bộ, ngành, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp.

Đặc biệt, Cục còn tập trung triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo từng thị trường đối với từng ngành hàng theo giai đoạn nhất định; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại trên các nền tảng kĩ thuật số nhằm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động xúc tiến thương mại trong tình hình mới, mặt khác giúp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây là biện pháp phù hợp trong bối cảnh các quốc gia phải tập trung khắc phục hậu quả nặng nề của dịch COVID-19 và cũng là giải pháp lâu dài nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả và tính minh bạch cho các hoạt động thương mại.

Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng ưu tiên các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc đáp ứng được tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng gia tăng giá trị cho sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện quảng bá sâu rộng tối thiểu mỗi năm 3-5 ngành hàng vào các thị trường trọng điểm theo chu kỳ 3 năm liên tiếp.

Cục Xúc tiến thương mại cho biết, năm 2020, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được phê duyệt gồm với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 136 tỷ đồng. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức các hội nghị giao thương xúc tiến thương mại trực tuyến và quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu có hiệu quả ngay tại “nhà”.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chủ động, nhanh chóng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số vào xúc tiến thương mại, tổ chức trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến.

Kết quả là trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục.

Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm bằng hình thức trực tuyến (9-12/12/2020), tổ chức cho hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm trực tuyến quốc tế.

Hơn nữa, trong năm 2020, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng 5 ứng dụng, phần mềm bao gồm hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung  quản lý khách hàng (CRM); Hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ; Cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (www.itrace247.com); Cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hoá (https://vietnam.tradeportal.org); Nền tảng đào tạo xúc tiến thương mại trực tuyến (E-learning). Các ứng dụng trên dự kiến được đưa vào vận hành trong năm 2021.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã trực tiếp tổ chức và hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp với các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Yên Bái, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Cà Mau... nhằm quảng bá và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản vào vụ như vải, nhãn, xoài, rau, củ, quả...

Đến nay, mô hình này đã trở thành hình thức xúc tiến thương mại đầu tư mới, hiệu quả và lan tỏa ra hầu hết các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trên cả nước, qua đó góp phần tích cực vào kết quả xuất - nhập khẩu của cả nước trong năm 2020.

Đáng lưu ý, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, Bộ Công Thương đã triển khai các Chương trình, hoạt động đa dạng về phát triển thương hiệu; trong đó nòng cốt là Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Định kỳ 2 năm/lần, Bộ Công Thương đã tổ chức xét chọn và công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ và theo đuổi các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia để không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục