Yên Bái khởi công công trình cầu Tô Mậu

17:50' - 01/01/2023
BNEWS Ngày 1/1, tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình cầu Tô Mậu, huyện Lục Yên.

Đây là công trình trọng điểm nhằm thiết thực chào mừng các sự kiện chính trị và các ngày lễ lớn năm 2023 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Dự Lễ khởi công có ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND,  UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành và đông đảo nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên.

 

Phát biểu tại Lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng với nhiệm vụ thay thế cầu Tô Mậu cũ đang khai thác còn hạn chế về tải trọng và khổ cầu, nâng cao năng lực thông hành của tuyến đường tỉnh 171.

Đặc biệt, tuyến đường này còn kết nối trực tiếp tỉnh Yên Bái với tỉnh Hà Giang, kết nối trung tâm huyện Lục Yên với Quốc lộ 70, các huyện Yên Bình, Văn Yên, thành phố Yên Bái và cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân, rút ngắn thời gian vận tải của doanh nghiệp.

Đồng thời, hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, du lịch vùng thượng huyện Lục Yên gắn với đầu tư, phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới của huyện Lục Yên và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái.

Để công trình được đầu tư đảm bảo đúng quy định, đạt chất lượng cao, hoàn thành đúng tiến độ và phát huy hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải và chủ đầu tư phải thực hiện đúng các quy định về đầu tư xây dựng; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát chất lượng và tiến độ thực hiện dự án; giám sát chặt chẽ quá trình thi công, định kỳ hàng tháng báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tiến độ triển khai thực hiện; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu nhà thầu thi công có những giải pháp bố trí nhân lực hợp lý, năng lực kỹ thuật cao, đủ trang thiết bị tổ chức thi công tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế tại hiện trường. Quá trình thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, đảm bảo tuyệt đối an toàn, đạt chất lượng cao và theo đúng tiến độ đã phê duyệt. Đồng thồi, có giải pháp thi công hợp lý để không làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và giao thông đi lại của nhân dân trong phạm vi dự án.

Đối với huyện Lục Yên, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong huyện và các xã trong phạm vi dự án giữ vững truyền thống là điểm sáng, lá cờ đầu trong thực hiện giải phóng mặt bằng; tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng công trình, tạo sự đồng thuận và ủng hộ cao của người dân trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thi công thực hiện dự án...

Các sở, ban, ngành có liên quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai dự án; phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Đoàn Hữu Phung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, cầu Tô Mậu hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, bảo đảm kết nối hai bên bờ sông Chảy, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lục Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

Bên cạnh đó, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, kết nối vùng, liên vùng, mang đến làn gió mới trên quê hương đất Ngọc để Lục Yên phấn đấu cơ bản trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Tô Mậu, huyện Lục Yên có điểm đầu tại lý trình Km8+371 trên tỉnh lộ 171 thuộc địa phận xã Tô Mậu, điểm cuối tại lý trình Km9+051, tỉnh lộ 171 thuộc địa phận xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên.

Công trình có chiều dài 159m, đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài 523m. Cầu được thiết kế vĩnh cửu gồm: 3 nhịp dầm, kết cấu khung bê tông cốt thép dự ứng lực. Các mố, trụ cầu bằng kết cấu bê tông cốt thép đổ tại chỗ đặt trên hệ móng cọc khoan nhồi.

Phần đường dẫn hai đầu cầu được thiết kế theo quy mô xây dựng đường cấp IV miền núi với nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m với tổng mức đầu tư xây dựng công trình là 115 tỷ đồng. Công trình do Liên danh Công ty TNHH Hiệp Phú - Công ty TNHH Vận tải và Đầu tư xây dựng TLK thi công. Công trình dự kiến thi công trong 18 tháng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục