Ý nghĩa chuyến thăm Nga của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

06:30' - 09/07/2018
BNEWS Tại Moskva, ông Moon có bài phát biểu trước Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga, hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin và ký các thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) hội đàm với người đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in tại Moskva. Ảnh: YONHAP/ TTXVN
Mạng tin World Polictics Review (WPR) mới đây đăng bài bình luận cho hay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa kết thúc chuyến thăm chính thức ba ngày ở Nga và là nhà lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên thăm cấp nhà nước tới Nga kể từ năm 1999. 
Tại Moskva, ông Moon có bài phát biểu trước Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga, hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin và ký các thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế.
Ông Putin tiếp đón người đồng cấp người Hàn Quốc với mục đích dường như rất rõ ràng. Tổng thống Nga muốn trung hòa thế thù địch từ phương Tây bằng việc rẽ sang một hướng khác, chủ yếu là tới Trung Quốc
Nhưng để tránh bị lép vế trước một Trung Quốc đang có sức nặng ngày một lớn, ông Putin buộc phải củng cố liên hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Ấn Độ ở hướng Nam. 
Ông Putin cũng nỗ lực và quyết liệt định hình tương lai của bán đảo Triều Tiên theo hướng có lợi cho Nga tại thời điểm cả thế giới đang hướng sự chú ý vào việc Bình Nhưỡng mở rộng cánh cửa ngoại giao với cả Seoul và Washington. Không để bị bỏ lại phía sau, Tổng thống Nga gần đây cũng mời nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm Moskva.
Trong khi đó, động cơ của ông Moon cần phải được thăm dò kĩ hơn. Qua chuyến thăm, ông Moon cho thấy cá nhân ông sẵn lòng “bình thường hóa” với Putin hơn các nhà lãnh đạo dân chủ khác. 
Khác với các đồng cấp phương Tây, ông Moon Jae-in không xem Nga là mối đe dọa đối với dân chủ, không gây quan ngại về nhân quyền, thay vào đó là một đối tác quan trọng trong nỗ lực nhằm chuyển dịch các kết nối chiến lược và kinh tế cho Hàn Quốc. 
Ông Moon nhậm chức Tổng thống vào tháng 5/2017. Với cá nhân ông và những cộng sự cánh hữu bên cạnh, có ba vấn đề khẩn thiết trước mắt mà chính quyền Seoul cần giải quyết.
Một là, Hàn Quốc quá mềm yếu trước đồng minh chính thức là Mỹ. Đây không chỉ là vấn đề liên quan đến tự hào dân tộc, mà là thực tế hiển hiện ngày một rõ, ngay cả trước khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. 
Trong suy nghĩ của nhiều người Hàn Quốc, Washington đang tìm cách lôi kéo Seoul vào cuộc chiến cạnh tranh bá chủ trước Trung Quốc. Thái độ thù địch của Mỹ với Triều Tiên, vốn tăng nhiệt trong suốt năm đầu cầm quyền của ông Trump, đã tạo ra rào cản đối với tiến trình kết nối liên Triều, thậm chí đe dọa gây ra một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Kế đến, kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, nhất là với rạn nứt trong mối quan hệ Trung-Hàn. Thực tế này bộc lộ rõ khi Trung Quốc trả đũa vụ Seoul cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hồi năm ngoái, với việc Bắc Kinh giảm lượng khách du lịch tới Hàn Quốc, thực thi chiến dịch uy hiếp Lotte - tập đoàn đứng ra cho Mỹ thuê địa điểm đặt hệ thống phòng thủ tên lửa.
Mối quan ngại thứ ba, có liên hệ trực tiếp với hai vấn đề trên, chính là quan hệ liên Triều quá thù địch. Chính quyền Moon Jae-in tìm cách xử lý các lo ngại này bằng việc tạo dựng cân bằng mới giữa các cường quốc liên quan. Moon Chung-in, Cố vấn đặc biệt của tổng thống, đặc tả bước đi này bằng lý thuyết cổ xưa về tìm kiếm “chuẩn mực vàng”, với việc Tổng thống Moon Jae-in nỗ lực “tạo điểm cân bằng giữa các nhân tố đối lập”. 
Về an ninh, cách tiếp cận này hướng đến xu thế trung tính hơn giữa Mỹ và các đối thủ, nhất là Triều Tiên, ngay cả khi liên minh với Mỹ vẫn là “trục cơ bản” đối với Hàn Quốc. Về địa kinh tế, “chuẩn mực vàng” là việc mở rộng các đường hướng kế tiếp tới Trung Quốc, bao gồm cả Triều Tiên, để thúc đẩy lợi ích xuất khẩu và đầu tư của Hàn Quốc.
Nga đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối các nguy cơ đáng kể về khía cạnh an ninh trong chính sách này – điều phù hợp với Trung Quốc nhưng lại gây ức chế với Washington. Seoul dường như toan tính rằng mình có thể đưa một cường quốc khu vực lớn mạnh khác là Nga để tạo đối trọng trước các nhân tố khác, nhằm tối đa hóa lợi ích của Hàn Quốc. 
Chiến lược này, được biết đến với tên gọi “cách đều” hay “ngoại giao cân bằng”, từ lâu luôn được các tiền nhân thông tuệ ở bán đảo áp dụng. Không phải ngẫu nhiên mà Triều Tiên vận dụng cách tiếp cận này để điều phối quan hệ với Trung Quốc và Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Nỗ lực của ông Moon Jae-in trong tái định hướng các quan hệ kinh tế cho Hàn Quốc ít gập ghềnh hơn so với các khía cạnh địa chính trị và nó liên quan đến nhiều đối tác hơn. Điểm then chốt nhất chính là việc Seoul hy vọng tạo ra bùng nổ đầu tư và xuất khẩu cho các công ty của Hàn Quốc ở Triều Tiên. Nhưng Hàn Quốc cũng hướng đến Ấn Độ và Đông Nam Á.
“Chính sách hướng Bắc mới” mà ông Moon công bố hồi năm ngoái, với một phần trọng tâm là hướng về Nga, giữ vai trò quan trọng đối với bước thúc đẩy kinh tế này. Hợp tác với Nga giúp can dự của Hàn Quốc với Triều Tiên khả thi hơn, ở cả khía cạnh kinh tế lẫn chính trị. 
Ngoài ra, tiềm năng về tuyến đường tàu hỏa nối liền Triều Tiên với Nga hứa hẹn sẽ gia tăng hơn nữa trao đổi thương mại đang ở ngưỡng đáng kể giữa Hàn Quốc với châu Âu. Nhập khẩu năng lượng rẻ hơn từ Nga cũng là một ưu thế cho Hàn Quốc, trong khi Nga có thể sẽ giúp đa dạng hóa lượng khách du lịch, tránh phụ thuộc quá nhiều vào lượng khách đến từ Trung Quốc. Việc Nga phát triển khu vực Viễn Đông cũng tạo cơ hội cho các công ty Hàn Quốc.
Tổng thống Moon Jae-in hiểu rất rõ điều ông muốn đạt được cũng như tầm quan trọng của thúc đẩy quan hệ với Nga. “Hợp tác với Nga là nền tảng trên con đường tạo lập hòa bình cho bán đảo Triều Tiên và thịnh vượng ở Đông Bắc Á”, Tổng thống Hàn Quốc phát biểu trước Đuma Quốc gia Nga. 
Ông cũng hứa hẹn hợp tác “tay ba” giữa hai miền Triều Tiên với Nga sẽ “giúp thiết lập một cộng đồng kinh tế ở Đông Bắc Á”, đồng thời bày tỏ hy vọng khu vực sẽ có được “một hệ thống an ninh tập thể cho riêng mình”.
Đương nhiên, sẽ có thách thức trong việc đẩy Nga đi theo đường hướng này. Nga cần các hợp tác kinh tế thay thế phương Tây, nhưng hiện nay đã lo ngại bị xem là nguồn xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên lệ thuộc vào Trung Quốc. Tổng thống Putin sẽ ít hào hứng hơn trong việc thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu chế tác của Hàn Quốc đồng thời giảm giá hàng năng lượng cho Seoul.
Hơn hết, Moskva cảm thấy không thoải mái khi trở thành nhân tố nằm trong vòng đưa đẩy của Seoul. Hàn Quốc đang tìm cách đẩy gánh nặng đáng kể lên vai Nga trong việc chống lại những chính sách có lợi cho Mỹ, Trung Quốc ở Đông Bắc Á, nhưng lại không có sự đáp trả tương ứng về mức phí tổn Moskva phải gánh chịu. 
Ngoài ra, quan điểm của Nga và Hàn Quốc về Triều Tiên còn một khoảng cách xa. Ông Putin sẽ phản đối các khía cạnh trong tầm nhìn của Seoul về kết nối liên Triều gây hại đến ảnh hưởng và an ninh của Nga.
Thế nhưng nhìn tổng quan, Seoul đã đúng khi nhấn mạnh cả Nga và Hàn Quốc đều có nhiều điểm chung và chia sẻ tầm nhìn tương đồng về thế giới. Hợp tác cùng nhau, hai nước có thể gia tăng ảnh hưởng và sức nặng kinh tế ở khu vực trước Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục