Xuất khẩu của Nhật Bản tăng tháng thứ tư liên tiếp

19:59' - 19/02/2025
BNEWS Theo dữ liệu, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 1/2025 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo trung bình của thị trường là tăng 7,9%.

Theo dữ liệu công bố ngày 19/2, xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng trong tháng thứ tư liên tiếp, cho thấy nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ và mối lo ngại ngày càng tăng về chính sách thuế quan của Mỹ đã hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế của nước này.

 

Báo cáo thương mại theo sau dữ liệu GDP đầu tuần này cho thấy nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý IV/2024. Điều này củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục tăng lãi suất.

Trong khi đó, Nhật Bản đang chuẩn bị cho hậu quả tiềm tàng từ các mối đe dọa áp thuế của Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump cân nhắc áp thuế khoảng 25% đối với ô tô nhập khẩu và áp thuế đối ứng đối với các quốc gia đánh thuế hàng nhập khẩu của Mỹ.

Theo dữ liệu, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 1/2025 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo trung bình của thị trường là tăng 7,9%.

Dữ liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 1/2025 giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng 8,1%. Kim ngạch nhập khẩu tăng 16,7% trong tháng 1/2025 so với cùng kỳ năm trước, so với dự báo của thị trường là tăng 9,7%.

Do đó, Nhật Bản đã thâm hụt thương mại 2,759 nghìn tỷ yen (18,16 tỷ USD) so với dự báo thâm hụt là 2,1 nghìn tỷ yen.

Chính sách thuế quan của ông Donald Trump có thể tác động rất lớn đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản, vì Mỹ là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản, chiếm 1/5 tổng số hàng xuất khẩu trị giá 700 tỷ USD.

Về thuế quan "có đi có lại", mức thuế quan áp dụng trung bình của Nhật Bản nằm trong mức thấp nhất thế giới, nhưng các rào cản phi thuế quan, chẳng hạn như các quy định về an toàn ô tô, có thể bị giám sát chặt chẽ hơn.

Ô tô là sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, chiếm 28% kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Ông Trump đã gây sức ép với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại hội nghị thượng đỉnh ở Nhà Trắng đầu tiên của họ trong tháng này để chấm dứt thặng dư thương mại hàng năm 68,5 tỷ USD của Nhật Bản.

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, Nhật Bản có vị thế đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Mỹ vào năm 2023 với giá trị 783,3 tỷ USD, tiếp theo là Canada và Đức.

Xuất khẩu tiếp tục là động lực chính thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản, trong khi một số nhà phân tích cảnh báo rằng lạm phát dai dẳng đối với thực phẩm và các sản phẩm hàng ngày có thể làm giảm tiêu dùng tư nhân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục