Xử lý nạn phân bón giả, kém chất lượng

14:14' - 24/05/2022
BNEWS Trong bối cảnh này, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả cũng bùng nổ, vì thế cần hơn nữa sự vào cuộc của cơ quan chức năng để xử lý, chấn chỉnh tình trạng này.
Liên tiếp trong thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng tại các tỉnh phía Nam, như Đồng Nai, Tiền Giang... Trong bối cảnh giá cả mặt hàng phân bón tăng cao, người dân lại bước vào sản xuất vụ lúa Hè Thu, trồng cây ăn trái, thì vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng sẽ vẫn là nỗi lo lớn nếu như không được giải quyết triệt để.
Từ đầu năm 2022 này, giá phân bón liên tục tăng theo giá nguyên nhiên liệu thế giới, hiện đang ở mức cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây, từ 16-18 triệu đồng/tấn tùy loại.
Ông Nguyễn Văn Hinh, thôn Rùa Hạ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho hay, giá phân bón hiện nay đang ở mức rất cao, gia đình làm nông nghiệp là chủ yếu nên gặp nhiều khó khăn. Với khoảng gần 1 mẫu ruộng lúa, chi phí mỗi vụ trước đây khoảnh hơn 1 triệu đồng, nhưng nay phải chi phí tới hơn 2 triệu đồng/vụ, chưa kể các chi phí tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật, công cày bừa, gặt. Với công sức bỏ ra suốt 3-4 tháng trời, tiền thu về sau khi trừ các chi phí cũng không còn được bao nhiêu.
"Bây giờ tiền gì cũng tăng, từ giá xăng tăng, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến nhân công, nhiều nhà trong thôn cũng đã chuyển nghề từ lâu, bỏ ruộng hoặc cho thuê, chứ trồng lúa hiện nay chỉ đủ ăn, may thì để ra được chút ít mà vất vả hơn đi làm trên phố nhiều", ông Nguyễn Văn Hinh chia sẻ.
Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, giá phân bón tăng cao là do giá dầu tăng nóng suốt thời gian qua. Đây là nguyên liệu đầu vào chính, cơ bản để sản xuất các loại phân bón vô cơ như phân đạm, ure... Cùng với đó, nhiều nguyên liệu, hóa chất khác để sản xuất phân bón, chi phí logistics, nhân công... đều tăng. Đặc biệt, với mặt hàng kali, Việt Nam đang nhập khẩu phần lớn từ Nga - Ukraine, nơi diễn ra xung đột dẫn đến gián đoạn nguồn cung, đẩy giá tăng cao.
Giá phân bón tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng triệu hộ nông dân, bởi chi phí tăng nhưng giá bán thành phẩm nông nghiệp lại không thể tăng tương ứng.
Trên thị trường thế giới, giá dầu vẫn đang ở mức quanh 110 USD/thùng và chưa có dấu hiệu giảm. Điều này khiến  giá phân bón sẽ không thể giảm về như trước đây, nếu có giảm chỉ giảm nhẹ và sẽ hình thành mặt bằng giá mới.
Theo ông Phùng Hà, chi phí phân bón dự báo còn tiếp tục tăng, do đó, Việt Nam cần sớm có chính sách điều tiết, kìm giá phân bón để hỗ trợ nông dân. Trong bối cảnh này, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả cũng bùng nổ, vì thế cần hơn nữa sự vào cuộc của cơ quan chức năng để xử lý, chấn chỉnh tình trạng này.
Nhiều người dân tại thôn Rùa Hạ, Thanh Oai (Hà Nội) cho hay, bao bì và nhãn mác bày bán trên thị trường, các đại lý thì rất khó phân biệt vì đều có in logo thương hiệu, hàm lượng, nhưng về chất lượng thực tế thì người dân không thể biết được. Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, nhìn nhận hiệu quả sử dụng mới có thể biết hàng giả - hàng thật. Trồng lúa đã vậy, với những hộ trồng cây ăn trái, thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được.
Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hiệp hội tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện phân bón giả. Người dân nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Đặc biệt, không sử dụng hàng hóa trôi nổi để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng cần tiếp tục đưa ra những giải pháp thiết thực hơn để "triệt phần gốc, thay vì triệt phần ngọn" như hiện nay; có thể hướng dẫn nông dân tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất, sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật cũng như tích cực chỉ đạo sản xuất các vụ lúa, màu hợp lý, tăng độ màu mỡ cho đất, nâng cao giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các nhà máy sản xuất trong nước tăng sản lượng phân bón hữu cơ để giảm áp lực phụ thuộc vào phân bón vô cơ do giá cả tăng mạnh và không có dấu hiệu sẽ giảm giá trong tương lai. Đến nay, sản lượng phân bón hữu cơ cũng đã đạt khoảng 3 triệu tấn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Ngoài ra, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu dần phân bón vô cơ cũng là một trong những giải pháp để chuyển đổi sản xuất xanh, sạch, bền vững; tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp; giảm giá thành sản xuất nông nghiệp của người dân; đồng thời tránh được những tác hại do phân bón giả đem lại.
Để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nông dân cần đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất phân bón hữu cơ từ các nguồn phụ phẩm sẵn có; ứng dụng công nghệ để giảm lượng phân bón sử dụng mỗi vụ. Điều này giúp giảm chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiến tới sản xuất xanh và sạch hơn...
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ phân bón giả, kém chất lượng. Hằng năm, cục kiểm tra hàng nghìn hộ kinh doanh, mẫu phân bón thì có hàng trăm vi phạm.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc xử lý nặng các cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, truy tố những vi phạm, thì các cơ quan chức năng ngành công thương, nông nghiệp cần có sự phối hợp mạnh hơn, lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên thanh - kiểm tra tại các cơ sở lớn - nhỏ, đặc biệt ở các vùng sâu, xa để hạn chế thấp nhất tình trạng làm giả, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục