Xét xử vụ FLC: Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị đề nghị từ 24-26 năm tù

16:08' - 26/07/2024
BNEWS Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Chiều 26/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm 50 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Theo đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC) bị Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt từ 19-20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ 5-6 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Quyết là từ 24-26 năm tù.

 

Cùng bị truy tố về 2 tội danh này, 7 bị cáo khác gồm: Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Quyết) bị Viện Kiểm sát đề nghị từ 17-19 năm tù; bị cáo Trịnh Thúy Nga (em gái bị cáo Quyết) từ 10-12 năm tù; Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán BOS) từ 11-13 năm tù; Trịnh Văn Đại (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros) 14-16 năm tù; Nguyễn Văn Mạnh (Trưởng nhóm Vật tư cảnh quan, Phòng Mua sắm và cung ứng vật tư, Công ty FLC Land) 7-9 năm tù; Trịnh Tuân (cựu Giám đốc Công ty FLC Land) từ 6 năm đến 7 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Hồng Dung (trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) từ 5 năm đến 6 năm 6 tháng tù.

42 bị cáo còn lại trong vụ án bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 18 tháng đến 9 năm tù về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, đây là vụ án được dư luận xã hội trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, có tác động, ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam và tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia. Vụ án còn có tác động, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, đến niềm tin của hàng trăm nghìn nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong vụ án này, hành vi của bị cáo Trịnh Văn Quyết và các bị cáo khác là nghiêm trọng, đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, đã phạm vào tội Thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị Viện Kiểm sát xác định là người quyết định, chỉ đạo thực hiện mua Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros; quyết định, chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để hợp thức việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng, đăng ký công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, bán 391.155.480 cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng;

Ngoài ra, bị cáo Quyết còn là người chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng; trong đó phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 4 mã chứng khoán gồm: HAI, GAB, ART và FLC với số tiền thu lợi bất chính là hơn 684 tỷ đồng.

Đối với bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, đại diện Viện Kiểm sát xác định là bị cáo thực hành tích cực nhất, giúp sức cho Trịnh Văn Quyết thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, bị cáo Huế đã trực tiếp nhận chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết để thực hiện hoặc chỉ đạo lại các bị cáo khác thực hiện việc nâng khống vốn góp của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng, giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE, bán cổ phiếu chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng của 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Ngoài ra, bị cáo Huế còn trực tiếp nhận chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết để thực hiện mua bán cổ phiếu; hoặc chỉ đạo lại các bị cáo khác mở tài khoản, ký các thủ tục chuyển tiền để thực hiện thao túng thị trường chứng khoán, giúp Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính 4 mã cổ phiếu HAI, GAB, ART và FLC số tiền hơn 684 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát xác định, trong vụ án này, phần lớn các bị cáo có trình độ, có hiểu biết, am hiểu pháp luật; một số bị cáo có sức ảnh hưởng, có quyền quyết định, đã chỉ đạo, điều hành các pháp nhân thuộc “hệ sinh thái FLC", trong đó có Công ty Cổ phần chứng khoán BOS và Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros; chỉ đạo các cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo và các cá nhân liên quan trong vụ án cùng thực hiện hành vi trái pháp luật.

Đặc biệt, một số bị cáo am hiểu sâu về chứng khoán và thị trường chứng khoán, đã cố ý thực hiện hành vi trái pháp luật, tạo điều kiện cho các bị cáo khác thực hiện tội phạm, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn; làm giảm uy tín của cơ quan nhà nước trong quản lý, giám sát thị trường chứng khoán; ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường đầu tư chứng khoán, tác động tiêu cực đến tâm lý các nhà đầu tư, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút vốn đầu tư, môi trường đầu tư phát triển kinh tế; làm ảnh hưởng xấu trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, trong đó bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái và các bị cáo khác trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã chủ động khắc phục, tác động để gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả trong vụ án; khai báo thành khẩn hành vi phạm tội, có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; gia đình có công với cách mạng; tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng xã hội… Riêng bị cáo Quyết còn được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ được nhiều bị hại gửi đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án, các bị cáo và luật sư bào chữa đã tham gia tranh luận, đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ nhằm giảm nhẹ mức độ hành vi phạm tội của mình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục