Yếu tố giúp kinh tế Trung Quốc chống chịu môi trường lạm phát cao

06:30' - 13/07/2021
BNEWS Tình trạng giá cả leo thang trong thời gian gần đây ở Mỹ và Trung Quốc đã khiến thị trường toàn cầu cảm thấy bất an.

Tình trạng giá cả leo thang trong thời gian gần đây ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến thị trường toàn cầu, vốn đã quen với tình trạng lạm phát thấp kéo dài trong nhiều thập kỷ hay thậm chí là giảm phát, cảm thấy bất an. Tuy nhiên, việc lạm phát cao một chút cũng không phải là điều tồi tệ, ít nhất là ở Trung Quốc. 

Ở Mỹ, do chi tiêu quy mô lớn của chính phủ trong thời gian dịch bệnh, người dân bắt đầu lo lắng về những hệ lụy tài chính tiêu cực gây nên từ những động thái chính sách này. Ngoài ra, dữ liệu giá cả gần đây cũng làm sâu sắc thêm mối quan ngại này. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 tăng tới 4,2% so với cùng kỳ năm 2020, ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2008 đến nay. Ngoài ra, mức tăng tính theo tháng cũng được nới rộng từ 0,6% trong tháng 3/2021 lên 0,8% của tháng 4/2021, trước khi trở lại mức 0,6% trong tháng 5/2021. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) lại tăng đáng kể, từ mức 185,5 điểm của một năm trước lên 217,5 điểm vào tháng Tư năm nay.

Những dữ liệu này đã gia tăng sức ép phải thắt chặt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi tháng 4/2021 đã nhấn mạnh ngân hàng trung ương còn một chặng đường dài trước khi rút lại hỗ trợ chính sách, ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc tạm thời cho phép tỷ lệ lạm phát trên 2%. Điều đó có thể trấn an thị trường, mặc dù nhiều nhà kinh tế vẫn tin rằng Fed đã đánh giá quá cao năng lực kiềm chế lạm phát dài hạn của mình.

Ở Trung Quốc, CPI tháng 4/2021 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi mức tăng của tháng 3/2021 là 0,4%. Một dữ liệu khác phản ánh rõ ràng hơn là chỉ số PPI trong tháng 4/2021 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2017. Trong tháng 5/2021, CPI và PPI tiếp tục tăng lần lượt 1,3% và 9% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời xuất hiện sự phân hóa.

Tuy nhiên, về cơ bản thị trường Trung Quốc vẫn duy trì sự ổn định. Do các nhà kinh tế Trung Quốc lo ngại về đà suy giảm tăng trưởng quý II/2021 hơn so với sự gia tăng của lạm phát, nên các nhà hoạch định chính sách tài chính và tiền tệ của Trung Quốc hầu như không có sức ép phải áp dụng bất cứ biện pháp thắt chặt nào.

Chỉ số PPI tăng mạnh là do sự thúc đẩy từ việc các nhà sản xuất Trung Quốc chuẩn bị đáp ứng nhu cầu tăng mạnh sau dịch bệnh. Các nhà sản xuất ở khu vực thượng nguồn của chuỗi sản xuất hành động trước tiên, chuẩn bị nguyên vật liệu và nhiên liệu hóa thạch. Điều này giải thích cho lý do tại sao giá các mặt hàng chiến lược như đồng, than đá, quặng sắt và nhôm tăng mạnh ở mức hai con số từ tháng Ba đến nay.   

Tuy nhiên, do sự phục hồi sau đại dịch chỉ mới nhen nhóm bắt đầu nên nhu cầu đối với hàng hóa cuối cùng (đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng) vẫn còn thấp. Điều này giải thích lý do chênh lệch ngày càng lớn giữa biên độ tăng của CPI và PPI. 

Các nhà sản xuất hàng hóa thành phẩm thuộc khu vực trung và hạ nguồn của chuỗi cung ứng không thể đẩy chi phí đầu vào tăng lên cho người tiêu dùng và nhà đầu tư. Các nhân tố khác như sự tích trữ chip máy tính và việc thực hiện chương trình nghị sự phát triển bền vững của chính phủ cũng có thể gây nên sự chênh lệch giữa PPI và CPI.  

Nhiều nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng chỉ số PPI tăng mạnh chỉ là hiện tượng mang tính chuyển tiếp. Tuy nhiên, ngay cả khi PPI tiếp tục tăng thì Bắc Kinh cũng không cần phải quá lo ngại, bởi vì xu hướng đi lên trong thời gian gần đây chỉ bù đắp những tổn thất trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ngoài ra, trước khi tăng lên trong thời gian gần đây, chỉ số PPI của Trung Quốc đã giảm trong nhiều năm qua.  

Cho dù thế nào, một số nhà kinh tế cho rằng việc chỉ số PPI tăng mạnh ít có khả năng chuyển hóa thành sự gia tăng đáng kể của CPI. Đây là một quan điểm giúp mọi người an tâm, giúp cho thấy Trung Quốc không phải lo lắng về tình trạng lạm phát cao. Tuy nhiên, trên thực tế đây là điều lo lắng của Trung Quốc, bởi vì nền kinh tế nước này cần lạm phát nhiều hơn.

Sự thiếu hụt của hiệu ứng lan truyền giá khiến cho lạm phát tiêu dùng duy trì ở mức thấp. Là nền kinh tế đang phát triển có thu nhập bình quân đầu người trên 10.000 USD, Trung Quốc có khả năng chống chịu lạm phát cao hơn các nền kinh tế phát triển.

Do đó, Chính phủ Trung Quốc nên áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng hơn để thúc đẩy lạm phát tiêu dùng. Khác với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, Trung Quốc không áp dụng các chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng trong thời kỳ dịch bệnh. 

Trong tháng 5/2021, tốc độ tăng cung tiền mở rộng (M2) là 8,3%, cao hơn so với tháng 4/2021, nhưng thấp hơn 2,8 điểm phần trăm so với tháng 5/2020. Trong bốn tháng đầu năm 2021, thu ngân sách thường xuyên cả nước tăng 25,5%, trong khi chi ngân sách thường xuyên chỉ tăng 3,8%.

Sự thận trọng này khiến đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm. Hiện nay, xuất khẩu một lần nữa trở thành động lực thúc đẩy chủ yếu của tăng trưởng kinh tế, trong khi Trung Quốc luôn tìm cách phá vỡ mô hình không bền vững này. Mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ có tác dụng giúp đảo ngược xu hướng nói trên.

Các chuyên gia cho rằng sau khi doanh nghiệp khôi phục năng lực sinh lời và tăng trưởng quay trở lại quỹ đạo bình thường, lạm phát cuối cùng sẽ ổn định ở mức tích cực và an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục