Xu thế của các doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19

08:50' - 02/10/2020
BNEWS Việc ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành giúp doanh nghiệp tiết kiệm, giảm chi phí; đặc biệt đã từng bước hoàn thiện quản lý văn bản điện tử.

Ứng dụng công nghệ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và triển khai chuyển đổi số được xem là giải pháp giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hoạt động hiệu quả hơn trong chăm sóc khách hàng. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng nhanh công nghệ vào sản xuất sẽ có lợi thế vươn lên, đặc biệt sau tác động của dịch bệnh COVID-19 như thời gian qua. 

*Tiết giảm chi phí

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) hiện là một trong những đơn vị tiên phong của ngành điện xây dựng và triển khai các ứng dụng, phần mềm công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo của EVNNPC, đơn vị đã triển khai 5 phân hệ mới của phần mềm hoạch định doanh nghiệp gồm quản lý khoản vay, tiền lương, phân tích tài chính, đầu tư tài chính, hợp nhất báo cáo tài chính toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đúng tiến độ cũng như thời gian quy định.

Tổng Giám đốc EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh cho hay, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ sống còn của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc trước những thay đổi không ngừng của cách mạng khoa học công nghệ đối với các doanh nghiệp lớn. Để đảm bảo tiến độ và rút ngắn quá trình thực hiện, các ban chuyên môn, đơn vị tư vấn, các đơn vị được phân công nhiệm vụ cùng phối hợp để đảm bảo các nội dung sẽ thực hiện đúng thời gian và hiệu quả nhất.

Từ nay đến cuối năm 2020, Tổng công ty tiếp tục triển khai 5 phân hệ còn lại của dự án Hệ thống thông tin và Quản lý tài chính - vật tư cho toàn bộ các đơn vị thành viên.

Về phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng là một trong những phần mềm dùng chung trong toàn EVN và được EVN chỉ đạo sát sao việc cập nhật dữ liệu và khai thác dữ liệu phục vụ quản lý dự án. Trong các năm 2018 và 2019, EVNNPC luôn được EVN đánh giá là đơn vị triển khai tốt phần mềm này.

Hiện nay, EVNNPC đã và đang thực thực hiện tốt quản trị phần mềm, sao lưu dữ liệu, vận hành ổn định, an toàn, quản lý người dùng và bảo mật.

Phần mềm Công cụ thẻ điểm cân bằng và Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động là công cụ đắc lực giúp Ban lãnh đạo EVNNPC điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách trực quan với số liệu được cập nhật tự động, sẵn sàng đưa ra các cảnh báo, kịp thời đưa ra các quyết định điều hành. Hiện tại phần mềm đã được triển khai đến đơn vị cấp 3 của Tổng công ty, đã tích hợp bộ chỉ tiêu chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ tháng và quý trên phần mềm KPI để theo dõi, đánh giá hoạt động các công ty điện lực...

Đại diện lãnh đạo EVNNPC cho biết, việc ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành của Tổng công ty đã tiết kiệm, giảm chi phí; đặc biệt đã từng bước hoàn thiện quản lý văn bản điện tử, lập hồ sơ công việc và tài liệu lưu trữ, tối ưu hoá chi phí, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản trị trong toàn Tổng công ty. 

Một đơn vị khác trong ngành điện là Tổng công ty Phát điện 2 (GENCO2) thời gian qua cũng đã thực hiện nhiều Đề án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, tại Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác Mơ (thuộc GENCO2) đang từng bước được đưa vào nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ AI và xây dựng phần mềm dự báo lưu lượng về hồ thủy điện; nâng cấp hệ thống điều khiển đập tràn - cửa nhận nước; hệ thống giám sát phóng điện cục bộ online tổ máy H1; lưu trữ email và dữ liệu lớn...

Trong đó, đề tài ứng dụng dịch vụ “Lưu trữ Email và Dữ liệu lớn” của Google là một trong những đề tài được đưa vào triển khai đầu tiên tại đơn vị này, mang đến cho công ty sở hữu một hệ thống email chuyên nghiệp và một hệ sinh thái của Google với đầy đủ công cụ, tiện ích.

Việc ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là con đường ngắn nhất để các công ty bứt phá, nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vận hành thiết bị - công trình và các dịch vụ khách hàng,… Đây là “chìa khóa” để các doanh nghiệp nhanh chóng đáp ứng những thay đổi về công nghệ, tối ưu chi phí sản xuất...

*Nhanh chóng chuyển đổi số

Với những thay đổi trong công nghệ, năm 2020, EVNNPC đã đạt giải doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc với 2 giải pháp: Phần mềm quản lý an toàn lao động và Phần mềm quản lý BSC/KPI.

Không dừng ở đó, hiện nay EVNNPC cũng đã chủ trương đầu tư hệ thống GIS lưới điện hạ thế nhằm mục đích số hóa toàn bộ các phần tử trên lưới điện. Trong tương lai gần, dự án này khi đưa vào vận hành sẽ hoàn tất công tác số hóa toàn bộ dữ liệu đầu vào của Tổng công ty.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, Tập đoàn là một trong những doanh nghiệp lớn đi tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số. Kể từ cuối năm 2018, Tập đoàn đã ra Quyết định số 290/QĐ-EVN phê duyệt Đề án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.

Theo đó, tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng đều được số hóa nhằm mục đích đưa EVN thành tập đoàn hàng đầu trong khu vực.

Sau những nỗ lực chuyển đổi, EVN là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã sử dụng thành công hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đồng thời là đơn vị duy nhất tính tới nay không phải là cơ quan cung cấp dịch vụ công, nhưng đã hoàn thành dịch vụ trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4 - cấp độ cao nhất. Đặc biệt, EVN còn là một trong những đơn vị đầu tiên được Chính phủ cho phép được góp mặt trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ngay từ giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, ông Võ Quang Lâm cho rằng, thực chất việc chuyển đổi số rất phức tạp và cơ bản là không có đường đi chung cho các doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp, tổ chức phải tự tìm con đường riêng. Việc tồn tại nhiều khái niệm khác nhau về doanh nghiệp chuyển đổi số cũng khiến cho doanh nghiệp lúng túng. 

“Mấu chốt để chuyển đổi số thành công đòi hỏi doanh nghiệp phải có quyết tâm, sự tập trung cao độ, bền bỉ trong khoảng thời gian dài cũng như có sự đầu tư nguồn lực cần thiết. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số không thể thiếu được vai trò hỗ trợ từ chính sách”, ông Lâm cho biết thêm.

Trong giai đoạn 2016-2020 vừa qua, EVN đã có các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ ảnh hưởng lớn tới việc lựa chọn công nghệ trong đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Một số nghiên cứu khoa học tiêu biểu đã được áp dụng rộng rãi mang lại hiệu quả kinh tế lớn tại nhiều đơn vị như: Nghiên cứu thiết kế cửa nhận nước ở Nhà máy thủy điện Sơn La; vệ sinh cách điện lưới phân phối (22-35-10 kV) đang mang điện bằng nước áp lực cao; áp dụng công nghệ chẩn đoán trạng thái thiết bị kiểm tra phóng điện cục bộ máy biến áp 220-500 kV; giám sát dầu online tại trạm biến áp 500 kV; sửa chữa lưới điện không cần cắt điện... Những nghiên cứu này đã tiết kiệm cho Tập đoàn hàng trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho hay, chuyển đổi mô hình số nên bắt đầu sớm và triển khai ngay được nếu doanh nghiệp có quyết tâm. Thời gian qua, nhiều siêu thị, hãng xe công nghệ, doanh nghiệp bất động sản... cũng đã cung cấp nhiều ứng dụng bán hàng mới, nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất...

Cũng theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, để có thể chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải có cả phần cứng, phần mềm, có những giao dịch với nền tảng công nghệ số. Ban đầu có thể đầu tư chi phí nhất định, song chi phí này không phải quá đắt, trong khi hiệu quả mang lại là rất lớn. Làm sao để mỗi người lao động tương tác với nhau, kết nối với đối tác? Công nghệ và chuyển đổi số sẽ là xu thế hoạt động của các doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục