Yếu tố nào tác động tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

16:40' - 26/12/2023
BNEWS Năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh minh họa: TTXVN

Quốc hội đặt mục tiêu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD. Để đạt được mục tiêu phát triển này, TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Việt Nam cần thực hiện rất nhiều giải pháp; trong đó, cần chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì mới có thể tăng được năng suất lao động.

 

Nghị quyết của Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu cho năm tới là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%. Muốn phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cần phải có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, Quốc hội cũng đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo vào năm tới đạt khoảng 69%; trong đó, đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 28,5%.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tăng năng suất lao động là mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến để thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành một nước công nghiệp hiện đại.

“Ý nghĩa của tăng năng suất lao động đối với tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng hơn, khi các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, tài nguyên trở nên khan hiếm, nguồn lao động đang bị ảnh hưởng do xu thế già hóa dân số trong tương lai”, bà Nguyễn Thị Hương cho hay.

Để có thêm thông tin hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động, Tổng cục Thống kê đã thực hiện Báo cáo Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp. Cùng với đó, Tổng cục Thống kê đã phân tích, đánh giá về thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng và chuyển dịch năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020; đồng thời, đề xuất các giải pháp chủ yếu nâng cao năng suất lao động thời gian tới. 

Tổng cục Thống kê cho biết, ở Việt Nam, năng suất lao động là một chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, được quy định trong Luật Thống kê, được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm. Một nền kinh tế có năng suất lao động cao nghĩa là nền kinh tế có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa hoặc dịch vụ hơn với cùng một lượng nguyên liệu/yếu tố đầu vào, hoặc sản xuất ra số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ tương đương với lượng nguyên liệu/yếu tố đầu vào ít hơn. Từ đó, đời sống của người dân được nâng lên, góp phần thúc đẩy và phát triển xã hội.

Đối với doanh nghiệp, tăng năng suất lao động tạo ra lợi nhuận lớn hơn và thêm cơ hội đầu tư để mở rộng sản xuất. Đối với người lao động, tăng năng suất lao động dẫn tới lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn.

Về lâu dài, tăng năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng đối với tạo việc làm cho người lao động. Đối với Chính phủ, tăng năng suất lao động giúp tăng nguồn thu từ thuế, có điều kiện để tăng tích lũy, mở rộng phát triển sản xuất và nâng cao phúc lợi của nhân dân.

Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê, muốn tăng được năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhu cầu tiêu dùng của xã hội; vốn sản xuất; tiền lương, tiền công, tiền thưởng; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thể chế, chính sách; cơ cấu sản xuất; các yếu tố gắn liền với điều kiện tự nhiên và chất lượng lao động; trong đó, chất lượng lao động giữ vai trò then chốt, quyết định tăng trưởng năng suất lao động.

Bên cạnh đó, khoa học kỹ thuật, công nghệ càng phát triển, máy móc thiết bị càng hiện đại, đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn tương ứng. Người lao động có trình độ học vấn cao có khả năng tiếp thu nhanh chóng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tạo ra hiệu quả làm việc cao nhất.

“Nghiên cứu cho thấy, có một mối quan hệ tích cực giữa số năm đi học, đào tạo của người lao động với năng suất. Vì vậy, năm nào Quốc hội cũng coi lao động qua đào tạo là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng quan trọng là phải đào tạo thực, người được đào tạo phải đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, chứ không phải là số liệu báo cáo”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho hay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục