Xử lý nợ xấu vẫn vướng ở tài sản đảm bảo

14:24' - 18/08/2018
BNEWS Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời đã tròn 1 năm với nhiều điểm mới hỗ trợ hệ thống ngân hàng giải quyết nợ xấu.

Đặc biệt, việc Nghị quyết này cho phép các ngân hàng được thực hiện quyền thu giữ tài sản là một bước tiến giúp quá trình xử lý nợ xấu được thuận lợi hơn. Nhưng trên thực tế, việc triển khai Nghị quyết 42 của các ngân hàng vẫn còn nhiều vướng mắc.

Xử lý nợ xấu vẫn cần thêm quyền năng. Ảnh minh họa: Quang Phúc

Góp phần xử lý nhanh nợ xấu

Sau 1 năm triển khai, Nghị quyết 42 đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới về xử lý nợ xấu, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu, góp phần xử lý nhanh nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) khẳng định, Nghị quyết 42 có hiệu lực đã tạo động lực quan trọng cho VAMC và các tổ chức tín dụng chủ động trong xử lý nợ xấu, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay trả, thể hiện tư duy của nhà lập pháp thay đổi khi cho rằng, nợ xấu là của nền kinh tế chứ không của riêng ngành ngân hàng.

Từ nhận thức đó, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương các cấp đã vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ ngành ngân hàng xử lý nợ xấu. Với sự vào cuộc quyết liệt cùng các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đã giảm xuống còn 2,18%. Trong đó, nợ xấu xử lý qua VAMC đến 30/6/2018 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý.

VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được gần 100.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết số 42, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng (gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó). 

Sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, Công ty VAMC cũng đã ký thỏa thuận hợp tác và phối hợp chặt chẽ với một số tổ chức tín dụng có dư nợ xấu lớn, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là các biện pháp mạnh như thu giữ tài sản bảo đảm.

Đến 30/6/2018, Công ty VAMC đã thu giữ 6 tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ. Quá trình thu giữ của Công ty VAMC đều tuân thủ theo đúng trình tự quy định của pháp luật và nhận được sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương.

Song song với đó, Công ty VAMC đã hỗ trợ, phối hợp tích cực với các tổ chức tín dụng trong xử lý, thu hồi nợ và luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, khẳng định vai trò của Công ty VAMC là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng.

Vẫn vướng ở xử lý tài sản đảm bảo

Tinh thần Nghị quyết 42 là khá rõ ràng trong việc ưu tiên xử lý nợ xấu mà đặc biệt là tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, theo các tổ chức tín dụng khi Nghị quyết đi vào cuộc sống lại bị "vướng" nhất ở vấn đề thuế.

Ông Trần Văn Dự, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) nhận định, dù Bộ Tài chính có văn bản 4606/BTC-TCT ngày 20/4/2018 về quán triệt thực hiện Nghị quyết 42 nhưng nội dung văn bản lại chưa hướng dẫn chi tiết về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Chính vì vậy, vẫn còn đó khó khăn khi bán tài sản đảm bảo là vấn đề thuế.

Phó Tổng giám đốc Agribank phân tích, bán tài sản đảm bảo xong rồi nhưng người mua không lấy được tài sản đó về vì thuế chưa đóng. Do đó, cần phải có hướng dẫn pháp lý rõ ràng hơn về nộp thuế khi bán đấu giá tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, ông Trần Văn Dự cũng cho rằng, mặc dù Nghị quyết 42 đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ.

Ông Dự dẫn chứng, nhiều trường hợp gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn nhưng không may việc kinh doanh bị thua lỗ. Khi đó, theo pháp luật căn nhà bị ngân hàng siết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý.

Lãnh đạo Vietcombank cũng nhìn nhận, các cơ quan chức năng tại một số địa phương còn tâm lý e dè, chưa thực sự muốn phối hợp, tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ tài sản đảm bảo của bên nhận tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, khi khách hàng cố tình chống đối thì các tổ chức tín dụng vẫn phải khởi kiện để được quyền xử lý tài sản đảm bảo thông qua thi hành án.

Như vậy, các tổ chức tín dụng chỉ thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo thành công đối với một số trường hợp nhất định như: khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà tài sản đảm bảo không có tranh chấp; tài sản đảm bảo là đất trống …Điều này vô hình chung cũng hạn chế việc xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. Lãnh đạo Vietcombank chia sẻ.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, khi Nghị quyết 42 được ban hành thì về cơ bản nhiều khó khăn vướng mắc đã được giải quyết, còn các khó khăn hiện nay là trong quá trình triển khai gặp phải. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước hoặc vượt thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước sẽ có kiến nghị với Chính phủ.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định, cơ sở pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nói chung và của Công ty VAMC nói riêng đến nay cơ bản đã đầy đủ, đồng bộ. Trên cơ sở khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm đã được Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành và nhu cầu bán nợ xấu cho VAMC của các tổ chức tín dụng, Công ty VAMC cần tiếp tục khẳng định là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

"Trong thời gian tới VAMC cần tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư để hợp tác, môi giới, mua, bán nợ và tài sản bảo đảm; phấn đấu trở thành đầu mối, đóng vai trò quan trọng trên thị trường mua bán nợ, tài sản bảo đảm của Việt Nam", Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nói./.

>>>VAMC hoàn thành sứ mệnh đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục