Xung lực nào để hiện thực hóa giấc mơ thành phố hai bên bờ sông Hồng?

17:08' - 23/09/2021
BNEWS “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” là chủ đề của diễn đàn bất động sản trực tuyến diễn ra ngày 23/9 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của VCCI.

Sau khi Hà Nội mở rộng vào năm 2008, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa lớn của Thủ đô.

Các chuyên gia nhận định, những xung lực tích cực cho phát triển kinh tế của Hà Nội không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên và vị thế Thủ đô mà còn đến từ việc xây dựng, triển khai quy hoạch cũng như quy hoạch chất lượng cao tương tự liên quan toàn bộ sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, chung quanh Hồ Tây hoặc vùng không gian tương tự.

Việc triển khai quy hoạch chính là một trong những chìa khóa mở cửa khai thông, phối hợp hiệu quả các xung lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế Thủ đô trong hiện tại và tương lai…

Nhiều thành phố trên thế giới đã chọn gắn liền sự phát triển với một dòng sông, dù lớn hay nhỏ để tạo nên một “thương hiệu kép” giữa sông và thành phố. Khi đó, dòng sông trở thành “xương sống” để phát triển các không gian đô thị cũng như chi phối mạnh mẽ hình thái đô thị.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, bất động sản luôn có một sức hấp dẫn riêng. Mặc dù gặp khó khăn do dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí niêm yết ghi nhận lợi nhuận đáng kể.

Các doanh nghiệp bất động sản vẫn chủ động đón dòng vốn chảy vào thị trường khi dịch được kiểm soát; đồng thời, sẵn sàn phương án thay đổi linh hoạt để ứng phó.

“Trong bối cảnh đó, vùng thủ đô Hà Nội, với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng bậc nhất, là trung tâm của cả nước có thể nói là “đầu tàu” của thị trường bất động sản cả nước. “Đầu tàu” ấy, sắp tới hứa hẹn sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa khi rất nhiều doanh nghiệp nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước đang rất kỳ vọng vào Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt và ban hành”, ông Phòng nhấn mạnh.

Thành phố Hà Nội hiện đang quyết tâm đẩy nhanh việc lập, phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, bởi đây sẽ là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy thu hút đầu tư.

Từ đó, tiến tới hình thành chuỗi đô thị hiện đại, bền vững để Hà Nội sớm có tên trong danh sách những thành phố ven sông đáng sống nhất khu vực và thế giới.

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận xét, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng khi được phê duyệt sẽ là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có của cả vùng này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô.

Trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, có một điều quan trọng là Sông Hồng sẽ trở thành một trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô trong bố cục quy hoạch thành phố Hà Nội.

Thời gian qua đã có rất nhiều đề xuất liên quan đến quy hoạch sông Hồng nhưng các quy hoạch này không thành công chủ yếu do chưa giải được bài toán về hành lang thoát lũ. Bên cạnh đó là chỉnh trị dòng chảy cũng như dự báo về kịch bản biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, quy hoạch lần này đưa sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô. Giải phóng mặt bằng, thực hiện làm 2 tuyến đường mỗi tuyến 6 làn xe dọc hai bờ sông Hồng, cùng đó là các hạng mục công viên, cây xanh, khu vui chơi giải trí, phát triển du lịch.

Cùng đó, bài toán về dòng chảy cũng được giải quyết khi tháng 2/2016 Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và bảo vệ đê điều của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quy hoạch lần này. Đặc biệt, quy hoạch lần này sẽ không có các công trình nhà cao tầng, mà đây là trục cảnh quan, cây xanh, mặt nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Tuy nhiên, vẫn cần có cơ chế đặc thù đặc biệt để thực hiện quy hoạch vì đó là bộ mặt của cả nước và được phê duyệt càng sớm càng tốt để đón nhận đầu tư. Chắc chắn, sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút rất mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước – ông Chính kỳ vọng.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cũng cho biết, kể từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành liên quan đến hoạt động xây dựng, nhà ở, đầu tư...

Hiện nay, các pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, đất đai đang được Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm và yêu cầu các bộ, ngành rà soát, phát hiện vướng mắc, khó khăn để gấp rút sửa đổi trong giao đoạn tới. Như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản thời gian tới, nhất là trong việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các dự án.

Về phía Hà Nội, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội chia sẻ, trong quá trình đô thị hóa, khu vực 2 dọc sông Hồng tình trạng xây dựng trái phép diễn ra phổ biến. Việc không có quy hoạch, phát triển tự phát, lộn xộn, ô nhiễm môi trường, rác thải... đã khiến tất cả “quay lưng” lại phía sông Hồng.

Mặc dù đã có nhiều đề tài nghiên cứu triển khai cải tạo dân cư dọc sông Hồng hay nắn dòng chảy... nhưng mới mang tính chất nhỏ lẻ, cục bộ, giải quyết một số vấn đề giao thông, dân cư chứ chưa toàn diện.

Do đó, Quy hoạch phân khu đô sông Hồng được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý phục vụ quản lý và xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch.

Đây cũng là cơ hội để hình thành nên diện mạo mới cho Thủ đô – sông Hồng sẽ là không gian cảnh quan chủ đạo của Hà Nội, là điểm đến hấp dẫn cho mọi người dân trong nước và du khách quốc tế.

Quy hoạch sông Hồng rất quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội. Từ trước đến nay, Hà Nội đã triển khai rất nhiều các quy hoạch phân khu nhưng đến nay việc xây dựng hai bên sông Hồng vẫn bỏ ngỏ vì thiếu cơ sở pháp lý.

Với diện tích vùng này, Hà Nội đã có đầy đủ điều kiện để xây dựng một thành phố đa chức năng trong nhiều thập niên tới; thậm chí, Hà Nội không cần phải chất tải, xây quá nhiều nhà cao tầng dọc sông Hồng nữa mà ưu tiên phát triển không gian chung, công trình văn hóa, công viên, tạo tuyến du lịch trên sông, phát triển làng nghề truyền thống để khai thác du lịch và đặc biệt là gánh bớt sự quá tải cho khu vực nội đô – bà Hương cho hay.

Dưới một góc nhìn khác, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu vấn đề, để hiện thực hóa “giấc mơ sông Hồng” cần cập nhật cơ sở nền tảng pháp lý mới ban hành mà mới đây nhất là ý kiến của cơ quan chuyên ngành là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiến hành lập quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu.

Việc quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đặc biệt lợi thế khi mở ra trục kết nối phía đông với những tiềm năng cần khai thác để hướng tới cực tăng trưởng phía Bắc và phía Đông.

Ở giai đoạn Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính, việc quy hoạch sông Hồng đã được tính đến nhưng khi đó do diện tích Thủ đô còn hạn chế nên phải tính toán theo phương thức “lấy đô thị nuôi đô thị” vì phải sử dụng nguồn lực đất đai để thực hiện.

Nhưng hiện nay, diện tích đất sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính đã được tăng thêm nhiều, không bị bó hẹp, không gian thoát lũ cũng được giải quyết.., cho thấy sự linh hoạt và mềm dẻo trong quy hoạch lần này – ông Chiến nhận xét.

Thậm chí, nếu làm xong 2 tuyến đường chính 6 làn xe như trong đề xuất quy hoạch thì lại thiết lập ra một chỉ giới đỏ, chống lấn chiếm lòng sông, dẹp bỏ hoàn toàn việc đổ thải ra sông... Việc hình thành thành phố 2 bên sông với bộ mặt kiến trúc cảnh quan lý tưởng, khai thác tổ chức tốt sẽ được người dân đón nhận, giúp hiện thực hóa “giấc mơ sông Hồng” của Thủ đô ngày càng gần.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề lớn nhất là nguồn lực thì vẫn cần phải tính toán vì nó quyết định tính khả thi.  Muốn thu hút nhà đầu tư tham gia thì phải chỉ ra được vị trí quỹ đất, đảm bảo cho nhà đầu tư có thể sinh lời và thu hồi vốn, tránh phải sử dụng nguồn tiền từ ngân sách nhà nước.

Dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng được xem là mốc lịch sử quan trọng để Thủ đô hiện thực hóa giấc mơ thành phố hai bên bờ sông Hồng.

Vấn đề đặt ra là làm sao từ quy hoạch phân khu trên bản vẽ đến thực địa là những công trình chất lượng, thuận thiên, hiện đại; đô thị xanh đáng sống mà vẫn giữ được đặc trưng của văn hóa sông Hồng… Đây cũng là bước tiến quan trọng, tạo điểm đột phá nhằm cải thiện, nâng tầm cảnh quan không gian và phát triển đô thị mới, văn minh, hiện đại hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục