Châu Phi - mắt xích quan trọng trong chiến lược của Nga

05:30' - 24/01/2018
BNEWS Mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor có bài viết cho rằng Nga có thể sớm gia tăng sự can dự ở châu Phi lên mức độ chưa từng có trong vài thập niên trở lại đây.
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir phát biểu tại Nyala, thủ phủ tỉnh Nam Darfur. Ảnh: AFP/TTXVN

Moskva từng đóng một vai trò đáng kể trong lịch sử của khu vực châu Phi nằm ở phía Nam sa mạc Sahara thời Chiến tranh Lạnh. Trên khắp châu lục, Liên Xô đã cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và các đồng minh phương Tây của Mỹ thông qua một loạt cuộc chiến "mượn tay người khác" kéo dài.

Tuy nhiên, sự quan tâm của Nga đối với châu Phi cận Sahara đã nhạt dần sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Khu vực này có lẽ từng mất khá nhiều tầm quan trọng địa chính trị, song giờ đây trong bối cảnh Điện Kremlin đang ngày càng khẳng định ảnh hưởng của mình ở nước ngoài, khu vực châu Phi cận Sahara đem lại cho Nga cơ hội để mở rộng tầm với ra toàn cầu nếu như họ muốn làm điều đó.

Ngày 5/1 vừa qua xuất hiện những thông tin cho thấy Wagner Group, một công ty quân sự tư nhân có quan hệ thân thiết với Điện Kremlin và đang hoạt động tích cực tại Syria, đã cử một nhóm nhân viên (chưa rõ quân số) tới Sudan.

Đây là một động thái không có gì là bất ngờ nếu xét đến mối quan hệ thân thiết suốt nhiều thập niên qua giữa Khartoum và Moskva và đặt trong bối cảnh Tổng thống Sudan Omar al-Bashir mới đến Điện Kremlin hồi tháng 11/2017.

Trong chuyến đi này, Tổng thống Bashir đã mời các quan chức nước chủ nhà xây dựng 1 căn cứ quân sự trên Biển Đỏ và lưu ý rằng sự trợ giúp của Nga là cần thiết để đối phó với sự can thiệp của Mỹ tại khu vực.

Đề nghị của Sudan được tiếp nối bởi những động thái tương tự từ các nước lân cận là Eritrea, Djibouti và Somalia nhằm thuyết phục các cường quốc bên ngoài xây dựng căn cứ trên lãnh thổ của họ để đổi lấy ngoại tệ vô cùng cần thiết cũng như cú huých cho vị thế của họ trên toàn cầu.

Lời đề nghị của ông Bashir  - chưa nhận được sự tán thành của Nga - có vẻ như tượng trưng cho sự xoay chiều trong chính sách đối ngoại của Sudan sau một thời gian nước này nỗ lực tái xây dựng quan hệ với Mỹ.

Những nỗ lực xích lại gần Mỹ của Khartoum, trong đó có hợp tác chia sẻ thông tin tình báo, đã thu được kết quả hồi tháng 10/2017 khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý chính thức gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Sudan.

Ngoài ra, quốc gia châu Phi này cũng ngày càng xa lánh Iran, một trong những đồng minh khu vực nổi trội của Nga và ngả về phía Saudi Arabia cùng các đồng minh của nước này trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh - một sự xoay trục rất có lợi cho Sudan. Thế nhưng, Khartoum thận trọng không muốn "bỏ hết cả trứng vào cùng một giỏ" chính sách đối ngoại.

Các nhà lãnh đạo Nga và Sudan đều "dị ứng" trước sự can thiệp thực sự hoặc trong trí tưởng tượng vào các vấn đề đối nội của họ. Họ cũng giữ ác cảm trước những thể chế như Tòa án Hình sự Quốc tế, vốn ra lệnh bắt giữ Bashir hồi năm 2009 do những cáo buộc ông này phạm tội ác chống lại loài người.

Hơn nữa, Sudan đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong chiến lược của Moskva nhằm kiềm chế chủ nghĩa cực đoan gia tăng tại những quốc gia như Ai Cập, Libya và trong chừng mực nào đó tại Syria, đồng thời nước này còn là thị trường nhập khẩu thực phẩm và thiết bị quân sự của Nga.

Là một quốc gia có xấp xỉ 40 triệu dân, Sudan rất cần ngũ cốc của Nga. Điện Kremlin đã hứa bán 1 triệu tấn gạo cho nước này trong năm nay. Sudan cũng rất cần được trợ giúp về năng lượng, vũ khí và đạn dược.

Tháng 11/2017, Sudan trở thành quốc gia Arập đầu tiên nhận được máy bay chiến đấu SU-24 thế hệ 4 của Nga trong khuôn khổ thỏa thuận nâng cấp thiết bị và đào tạo trị giá khoảng 1 tỷ USD.

Hiệp định này có thể là nền móng cho nhiều thỏa thuận trong tương lai khi mà Khartoum đang phải chật vật xử lý vô số cuộc xung đột nội bộ trong nhiều năm qua và có lẽ sẽ muốn nghênh đón thêm nhiều nhân viên huấn luyện quân sự của Nga.

Các hoạt động của Moskva tại châu Phi không chỉ dừng ở đó. Một số nguồn tin khác cho thấy Wagner Group có thể sẽ sớm chú trọng tới Cộng hòa Trung Phi. Tin tức về việc công ty này sẽ triển khai một đội quân tới Cộng hòa Trung Phi phù hợp với chính sách đối ngoại ngày càng tham vọng của Moskva.

Nga lâu nay sử dụng ngành vũ khí và chuyên môn quân sự của nước này làm công cụ để tăng cường ảnh hưởng của họ trên toàn thế giới. Tháng trước, nước này đã vận động thành công Hội đồng Bảo an (HĐBA LHQ) cho phép họ gửi 3 chuyến hàng chở vũ khí hạng nhẹ và đạn dược tới Cộng hòa Trung Phi bất chấp lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt đối với quốc gia này kể từ năm 2013.

Những cuộc "chinh phục" Sudan và Cộng hòa Trung Phi không đồng nghĩa với dấu hiệu về một cuộc triển khai quân sự toàn diện của Nga tới châu Phi. Moskva có vẻ như quan tâm nhiều đến việc tạo nguồn thu cho ngân sách thông qua những thỏa thuận của Wagner Group hơn là đầu tư ồ ạt vào châu lục này.

Tuy nhiên, sự hiện diện của 1 công ty quân sự tư nhân được Điện Kremlin hậu thuẫn tại 2 quốc gia ở khu vực châu Phi tiểu Sahara có thể mở đường để Nga can dự mạnh mẽ hơn vào những nước khác tại khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục