Thị trường bất động sản Đắk Lắk khởi sắc, nhà đầu tư thận trọng

10:33' - 18/04/2025
BNEWS Sau khoảng hơn 2 năm trầm lắng, có những thời điểm "đóng băng", thị trường bất động sản tại tỉnh Đắk Lắk từ đầu năm 2025 đến nay đã “khởi sắc”.

Sau khoảng hơn 2 năm trầm lắng, có những thời điểm "đóng băng", thị trường bất động sản tại tỉnh Đắk Lắk từ đầu năm 2025 đến nay đã “khởi sắc”, dần nhộn nhịp trở lại. Tuy nhiên, trước diễn biến thị trường, các chuyên gia, doanh nghiệp lưu ý nhà đầu tư cần thận trọng, tìm hiểu kỹ pháp lý cũng như tìm hiểu tiềm năng tăng trưởng dài hạn để có quyết định phù hợp.

 

Các bài đăng mua bán đất, nhà ở xuất hiện tần suất cao trên các trang mạng xã hội, không khí “đi xem đất” nhộn nhịp ở một số địa phương. Qua ghi nhận, thị trường chủ yếu nhộn nhịp ở thành phố Buôn Ma Thuột và một số khu vực của các huyện Cư M’Gar, Krông Pắc.

Anh Trần Xuân Danh - môi giới bất động sản tại tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhìn chung, thị trường từ đầu năm 2025 đến nay “khởi sắc”, giao dịch nhiều hơn so với năm 2024. Trung bình mỗi tháng, anh Danh đã bán được 7 - 8 lô đất, nhiều gấp 4 lần/tháng so với năm 2024. Khách mua chủ yếu đầu tư nhằm tìm kiếm cơ hội sinh lời, có một số người mua để sử dụng. Phân khúc sôi động chủ yếu là đất nền, nhà đất, đất nông nghiệp diện tích lớn. Riêng phân khúc đất nông nghiệp ven sông, suối, ruộng vẫn trầm lắng vì giá cao.

Lý giải về sự khởi sắc của thị trường, anh Đào Duy Anh Tuấn - nhân viên môi giới của một công ty bất động sản cho rằng, quý I,  địa phương khởi công xây dựng một số dự án lớn như Tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn, nhà ở (số 2 Mai Hắc Đế, thành phố Buôn Ma Thuột); Nhà máy Cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend (Khu công nghiệp Tân An); Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phú Xuân (huyện Cư M’gar)… đã kéo theo sự gia tăng giá trị của bất động sản xung quanh.

Nhà đầu tư cũng quan tâm nhiều hơn đến thị trường. Bên cạnh đó, thông tin sáp nhập đơn vị hành chính cũng đã kích thích tâm lý đầu tư. Mặt khác, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, do đó, nhà đầu tư, người dân đã mạnh dạn vay hoặc rút tiền gửi để đầu tư vào đất.

Thị trường bất động sản dần nhộn nhịp trở lại đã kéo theo giá bất động sản ở một số khu vực gia tăng. Qua tìm hiểu, giá đất khu vực trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột tăng khoảng 5%. Riêng giá đất ở các khu đấu giá tăng khả quan hơn, như tại tổ dân phố 8 (phường Tân An) tăng trung bình từ 4 tỷ đồng lên hơn 5 tỷ đồng/lô; khu Tân Phong (phường Tân Hòa) tăng trung bình từ 2,2 tỷ đồng lên 3,2 tỷ đồng/lô tùy vị trí...

Người dân đến các văn phòng đăng ký đất đai làm thủ tục hành chính tăng cao. Trong quý I/2025, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Buôn Ma Thuột đã tiếp nhận và giải quyết 16.659 hồ sơ thủ tục hành chính, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 3/2025, chi nhánh đã tiếp nhận 6.156 hồ sơ, tăng 36% so với tháng 3/2024. Một số loại hồ sơ tăng cao như: cung cấp thông tin đất đai, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký giao dịch bảo đảm…

Để hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Buôn Ma Thuột đã tăng cường nhân lực, tăng cường thời gian làm việc, tích cực hỗ trợ, giải quyết đáp ứng nhu cầu của công dân. Bên cạnh đó, từ ngày 1/4/2025, chi nhánh triển khai thực hiện mô hình “Hỗ trợ, liên thông giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai giữa Tổ chức hành nghề công chứng - Văn phòng Đăng ký đất đai - cơ quan Thuế” của Sở Nông nghiệp và Môi trường, cung ứng dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân.

Các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm 2025 thị trường khu vực này sẽ tiếp tục nhộn nhịp, có triển vọng. Cùng với các dự án vừa được khởi công, hạ tầng tiếp tục được tập trung đầu tư triển khai như cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hoà, Hồ thủy lợi Ea Tam, đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột... Việc chọn tỉnh Đắk Lắk là trung tâm chính trị - hành chính sau sáp nhập, hợp nhất… cũng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng, thị trường vẫn luôn có những yếu tố không chắc chắn. Việc theo dõi sát sao tình hình và các yếu tố ảnh hưởng, đặc biệt là tâm lý người mua, người bán trên thị trường là rất quan trọng. Đây cũng là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư cân nhắc quay lại thị trường. Nhưng trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính, thị trường vẫn cần thêm thời gian để ổn định và phát triển bền vững.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Kế, thị trường bất động sản Đắk Lắk đã bước qua “vùng đáy” và có khả năng phục hồi tích cực vào cuối năm nay. Tuy nhiên, để thị trường bất động sản dần ổn định và đi vào quỹ đạo phát triển bền vững, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh quy trình cấp phép dự án, cấp Giấy chúng nhận Quyền sử dụng đất; minh bạch hóa các thủ tục hành chính để giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp; đồng thời quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn và phải nhất quán giữa các quy hoạch như quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. Ngoài gia, cần quản lý chặt chẽ lực lượng tham gia trong lĩnh vực bất động sản. Những cá nhân tham gia trong lĩnh vực bất động sản phải được đào tạo bài bản và phải có chứng chỉ hành nghề, tránh tình trạng đồn thổi tạo sốt đất ảo nhằm thao túng thị trường.

“Doanh nghiệp cần cơ cấu lại sản phẩm, chuyển hướng sang phân khúc có nhu cầu thực như nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội thay vì tập trung vào phân khúc cao cấp. Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng tính minh bạch, công khai thông tin dự án, năng lực tài chính, tiến độ thực hiện để có niềm tin từ nhà đầu tư và khách hàng; đa dạng hóa nguồn vốn thay vì quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng nhằm giảm rủi ro tài chính. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh linh hoạt để giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững hơn” - ông Nguyễn Văn Kế nhấn mạnh.

Giai đoạn “sốt đất” 2021 - 2022 tại Đắk Lắk đã để lại một số hệ lụy về tranh chấp, khiếu kiện đất đai. Có khu vực sốt giá ảo, người mua hoặc người bán bị “cò” đất lừa đảo. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư cần tìm hiểu, kiểm tra kỹ về pháp lý và quy hoạch trước khi giao dịch.

Để tránh tình trạng sốt đất ảo và nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, UBND huyện Cư M’Gar đã chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng chức năng tăng cường quản lý về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Đồng thời, UBND huyện đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện tăng cường công tác quản lý, xem xét xử lý hồ sơ đất đai.

UBND cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật khác có liên quan; thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý dứt điểm vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản trái phép (nếu có) theo quy định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục