Chuyên gia Carl Thayer nhận định về tương lai quan hệ giữa Australia và Campuchia

05:30' - 13/11/2017
BNEWS Chính phủ Australia và Campuchia đang dự định thiết lập các cuộc “Đàm phán cấp cao” nhằm tăng cường đối thoại về các lĩnh vực còn đang tồn tại trong mối quan hệ song phương.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu trong một sự kiện ở Phom Penh ngày 28/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Học viện Quốc phòng Australia, vừa có bài viết đánh giá về quan hệ Australia và Campuchia trong bối cảnh nền dân chủ của Campuchia đi xuống.

Chính phủ Australia và Campuchia dự định thiết lập các cuộc “Đàm phán cấp cao” nhằm tăng cường đối thoại về các lĩnh vực còn đang tồn tại trong mối quan hệ song phương. Các lĩnh vực của mối quan hệ song phương Australia-Campuchia hiện nay bao gồm một chương trình hợp tác quốc phòng trong đó tập trung vào việc hỗ trợ đào tạo chống khủng bố, an ninh hàng hải và đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gọi phe đối lập là khủng bố, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Australia và Campuchia.

Giáo sư Thayer lưu ý rằng Sách Trắng Quốc phòng Australia 2016 đã dành ưu tiên bảo vệ sự can dự của Australia trong khu vực. Australia can dự về an ninh, quốc phòng với Campuchia ngay trước khi thành lập Cơ quan chuyển tiếp Liên hợp quốc tại Campuchia (UNTAC) năm 1991.

Hợp tác quốc phòng, an ninh hiện tại giữa Australia và Campuchia nên được đặt trong bối cảnh này. Chương trình chống khủng bố của Australia sẽ không hỗ trợ hoặc tiếp tay cho cuộc tấn công phe đối lập của Campuchia thậm chí nếu ông Hun Sen gán cho họ là khủng bố. Nếu các đơn vị quân đội tinh nhuệ của Campuchia được Australia  đào tạo tham gia các cuộc đàn áp trong nước, Australia sẽ ngừng hỗ trợ ngay lập tức.

Dù chưa biết các cuộc đàm phán mới tới đây sẽ tập trung vào chủ đề gì, nhưng nếu các cuộc diễn tập chống khủng bố giữa hai nước được nối lại thì nó sẽ tập trung vào các chiến thuật ngăn chặn những tay súng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trở về khu vực.

Nếu ông Hun Sen tiếp tục đàn áp phe đối lập, thì nhiều khả năng sẽ có một làn sóng phản đối ở Australia. Nhưng thời điểm hiện tại cả chính phủ và phe đối lập ở Australia yên tĩnh bất thường.

Tình hình cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya (ở Myanmar) và cuộc bao vây Marawi (ở Philippines) đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Australia. Và vì thế những diễn biến tại Campuchia ít nhiều cũng đã nhận được sự chú ý của dư luận Australia.

Cựu Phó Thủ tướng Australia, ông Barnaby Joyce, đã từ chức do bê bối liên quan tới việc sở hữu hai quốc tịch. Ảnh: ABC News/TTXVN

Chính phủ Australia đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị trong nước khi bảy thành viên của Quốc hội, trong đó có Phó Thủ tướng Barnaby Joyce, buộc phải rời khỏi Quốc hội vì Tòa án Tối cao phán quyết rằng họ giữ hai quốc tịch.

Theo Hiến pháp Australia, các chính trị gia sẽ không đủ tư cách được bầu vào Quốc hội nếu họ có từ hai quốc tịch trở lên. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop là một nhân vật chủ chốt trong Đảng Tự do cầm quyền và mới được bầu làm Phó Thủ tướng. Phe đối lập đang cố gắng ghi điểm vào lúc này.

Trong bối cảnh tình hình chính trị ở Campuchia và Australia, Canberra đã không có dấu hiệu cụ thể nào để gây áp lực lên Campuchia, hoặc ít nhất cho đến khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Australia vào đầu năm 2018.

Theo Giáo sư Thayer, Australia muốn có quan hệ tốt với tất cả 10 nước thành viên ASEAN, bao gồm cả Campuchia, vì lợi ích của nước này. Australia cũng không muốn Campuchia bị cô lập và để rồi bị đẩy hoàn toàn về phía Trung Quốc. Australia dường như đang đánh giá những hành động nào cần thực hiện sau những động thái của Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và những nước khác đối với Campuchia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục