Bước ngoặt của ngành điện Việt Nam-Bài 8: Thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 2

12:48' - 07/05/2018
BNEWS Giai đoạn này lưới điện quốc gia 110kV đã được kéo tới hầu hết các xã vùng Đồng bằng sông Hồng, kéo tới nhiều huyện vùng cao biên giới vùng Việt Bắc, Tây Bắc.
Nâng công suất máy biến áp 110kV. Nguồn: TTXVN

Với sự quan tâm đặc biệt đối với ngành Điện, Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ chín (Khóa V) ngay từ cuối năm 1985 đã đề ra chỉ tiêu cụ thể phát triển ngành Điện vào năm 1986 - năm khởi đầu cho kế hoạch Nhà nước 5 năm (1986 - 1990), cũng là năm khởi đầu việc thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn II là 5,9 tỉ kWh, tăng hơn giai đoạn trước gần 1 tỉ kWh. Đó là nhiệm vụ lớn và không kém phần nặng nề đối với toàn ngành Điện lực.

Sau năm 1986, văn kiện của Đại hội VI đã có chỉ đạo rất mới về định hướng phát triển, về những bước đi, giải pháp chủ yếu và cơ bản để phát triển điện lực của đất nước trên suốt 3 miền Bắc, Trung, Nam, cả ở tầm vĩ mô và vi mô.

Cụ thể, đối với miền Bắc, với việc hoàn thành xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại, lắp đặt một số tổ máy của Thủy điện Hòa Bình, nguồn điện sẽ đảm bảo đủ nhu cầu và có một phần dành cho các tỉnh miền Trung. Ngoài nguồn điện từ miền Bắc vào, việc tìm biện pháp bổ sung để đảm bảo điện cho các tỉnh Khu V và Tây Nguyên là nhiệm vụ cấp bách của ngành Điện.

Một mặt, đẩy nhanh xây dựng những cơ sở điện mới đã được xác định, mặt khác, tăng thêm dầu và phụ tùng để sử dụng tốt hơn những cơ sở điện hiện có. Ở miền Nam, tập trung các điều kiện vật chất để đảm bảo hoàn thành xây dựng Thủy điện Trị An và Thủy điện Dray H’linh.

Không chỉ bằng sự đầu tư từ ngân sách của Nhà nước, Đảng ta đã lần đầu tiên chỉ ra việc phải kết hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong việc tập trung đầu tư xây dựng các công trình phát triển điện lực của đất nước. Có thể xem đây là chủ trương chính thức và cũng là tiền đề của phương thức “xã hội hóa” huy động tiềm năng, nguồn lực của nhân dân trong hoạt động xây dựng công trình cung cấp điện và sản xuất điện của Đảng và Nhà nước ta nhiều năm sau:

Tư tưởng chỉ đạo là bằng khả năng của Trung ương và địa phương, Nhà nước và nhân dân, ra sức xây dựng nhiều trạm thủy điện nhỏ ở các vùng, nhất là Tây Nguyên và miền núi phía Bắc để giải quyết nguồn điện tại chỗ, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đồng bào các dân tộc. Đi đôi với nguồn, cần xây dựng kịp thời và đồng bộ các hệ thống lưới điện, từ cao thế đến trung thế và hạ thế.

Bên cạnh hoàn thành việc cải tạo lưới điện Hà Nội, Hải Phòng; tăng thêm nguồn điện và lưới điện cho Đồng bằng sông Cửu Long; tiến hành chuẩn bị cải tạo lưới điện Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác khi có điều kiện. Cải tiến việc phân phối và sử dụng điện, nhằm trước hết đảm bảo một cách ổn định nhu cầu các trọng điểm về kinh tế và xã hội. Đồng thời phải tích cực chuẩn bị cho thời kỳ sau năm 1990 xây dựng những công trình đã được quy hoạch như: Yaly, Sông Hinh, Thác Mơ, Đắc Nga 3...”.

Ngày 16/2/1987, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết thành lập Bộ Năng lượng trên cơ sở hợp nhất Bộ Điện lực với Bộ Mỏ và Than. Ngành Điện lúc này có nhiều điều kiện thuận lợi về mọi mặt để bắt đầu tập trung trí tuệ và lực lượng thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện năng II.

Ở miền Bắc, cuối tháng 12/1988, sau gần 20 năm xây dựng, tổ máy số 1 công suất 240MW của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được đưa vào vận hành. Theo đó, Nhà máy hàng năm đưa thêm từ 1 - 2 tổ máy khác vào hoạt động, tăng thêm 20% sản lượng điện, tạo sự chuyển biến lớn về lượng và chất của hệ thống điện miền Bắc. Lúc này, ngành Điện không những chỉ phấn đấu thỏa mãn nhu cầu các phụ tải, mà còn phấn đấu có điện dự phòng cho các nhu cầu đột xuất, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp.

Khi nguồn điện ngày càng được bổ sung, sản lượng điện tăng mạnh trong những năm giữa thập niên 1980, thì vấn đề hệ thống lưới điện và các trạm biến áp ở các vùng, miền, tỉnh, thành phố lại bộc lộ sự yếu kém và bất hợp lý. Phần lớn các trạm phân phối điện chỉ có một nguồn trung áp, các mạch vòng tiết diện dây điện nhỏ, khi một đường dây có sự cố, đường dây thứ hai không bảo đảm việc cấp điện, do đó hạn chế đến công suất.

Để khắc phục tình hình ấy, được sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, ngành Điện đã xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 110kV Thái Nguyên - Cao Bằng, Trạm 110kV Tuyên Quang (1990). Các đường dây Mộc Châu - Mai Châu, Cẩm Phả - Tiên Yên và Trạm 110kV Tiên Yên... đều được đưa vào khai thác, sử dụng.

Thi công xây dựng trạm biến áp 220kV Ngũ Hành Sơn. Nguồn: TTXVN

Trong năm 1986, Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc được nâng cấp và hoàn thiện với nhiều trang thiết bị tiên tiến của thời kỳ đó, có nhiệm vụ chỉ huy, điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng khu vực miền Bắc, nhằm đạt kết quả tối ưu về kỹ thuật và kinh tế, góp phần vào việc đảm bảo hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, liên tục, tin cậy.

Bộ Điện lực đã chỉ đạo các Sở Điện lực, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn phải xây dựng định mức tiêu thụ điện cho các nhà máy điện, có thể sử dụng cách yêu cầu các nhà máy phát bù bằng điêzen để giảm sản lượng điện khoảng 30%. Đồng thời mở các đợt tuyên truyền sâu rộng về tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành hàng nghìn tờ rơi, mở các hội nghị, hội thảo về tiết kiệm điện.

Ngành Điện ở các thành phố lớn tiến hành tách công tơ, lắp đặt đồng hồ điện ở những khu đông dân cư, xóa bỏ tình trạng bán điện khoán theo hộ...

Tuy nhiên, việc phát triển lưới điện nông thôn ở miền Bắc cũng chỉ thật sự được đẩy mạnh từ năm 1984, do Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và mấy năm sau là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành. Đây là hai nhà máy điện có công suất lớn nhất lúc ấy, lần lượt đưa các tổ máy phát hòa vào lưới điện quốc gia.

Giai đoạn này lưới điện quốc gia 110kV đã được kéo tới hầu hết các xã vùng Đồng bằng sông Hồng, kéo tới nhiều huyện vùng cao biên giới vùng Việt Bắc, Tây Bắc. Điện được kéo ra đảo Cát Bà bằng đường dây cáp ngầm xuyên qua cả eo biển dài hàng mấy chục kilômét. Điện lưới quốc gia đã đến và thắp sáng tại nhiều địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính phủ đã đồng ý để ngành Điện được tiếp tục triển khai Đề tài chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước mã số 10A “Nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để phát triển và khai thác có hiệu quả hệ thống điện”. Sau một thời gian nghiên cứu, điều tra cơ bản, kết quả đề tài đã được ứng dụng vào sản xuất đem lại nhiều tác dụng thiết thực, như tăng được công suất phát điện của Nhà máy Thủy điện Thác Bà, Nhà máy Thủy điện Trị An lên tới 10%; góp phần làm cơ sở cho việc lập Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn II, III.../.

>>> Bài 9: Thay đổi căn bản về chất lượng điện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục