Hồi sinh TPP đem lại cơ hội lớn cho Canada

07:05' - 09/11/2017
BNEWS Bài phân tích đăng trên trang web của Quỹ châu Á-Thái Bình Dương Canada (APF Canada) nhận định rằng tương lai thương mại của Canada phụ thuộc nhiều vào thành công của TPP.
Các trưởng đoàn đàm phán của 11 nước thành viên TPP tại vòng đàm phán ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 22/9. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Bài viết cũng cho rằng quốc gia Bắc Mỹ này cần có tầm nhìn xa hơn nước láng giềng phía Nam trong việc nắm bắt những cơ hội lớn từ việc hồi sinh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang đối mặt với tương lai bấp bênh do chính sách bảo hộ cứng rắn và thái độ khó đoán của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Canada cần thúc đẩy thương mại vượt ra khỏi khuôn khổ NAFTA và vươn tới những khu vực có tiềm năng kinh tế lớn.

Một trong số đó là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Canada không chỉ được hưởng nhiều lợi ích từ việc tham gia TPP 11 (không có Mỹ), mà còn có cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn thông qua việc thiết lập Thoả thuận Thương mại Tự do (FTA) song phương.

Theo ông Carlo Dade, Giám đốc Trung tâm Đầu tư và Thương mại thuộc Quỹ Tây Canada (CWF), TPP 11 là “ưu tiên tất yếu” của quốc gia Bắc Mỹ này và trong Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 (APEC 2017) trong tháng 11 ở Việt Nam, Canada cần nắm giữ vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy TPP.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Canada bên lề hội nghị về quan hệ Canada-ASEAN mới đây, Tiến sĩ Paul Evans thuộc Viện nghiên cứu châu Á, Đại học British Columbia, cho rằng Canada sẽ là bên được thụ hưởng nhiều lợi ích nhất từ TPP 11. Theo ông, thông qua TPP 11, các doanh nghiệp của Canada sẽ được tiếp cận với một thị trường rộng lớn nhiều tiềm năng và đặc biệt sẽ có nhiều lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh Mỹ ở sân chơi châu Á - Thái Bình Dương.

Trong một hội thảo bàn tròn được CWF phối hợp với Quỹ châu Á-Thái Bình Dương của Canada (APF Canada) tổ chức hồi tháng 6 vừa qua, các chuyên gia và học giả cũng đã lập ra một danh sách các ưu tiên thương mại định hình cho nghị trình thương mại quốc gia. Theo đó, TPP 11 nên trở thành ưu tiên chính của Canada, bên cạnh các nỗ lực tái đàm phán NAFTA và thúc đẩy FTA với Trung Quốc.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (ảnh) thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 8-9/11 và tham dự các hoạt động trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài TPP 11, Canada cũng nên thể hiện rõ quan điểm đặt châu Á là mục tiêu ưu tiên trong phát triển các thị trường mới của mình. Những gợi ý của hội thảo bàn tròn này đã củng cố thêm quan điểm được CWF đưa ra trong báo cáo trước đó. Báo cáo mang tựa đề “Nghệ thuật thoả thuận thương mại: Định lượng các lợi ích của TPP không có Mỹ”, trong đó nêu rõ những lợi ích và giá trị kinh tế của việc thúc đẩy TPP 11.

Theo bà Martha Hall Findlay, Chủ tịch kiêm CEO của Quỹ Tây Canada, không ai nghi ngờ vai trò quan trọng của NAFTA đối với Canada, nhưng Canada cũng không thể bỏ qua những cơ hội trong TPP 11. “TPP 11 không chỉ mở ra nhiều thị trường ở châu Á cho các sản phẩm của Canada, mà còn cho phép rút ngắn khoảng cách thỏa thuận thương mại với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực”, bà Findlay nêu rõ.

Cũng theo nữ Chủ tịch CWF, lâu nay Canada thực thi chiến lược thương mại phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ và gần như bỏ lửng khu vực châu Á. Vì thế, tin xấu cho Canada hiện nay là các cuộc tái đàm phán NAFTA có nhiều dấu hiệu bế tắc, nhưng  tin tốt là Canada không bỏ lỡ TPP 11 và vẫn đang giữ mọi việc trong tầm kiểm soát, miễn là Ottawa phải thể hiện được vai trò lãnh đạo.

Đây cũng là quan điểm của ông Stewart Beck, Chủ tịch kiêm CEO Quỹ châu Á- Thái Bình Dương Canada. Theo ông, TPP 11 sẽ cho phép Canada tiếp cận ưu đãi với 10 thị trường APEC năng động, bao gồm cả nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản.

Nếu so với các thỏa thuận thương mại quốc tế đa phương, TPP 11 không chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn mới về tự do hóa thương mại mà còn tạo cơ hội cho Canada thực hiện cam kết trở thành đối tác hợp tác công bằng trong nền kinh tế toàn cầu đang chuyển đổi hiện nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục