Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vào chuỗi cung ứng lương thực

14:48' - 26/05/2016
BNEWS Việc phát triển các chuỗi cung ứng có vai trò đặc biệt quan trọng trong thương mại quốc tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại "Hội thảo APEC về tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào Chuỗi cung ứng lương thực". Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Ngày 26/5, tại Hà Nội Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức “Hội thảo APEC về tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào Chuỗi cung ứng lương thực”.

Đây là các nỗ lực của Việt Nam nhằm đóng góp cho các hoạt động hợp tác chung của APEC về an ninh lương thực và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Khái niệm về chuỗi cung ứng nói chung và về chuỗi cung ứng lương thực nói riêng ngày càng trở nên phổ biến trong sản xuất, kinh doanh và thương mại quốc tế.

Khi tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng càng sâu sắc hơn, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong các công đoạn sản xuất và cung cấp dịch vụ ngày càng lớn trong cùng một chuỗi cung ứng.

Theo đó, việc cạnh tranh trong tương lai sẽ không chỉ là sự cạnh tranh giữa bản thân các công ty, mà là giữa các chuỗi cung ứng với nhau.

Vì vậy, việc phát triển các chuỗi cung ứng có vai trò đặc biệt quan trọng trong thương mại quốc tế, khi chúng giúp giảm sự bất cân đối về thông tin giữa các khâu, giảm chi phí giao dịch, cũng như gia tăng sự liên kết thông tin giữa các bên và cải thiện tỷ lệ đáp ứng với sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Trong lĩnh vực lương thực, người ta thường đề cập tới khái niệm “chuỗi cung ứng từ hạt giống đến kệ bán hàng”, nghĩa là toàn bộ khâu sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ được thực hiện một cách toàn diện, quy củ theo một chu trình khép kín.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong thương mại quốc tế hiện nay, việc xây dựng và phát triển các chuỗi lương thực cạnh tranh là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo an ninh, an toàn lương thực và gia tăng lợi nhuận cho các nhà sản xuất, cung cấp và vận chuyển lương thực đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

Diễn giả Martin Hingley (giữa) đến từ trường Đại học Thương mại Lincoln (Anh) trình bày tại Hội thảo. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo các thành viên khối APEC, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi các phân khúc đầu vào - đầu ra, cũng như phát triển chuỗi giá trị một cách toàn diện và trong từng khâu của chuỗi.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại gặp nhiều khó khăn trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng như thiếu vốn, trình độ quản lý và công nghệ thấp, chất lượng lao động nhiều hạn chế, nhận thức về hội nhập còn yếu và thiếu...

Do vậy, việc Chính phủ cùng chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu là nhu cầu cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh quá trình mở cửa nền kinh tế và hội nhập với thương mại khu vực và quốc tế đang tạo ra những cơ hội thuận lợi cho việc tăng cường tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu của các doanh nghiệp của các thành viên APEC.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và tìm ra các giải pháp chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia một cách hiệu quả vào chuỗi cung ứng lương thực khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần duy trì sự ổn định về an sinh xã hội và thịnh vượng chung của khu vực.

Mỗi nền kinh tế có đặc thù địa, chính trị và thương mại riêng, thế mạnh và khó khăn riêng trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng lương thực, vì vậy việc tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm đóng vai trò then chốt trong quá trình hợp tác chính sách của khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục