Bước ngoặt của ngành điện Việt Nam – Bài 9: Thay đổi căn bản về chất lượng điện

14:49' - 07/05/2018
BNEWS Nếu như năm 1988, chúng ta chưa kịp khánh thành một nhà máy điện lớn, thì trái lại trong năm 1989, chúng ta có thêm ít nhất 2 nhà máy điện lớn bắt đầu đi vào vận hành.
Sửa chữa nóng trên đường dây 500kV. Nguồn: TTXVN

Ba năm 1989, 1990, 1991 là ba năm rất đặc biệt và có nhiều ý nghĩa không những đối với ngành Điện mà còn đối với cả nước. Kinh tế đất nước mấy năm liền liên tục khởi sắc là nền tảng vững chắc cho các ngành công nghiệp và kinh tế - kỹ thuật phát triển; trong đó có Điện lực.

Sự phát triển và mối liên hệ gắn bó hữu cơ hai chiều của Điện lực với các ngành, nghề trong nền kinh tế quốc dân là tất yếu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa - nòng cốt của công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.  

Tính chất đặc biệt còn thể hiện ở chỗ hầu hết các mục tiêu kế hoạch đặt ra của ngành Điện lần đầu tiên đã được hoàn thành, làm thay đổi căn bản về chất lượng điện của cả nước. Trong ba năm đó, nguồn điện bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ là do các công trình nguồn điện lớn được tập trung đầu tư mọi nguồn lực để thi công từ những năm trước, đã hoàn thành theo tiến độ và nhanh chóng được đưa vào khai thác sử dụng.

Nếu như năm 1988, chúng ta chưa kịp khánh thành một nhà máy điện lớn, thì trái lại trong năm 1989, chúng ta có thêm ít nhất 2 nhà máy điện lớn bắt đầu đi vào vận hành. Đó là sau 6 năm vừa xây dựng vừa phát điện (1983 - 1989), Nhà máy Thủy điện Trị An đã đưa cả 4 tổ máy với tổng công suất thiết kế 440MW vào hoạt động an toàn và có hiệu quả. Cùng với tổ máy số 1 của Nhà máy Thủy điện Dray H’Linh đã được đưa vào vận hành, góp phần tăng công suất điện đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng điện của miền Trung.

Điều không thể không đề cập tới trong quá trình xây dựng công trình là phương thức “xã hội hóa” huy động nguồn lực trong nhân dân đã được khơi dậy, phát huy; tính đến tháng 4/1989, nhân dân 16 tỉnh phía Nam đã đóng góp 91 tỷ đồng, bằng 24% tổng số vốn; công trình hoàn thành trước thời hạn một năm rưỡi và đã cung ứng nguồn điện trị giá 150 tỷ đồng.

Cuối năm 1989, các mục tiêu trong Tổng sơ đồ phát triển điện II đã được gấp rút cơ bản hoàn thành. Ngày 15/11/1989, trạm phát điện tuabin khí đầu tiên ở Quảng Nam - Đà Nẵng bước vào hoạt động. Từ thời điểm ấy, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có thêm 8.000kW bổ sung cho nguồn điện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh.

Thêm một điểm nhấn nữa tô hồng bức tranh toàn cảnh phát triển điện lực đất nước là ngày 4/12/1989, tổ máy số 2 của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chính thức vận hành hòa lưới điện quốc gia, với công suất thiết kế 240MW, cùng với tổ máy số 1 đã phát điện từ ngày 30/12/1988, đến năm 1989 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã cấp cho lưới điện quốc gia 1.306.519,2MWh, chiếm 16,8% tổng sản lượng điện của hệ thống, cung cấp nguồn điện lớn và ổn định cho đất nước.

Ngày 22/12/1989, Công ty Xây lắp điện 1 khởi công xây dựng đường dây 220kV Hòa Bình - Ninh Bình gồm hai mạch dài 113km, có 369 cột sắt cao từ 39,5 đến 48,3m, cột nặng nhất là 40 tấn, khối lượng đào đắp lên đến 1.000.000m3, đúc 36.600m3 bê tông, vận chuyển lắp đặt 130.000 tấn vật liệu. Để phát điện đồng bộ với tổ máy số 3 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Công ty đã phấn đấu hoàn thành việc xây dựng công trình vào năm 1991 phục vụ đời sống nhân dân các tỉnh miền Trung.

Tới cuối năm 1989, miền Bắc có tổng công suất điện từ 7 - 8 nghìn MW. Đây là một nguồn động lực rất quan trọng, là sức mạnh đáng kể cung cấp cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại, để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù vậy trong giai đoạn này, nguồn điện lực cực kỳ quan trọng này đã có mà lại chưa được khai thác tốt và sử dụng có hiệu quả. Tình trạng trên được nhiều chuyên gia xem là tình trạng “thừa điện” của miền Bắc lúc bấy giờ.

Trong điều kiện thời tiết nắng gió khắc nghiệt của miền Trung, Công ty Điện lực 3 đã vượt qua nhiều khó khăn, đưa lưới điện vào nơi đây góp phần giải quyết phần lớn tình trạng thiếu điện của người dân. Mặc dù nguồn vốn còn khó khăn, Công ty đã mạnh dạn đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng lưới điện truyền tải miền Trung.

Đến ngày 30/9/1990, từ phía bắc miền Trung gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, đã có 446km đường dây cao áp, gồm 203km đường dây 220kV, 172km đường dây 110kV, 91km đường dây mạch kép mới xây dựng và 4 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng là 73MVA đã đi vào vận hành an toàn.

Tiếp đến Công ty đã đưa vào vận hành an toàn đường dây Vinh - Đà Nẵng, tăng thêm cho miền Trung từ 30 - 35MW. Cũng từ đó, hàng ngày miền Trung đã có sản lượng điện từ 600.000 - 700.000kWh, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt của nhân dân các tỉnh miền Trung. Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời giải quyết vấn đề thiếu điện trong thời gian ngắn.

Trạm biến áp 500kV Mỹ Tho. Nguồn: TTXVN

Ở miền Nam, đến hết năm 1990 công suất điện toàn miền là 1.031,8MW (trong đó thủy điện chiếm trên 50%). Cả nước có thêm Nhà máy Thủy điện Trị An (440MW) đi vào hoạt động; các nguồn nhiệt điện, thủy điện khác được củng cố, bổ sung. Lưới điện cao áp và trung áp được phát triển và mở rộng.

Ngành Điện đã xây dựng thêm 93km đường dây 220kV, 850km đường dây 110kV, 476km đường dây 35kV, 2.042km đường dây 15kV đã và đang vận hành với 4 trạm biến áp 220kV (tổng dung lượng là 625MVA), 16 trạm biến áp 110kV (tổng dung lượng là 1.037MVA), hàng chục trạm trung gian khác với tổng dung lượng là 231,5MVA.

Bên cạnh đó, ngành đã hoàn thành việc xây dựng đường dây 110kV Trà Vinh vào tháng 1/1989, đường dây 110kV Mỹ Tho - Bến Tre, Sóc Trăng - Bạc Liêu hoàn thành tháng 3/1989; các trạm 220kV Đa Nhim khẩn trương để khởi công tháng 12/1989, trạm 220kV Phú Lâm khởi công quý I/1989.

Ngành điện phía Nam bước đầu đã có sự chuẩn bị trong trường hợp Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức về “không” (gặp sự cố hoặc ngưng chạy để tiết kiệm dầu), cố gắng cấp điện bình thường cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên trên thực tế, công suất điện lắp đặt của miền Nam cũng chỉ đáp ứng được 89,73%, tức là lắp đặt được 1.005MW, trong khi nhu cầu sản xuất và sinh hoạt lên đến 1.120MW. Mỗi ngày nhu cầu đó lại tiếp tục tăng lên nên phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất tất cả các ngày trong tuần, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân./.

>>> Bài 7: Lần đầu có quy hoạch phát triển điện lực

>>> Bài 8: Thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 2

>>> Đón đọc: Bài 10: Mâu thuẫn sử dụng điện giữa miền Bắc và miền Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục