Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Đừng để “cắt xong lại mọc”

13:46' - 22/11/2017
BNEWS Khi các bộ, ngành, địa phương đã xác định cắt bỏ điều kiện kinh doanh thì cần phải có phương thức quản lý, giám sát tránh tối đa việc “cắt bỏ rồi lại mọc lên”.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Không để tình trạng “cắt xong lại mọc”. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Bộ Công Thương thực hiện cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh theo tiêu chí tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, chuyển đổi quy trình thủ tục từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Song quan trọng hơn cả là phải có các biện pháp ngăn chặn việc tái xuất hiện các điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm. Đây là nội dung được bàn thảo tại cuộc Tọa đàm với chủ đề: “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thực hiện ngày 22/11.

Kỳ vọng cắt giảm hơn nữa điều kiện kinh doanh

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương đã được triển khai từ tháng 7/2016. Và ngay từ đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ 8 Nghị định liên quan đến cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh hóa chất, gas. Đặc biệt, ngày 20/9 vừa qua, Bộ Công Thương đã chính thức cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh (chiếm tới 55% tổng số điều kiện kinh doanh) do Bộ quản lý.

“Những điều kiện cắt giảm thủ tục kinh doanh của Bộ Công Thương dựa trên 5 tiêu chí. Khi xây dựng hệ thống điều kiện kinh doanh, Bộ cố gắng hướng từ quy trình tiền kiểm sang hậu kiểm theo đúng các cam kết quốc tế và nhất quyết duy trì việc làm này”, Thứ trưởng Khánh nói.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho biết, trong các phương án cắt giảm, Bộ Công Thương đã phải lưu ý rất nhiều về tính khả thi cũng như nguồn lực đáp ứng, hoàn toàn không phiêu lưu, cắt giảm điều kiện kinh doanh gắn với cải cách thủ tục hành chính, không chỉ tiến hành cắt giảm để lấy sự nổi tiếng.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương đối với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ, lâu nay quy định điều kiện kinh doanh là vấn đề “nhức nhối” và làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp, triệt tiêu những sáng kiến trong hoạt động kinh doanh cũng như giảm quy mô và tính cạnh tranh trên thị trường.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nhiều vướng mắc trong ngành công thương nhiều năm trước không giải quyết được, đến nay đã được giải quyết nhanh chóng như quy trình kiểm tra nguyên liệu dệt may, dán nhãn năng lượng… Quy mô mức độ số lượng cắt giảm lớn và dải đều trong các ngành thuộc Bộ Công Thương quản lý, đã thể hiện tính quyết liệt trong hệ thống các tiêu chí cắt giảm.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung cũng lưu ý, các doanh nghiệp và người dân vẫn kỳ vọng nhiều hơn nữa việc trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của ngành công thương, đặc biệt là điều kiện làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường và giảm số lượng tiềm năng doanh nghiệp bị hạn chế cạnh tranh.

Không để tình trạng“cắt rồi lại mọc”

Mặc dù ghi nhận những kết quả tích cực từ những việc cắt giảm thủ tục điều kiện kinh doanh qua của các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên TS. Nguyễn Đình Cung cũng lo ngại rằng, quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh dù đã được triển khai từ năm 1999, nhưng đến năm 2003, các điều kiện kinh doanh lại xuất hiện nhiều hơn tính đến thời điểm đó.

TS. Cung lấy ví dụ về thực tế tại ngành giao thông – vận tải cũng như một số ngành khác, trước đây các thủ tục, điều kiện sản xuất doanh gần như đã bỏ gần hết, nhưng đến thời điểm hiện nay lại phục hồi gần như toàn bộ.

Do đó, theo TS. Nguyễn Đình Cung, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay chính là làm thế nào để hạn chế được việc phục hồi các thủ tục, điều kiện kinh doanh đã từng được cắt giảm và đơn giản hóa từ trước đó. Có như vậy mới thể hiện sự nhất quán, ổn định trong cơ chế chính sách và phương pháp điều hành. Đây là vấn đề luôn được các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân quan tâm.

Theo quan điểm của TS. Cung, để phòng ngừa việc tái lập tràn lan các thủ tục, điều kiện kinh doanh không đáng có, điều kiện đầu tiên và tiên quyết chính là quá trình thay đổi tư duy và cách thức quản lý. Bởi lẽ, khi cơ quan chức năng đặt ra điều kiện tiền kiểm hàng hóa thì không bao giờ hạn chế được điều kiện kinh doanh.

“Tuyệt đối tránh việc cứ mỗi khi xã hội, nền kinh tế xuất hiện một hình thức kinh doanh mới, cơ quan quản lý lại cho ra đời hàng loạt các điều kiện kinh doanh, thủ tục rườm rà để quản lý, chi phối", ông Cung nói.

Vì thế, khi các bộ, ngành, địa phương đã xác định cắt bỏ điều kiện kinh doanh thì cần phải có phương thức quản lý, giám sát việc thực thi quy định; tránh tối đa việc “cắt bỏ rồi lại mọc lên” thủ tục, điều kiện kinh doanh.

Ủng hộ quan điểm này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý, trong câu chuyện xóa bỏ điều kiện kinh doanh cần phải bỏ tư duy quản lý theo các quy định, tiêu chuẩn. Khi tiến hành kiểm tra đột xuất, nếu lực lượng chức năng phát hiện sai phạm cần yêu cầu doanh nghiệp khắc phục ngay hoặc tạm dừng kinh doanh.

Đặc biệt, các bộ, ngành quản lý thủ tục, điều kiện kinh doanh nếu không đủ nguồn nhân lực thực thi, nhất định phải đưa ra các điều kiện, từ đó làm thay đổi cách nhìn của dư luận về một vấn đề. Khi đã cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, cơ quan quản lý vừa phải tiến hành xử lý triệt để, vừa phải tạo điều kiện cho các lĩnh vực khác phát triển, làm sao tránh “tái mọc” các điều kiện kinh doanh.

Từ thực tế trong quá trình cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, tư duy xuyên suốt của Bộ đặt ra cương quyết không để thủ tục, điều kiện kinh doanh đi theo mâu thuẫn vốn có “cắt rồi lại mọc”.

Do đó, Bộ Công Thương tuân thủ tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư, khi ban hành các điều kiện kinh doanh phải có căn cứ, liên tục rà soát, nâng cao chất lượng điều kiện kinh doanh, để khi các quy định đã được ban hành, các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ thực hiện và khó tái mọc trở lại điều kiện kinh doanh.

“Ngành thực phẩm trước đây đặt ra hàng loạt điều kiện kinh doanh như nhà xưởng an toàn, giấy chứng nhận an toàn. Nhưng với hàng trăm nghìn cơ sở sản xuất sau khi rà soát, Bộ đã bỏ bớt điều kiện chung chung, đối với những điều kiện còn lại được quy định chuyển sang hậu kiểm”, Thứ trưởng Khánh lấy ví dụ và khẳng định: Quy định tiêu chuẩn quy chuẩn đã được ban hành và tăng cường công tác hậu kiểm đột xuất, nếu doanh nghiệp sai phạm buộc phải tự khắc phục hoặc tạm dừng hoạt động. Điều này vừa đảm bảo sự tối ưu của cơ quan quản lý nhà nước cũng như giảm chi phí tuân thủ ở mức thấp nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục