Xuất khẩu gặp khó, Thái Lan đẩy mạnh tiêu thụ trái cây trong nước

16:34' - 10/04/2020
BNEWS Thái Lan tập trung đẩy mạnh tiêu thụ trái cây tại thị trường nội địa nhằm bù đắp hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bộ Thương mại Thái Lan đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan để điều chỉnh kế hoạch quản lý hoạt động sản xuất, phân phối, kinh doanh trái cây của Thái Lan với sự tập trung vào thị trường nội địa nhằm bù đắp hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Sansern Samalapa, kế hoạch nói trên sẽ bao gồm quản lý sản xuất, các kênh phân phối, kết nối kinh doanh giữa những nhà buôn, nhà nhập khẩu và công ty Thái Lan, hỗ trợ tài chính, và các tiêu chuẩn an toàn.

Truyền thông sở tại dẫn lời ông Sansern ngày 9/4 kêu gọi các cơ quan chính phủ và các công ty, trong đó có Bộ Giao thông, Grab Thái Lan và Bưu điện Thái Lan, hợp tác trong việc quản lý trái cây khi mùa thu hoạch tới.

Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ nới lỏng các quy định hạn chế di chuyển đối với người lao động ở mức độ nhất định, nhất là đối với lao động làm việc tại nông trại và người thu hoạch trái cây, đồng thời sẽ áp dụng Luật giá hàng hóa và dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh thương mại công bằng và thúc đẩy hợp đồng trồng trọt cũng như liên kết giữa nông dân, các công ty chế biến, các thương lái và siêu thị.

Đối với kênh phân phối, Bưu điện Thái Lan sẽ được giao nhiệm vụ xử lý việc giao nhận trái cây với phí vận chuyển được nhà nước trợ giá, trong khi các nhà sản xuất sẽ được nâng cấp và đào tạo để bán hàng nhiều hơn thông qua các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Thương mại Thái Lan đang lên kế hoạch kết nối kinh doanh giữa người mua, các công ty nhập khẩu và các công ty của Thái Lan, tổ chức các sự kiện kết nối kinh doanh trực tuyến, đồng thời mở các đoàn lữ hành trái cây, giới thiệu sản phẩm sang các nước láng giềng và nước ngoài.

Ông Sansern cho biết thêm rằng Chính phủ Thái Lan sẽ đề nghị trợ cấp 3% lãi vay trong 10 tháng đối với những công ty thu mua trái cây địa phương và 3% đối với các công ty thu mua trái cây để xuất khẩu. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng muốn tài trợ 3 baht (tương đương 0,031 USD)/kg trái cây đối với chi phí trong việc thu mua trái cây để xuất khẩu.

Về những tiêu chuẩn an toàn, Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu đạt thỏa thuận công nhận lẫn nhau đối với an toàn thực phẩm dành cho trái cây, đặc biệt là giữa Thái Lan và Trung Quốc. Trước khi bùng phát dịch COVID-19, Thái Lan là nước xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc lớn thứ ba, sau Việt Nam và Malaysia.

Trong vài năm trở lại đây, xuất khẩu trái cây đã trở thành “ngôi sao” mang lại thu nhập cho Thái Lan nhờ nhu cầu của Trung Quốc. Số liệu được công bố trên truyền thông cho thấy xuất khẩu trái cây tươi của quốc gia Đông Nam Á này sang Trung Quốc đã tăng gần 50% trong năm 2018, đạt 700.000 tấn, và tăng thêm 123% trong nửa đầu năm 2019.

Khu vực này đang phát triển tốt đến mức trong một vài tháng, giá trị xuất khẩu trái cây của Thái Lan thậm chí còn vượt giá trị xuất khẩu ô tô. Trong giai đoạn từ tháng 1-10/2019, giá trị trái cây xuất khẩu của nước này đạt 3,2 tỷ USD, đưa Thái Lan trở thành nước xuất khẩu trái cây lớn thứ 6 thế giới, sau Tây Ban Nha, Hà Lan, Mexico (Mê-hi-cô), Mỹ và Chile (Chi-lê).

Tính đến ngày 10/4, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 2.473 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên 68/76 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có 33 trường hợp tử vong. Thủ đô Bangkok là địa phương có số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất với 1.262 ca./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục