Xu hướng bất động sản nghỉ dưỡng có thương hiệu ngày càng mở rộng

16:47' - 25/04/2022
BNEWS Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam bắt đầu “trở lại đường đua” sau 2 năm trầm lắng, với nhiều dự án sẽ được chào bán trong năm 2022 để nhanh chóng đón đầu đà tăng của du lịch - nghỉ dưỡng.

Xu hướng bất động sản nghỉ dưỡng có thương hiệu đang ngày càng mở rộng, đặc biệt là sự tham gia của các thương hiệu lớn giúp nâng cao chất lượng dự án, thu hút dòng vốn và nâng cao giá trị tài sản đầu tư trong dài hạn.

 

Theo CBRE Việt Nam, với đà hồi phục của ngành du lịch, khách nội địa sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ lực xuyên suốt năm 2022. Hiện Việt Nam đã khôi phục loạt đường bay quốc tế thường lệ. Tuy nhiên, một số thị trường khách trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) chưa thể tăng nhanh trở lại do các quốc gia này vẫn đang duy trì chính sách thận trọng.

Trong khi đó, các nước khu vực ASEAN đã đồng loạt mở cửa du lịch, tạo hiệu ứng lan tỏa giúp tăng cường thu hút khách đến với toàn khu vực. Sự trao đổi khách giữa các nước trong khối ASEAN dự kiến diễn ra sôi động, chủ yếu như khoảng cách di chuyển ngắn và sự đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh. Nguồn khách từ các nước ASEAN sẽ đạt tốc độ phục hồi nhanh chóng hơn và trở thành thị trường trọng điểm trong giai đoạn đầu mở cửa của du lịch Việt Nam.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam cho biết, do sự tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến cho tình hình du lịch tại các thành phố biển của Việt Nam bị ngưng trệ. Tại thời điểm trước dịch, Đà Nẵng và Khánh Hòa là điểm đến của đông đảo khách quốc tế, với trên 3,5 triệu lượt trong năm 2019.

Tuy nhiên, lượng khách này sụt giảm mạnh hơn 80% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2020 - 2021 khi Việt Nam tạm đóng cửa biên giới. Khách nước ngoài chiếm tỉ trọng lớn trong tổng cơ cấu khách (40 - 50%) khiến tình hình kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng và Khánh Hòa chịu nhiều thiệt hại nặng nề hơn.

Đại dịch COVID-19 góp phần thay đổi “khẩu vị” du lịch, theo đó, các địa điểm gần và có thể tiếp cận bằng phương tiện cá nhân thu hút nhiều khách hơn. Số lượng thống kê cho thấy lượng khách nội địa đến với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận năm 2020 chỉ giảm 20 - 40% so với cùng kỳ, thấp hơn tương đối so với mức giảm 60 - 70% tại Đà Nẵng và Khánh Hòa. Trong bối cảnh dịch, thành phố biển đảo Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn duy trì là điểm đến lý tưởng với khách trong nước, lượng khách này chỉ giảm khoảng 23% so với mức 2019.

Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, xu hướng du lịch gần nhà trong 2020 cũng phần nào định hình lại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Dòng vốn đầu tư bắt đầu dịch chuyển từ các thị trường truyền thống như Đà Nẵng và Khánh Hòa về các khu vực mới như Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Thêm vào đó, thông tin các dự án hạ tầng trọng điểm đang được tích cực triển khai như sân bay quốc tế Long Thành, sân bay Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết -Dầu Giây... góp phần tạo sức bật cho hai khu vực này.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm ba dự án mới được mở bán lần đầu, Hyatt Regency Hồ Tràm Residences, Ixora Hồ Tràm by Fusion và Venezia Beach Bình Châu (Phân kỳ 1) với tổng cộng 382 căn biệt thự. Ngoài ra, NovaWorld Hồ Tràm cũng mở bán thêm phân kỳ mới Habana Island với 372 căn biệt thự.

Thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng sôi động nhờ xu hướng nở rộ các tổ hợp nghỉ dưỡng và giải trí, sự tăng cường hiện diện của các chủ đầu tư uy tín và các đơn vị quản lý quốc tế như Hyatt, Banyan Tree, Lodgis Hospitality, Best Western, Cross Hotels & Resort.. Nhờ vậy, mức giá bán trung bình thị trường toàn tỉnh liên tục được củng cố và đạt tốc độ tăng trưởng lũy kế CAGR 2018 - 2021 là 21%/năm.

Bình Thuận có thêm nguồn cung mới là 270 căn biệt thự từ phân kỳ Waikiki của dự án NovaWorld Phan Thiết. Thị trường du lịch - nghỉ dưỡng Bình Thuận hiện đang hồi sinh mạnh mẽ sau thời gian dài “ngủ đông” và được kỳ vọng bùng nổ trong giai đoàn 2022 - 2025, được hỗ trợ bởi sự tăng tốc của sóng hạ tầng. Mức giá bán trung bình thị trường toàn tỉnh ghi nhận tốc độ tăng trưởng lũy kế CAGR 2017 – 2021 KA2 16%/năm…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục