Xử lý kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa

10:46' - 30/07/2021
BNEWS Sau khi các tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg để chống dịch, một số địa phương đã không cho nhiều cửa hàng sữa hoạt động vì không phải là mặt hàng thiết yếu.

Ngay khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp, Hiệp hội sữa Việt Nam, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương tiếp nhận và chuyển về Ban chỉ đạo để kịp thời xử lý.

Theo đó, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương đã làm việc với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) về khó khăn của doanh nghiệp khi một số quận, huyện trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh không cho cửa hàng bán sữa của Vinamilk được hoạt động bởi đây không phải là mặt hàng thiết yếu.

Không riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo Vinamilk, ngay trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, việc vận chuyển sữa và các sản phẩm từ sữa của doanh nghiệp này qua các chốt, trạm cũng gặp khó khăn.

Chẳng hạn như một số chốt trạm yêu cầu tài xế lái xe tải, xe gắn máy chở hàng quay đầu xe về đơn vị, có trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tại buổi làm việc, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương đã cung cấp văn bản số 4349/BCT-TTTN ngày 21/7/2021 của Bộ Công Thương gửi Sở Công Thương các địa phương về việc quy định hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Căn cứ văn bản này, một số địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai… đã ban hành văn bản quy định danh mục mặt hàng thiết yếu; trong đó, có mặt hàng sữa.

Tuy nhiên, việc cho phép cửa hàng kinh doanh sữa được hoạt động hay không lại tùy thuộc vào quy định UBND quận, huyện xã, phường mỗi địa phương để bảo đảm phòng chống dịch COVID-19.

Bởi vậy, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương đã tiếp nhận thông tin phản ánh từ Hiệp hội Sữa Việt Nam, Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk về những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển sữa và các mặt hàng chế biến từ sữa, chuyển về Ban chỉ đạo đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tháo gỡ.

Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn vướng trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành Công văn 4481/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về việc hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; công văn số 4482/BCT-TTTN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đề xuất Chính phủ hướng xử lý tồn tại gây việc ùn ứ lưu thông tại các chốt giao thông.

Bên cạnh đó, trước kiến nghị của các doanh nghiệp không thể xin cấp thẻ nhận diện ưu tiên "luồng xanh" để vận chuyển lưu thông hàng hóa theo quy định, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương đã kiến nghị, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải ban hành văn bản số 7630/BGTVT-VT ngày 27/7/2021 về việc tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Vì thế, phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu khi lưu thông giữa các địa phương nếu đăng ký thẻ nhận diện ưu tiên "luồng xanh" nhưng chưa được cấp thì vẫn được lưu thông bình thường, chỉ thực hiện kiểm tra test nhanh COVID-19.

Tuy nhiên, qua nắm bắt thông tin, tại một số địa phương, việc thực hiện quy định này chưa triệt để và thống nhất khi một số trạm, chốt kiểm soát vẫn yêu cầu có thẻ nhận diện ưu tiên "luồng xanh" mới được phép lưu thông. Điều này, dẫn tới gây ùn ứ phương tiện, không kịp cung hàng thiết yếu, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có cách hiểu khác nhau về quy định hàng hóa thiết yếu nên gây khó khăn cho xe vận chuyển đi qua, mặc dù Bộ Công Thương đã có các văn bản hướng dẫn về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Do vậy, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương đã đề xuất Ban chỉ đạo kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các quận/huyên, các sở ban ngành và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn số 4481/BCT-TTTN, văn bản số 7630/BGTVT-VT.

Căn cứ kiến nghị của Bộ Công Thương, ngày 29/7/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 5187/VPCP-CN về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19.

Theo đó, tất các các loại hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân được vận chuyển, lưu thông trừ hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật đã cơ bản tháo gỡ, tránh gây ùn ứ tại các chốt kiểm soát. Từ đó, góp phần đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục