Xử phạt nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm tại Hà Nội

10:01' - 28/09/2017
BNEWS Sau hơn 1 năm thí điểm hoạt động, lực lượng Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở Hà Nội đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm bánh trung thu. Ảnh: TTXVN

Sau hơn 1 năm thí điểm hoạt động, lực lượng Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở Hà Nội đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, huy động nguồn lực cho công tác quản lý; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Việc xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng so với trước. Tại tuyến quận, huyện, xã, phường, số cơ sở vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính là 47,2%, tăng 26,1% so với trước thí điểm; tổng số tiền phạt thu được cao gấp 2,4 lần. Số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, 15 đoàn thanh tra chuyên ngành của các quận, huyện và xã, phường đã tiến hành thanh tra tại 781 cơ sở, phát hiện 355 cơ sở vi phạm, trong đó 203 cơ sở bị phạt tiền với số tiền 579 triệu đồng; 95 cơ sở bị phạt cảnh cáo, đình chỉ hoạt động 15 cơ sở.

Các lỗi chủ yếu là không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; không có giấy khám sức khỏe định kỳ; nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm không rõ ràng; không đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, thực hành vệ sinh cá nhân…

Cùng với lực lượng Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập 8 đoàn Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, tiến hành thanh tra tại 119 cơ sở, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 30 cơ sở với số tiền phạt gần 155 triệu đồng.

Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hoạt động của Thanh tra chuyên ngành còn gặp một số khó khăn, bất cập như: Không có cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm, đặc biệt là cấp xã, phường; thiếu cán bộ có chuyên môn về an toàn thực phẩm, nghiệp vụ thanh tra mới được tiếp cận, còn tình trạng tâm lý sợ sai, ngại va chạm khi thi hành nhiệm vụ của cán bộ cấp quận, cấp phường đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.

Các sơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, cơ động, thời vụ, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... gây khó khăn cho việc triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm hành chính.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này, Bộ Y tế đã ban hành 4 quy trình thanh tra an toàn thực phẩm. Cấp xã, phường, thị trấn phân công 1 công chức cơ sở đảm nhiệm công tác an toàn thực phẩm, đồng thời tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện vùng thực phẩm an toàn và sản xuất thực phẩm theo mùa, tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ ở xã, phường, thị trấn không để tồn tại chợ tạm, chợ cóc. Thành phố kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và thông tin trên các phương tiện đại chúng cho người dân được biết.

Với hiệu quả tích cực của lực lượng Thanh tra chuyên ngành, Hà Nội tiếp tục triển khai thí điểm tại 5 quận, huyện Ba Đình, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thường Tín và 10 xã, phường, thị trấn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội mở rộng mô hình này.

>>> Xây dựng hệ thống chợ đầu mối nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục