Kinh tế Mỹ và Cuba chịu thiệt thòi từ các biện pháp thắt chặt

06:03' - 22/11/2017
BNEWS Hệ quả sắp tới từ những biện pháp thắt chặt cấm vận của Mỹ chống Cuba sẽ làm tổn hại nền kinh tế Cuba, tuy nhiên, thành phần kinh tế tư nhân của Mỹ cũng sẽ chịu thiệt thòi từ quyết định này.
Đại sứ quán Mỹ tại La Habana, Cuba ngày 3/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo mạng OnCuba, ngày 9/11 vừa qua, các biện pháp thắt chặt cấm vận của Mỹ chống Cuba đã bắt đầu có hiệu lực, bao gồm các biện pháp hạn chế hoạt động đi lại Cuba của người dân Mỹ cũng như những mối liên hệ kinh doanh của các thực thể Mỹ với các tổ chức, doanh nghiệp Cuba có liên quan tới các Lực lượng vũ trang và tình báo Cuba.

Các nhà phân tích từ cả hai phía nhận định rằng hệ quả sắp tới từ những biện pháp này sẽ làm tổn hại nền kinh tế Cuba, cả thành phần kinh tế nhà nước lẫn các thành phần phi nhà nước. Đáng chú ý là thành phần kinh tế tư nhân mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn tuyên bố sẽ bảo vệ là một trong những thành phần chịu thiệt thòi nhất từ quyết định này.

Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm cấm các thực thể Mỹ được kinh doanh với tập đoàn Gaesa (thuộc quân đội Cuba), chủ sở hữu của Gaviota, doanh nghiệp du lịch lớn nhất đảo quốc Caribe này với 83 khách sạn và 5 hải cảng du thuyền, hay Cimex, công ty sở hữu mạng lưới bán lẻ rộng lớn nhất Cuba và kiểm soát khoảng 10% trao đổi thương mại của đảo quốc này.

Gaesa cũng nắm một phần trong Etecsa, tập đoàn nhà nước độc quyền trong lĩnh vực truyền thông cho dù doanh nghiệp này không nằm trong số 179 tổ chức bị liệt vào “danh sách đen” mà Washington công bố. Tầm ảnh hưởng của tập đoàn quân đội làm kinh tế này cũng lan tới Đặc khu phát triển Mariel, dự án “sao Bắc Đẩu” của La Habana trong việc thu hút vốn nước ngoài này cũng đã bị đưa vào danh sách cấm.

Tiến sĩ Juan Triana thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Cuba nhận xét rằng bất chấp các lệnh cấm này, hoạt động kinh doanh của Gaesa không bị tổn hại quá nhiều, khi mà trao đổi của tập đoàn này với các doanh nghiệp Mỹ là “không đáng kể”.

Nhà kinh tế học này cũng nói rõ Gaesa có “trọng lượng lớn, đặc biệt trong du lịch”, nhưng không kiểm soát các chuỗi khách sạn quan trọng khác của Cuba như Cubanacan hay Gran Caribe, những nơi mà khách Mỹ vẫn “được phép” lưu trú.

Ngoài ra, “khoảng 70% nền kinh tế Cuba dựa trên những lĩnh vực không nằm trong phạm vi của tập đoàn này, như ngành mía đường, khai thác nikel, sản xuất rượu và xì gà, ngành công nghệ sinh học hay khai thác dầu khí”.

Theo nhận định của ông Triana, những biện pháp trừng phạt mới của chính quyền Trump sẽ tác động mạnh nhất tới khoảng nửa triệu người “khởi nghiệp” hay lao động tự doanh tập hợp trong thành phần kinh tế tư nhân non trẻ của Cuba, thành phần cung cấp việc làm gián tiếp cho 25% lực lượng lao động của đảo quốc này.

Thái độ của Mỹ trong trường hợp này là “hoàn toàn ngây thơ” khi khẳng định rằng mục tiêu của họ là “hối thúc Chính phủ Cuba tiến tới sự tự do chính trị và kinh tế lớn hơn cho nhân dân Cuba”.

Tiến sĩ Triana phân tích: “Nếu họ gây khó khăn cho người Mỹ tới thăm Cuba, thì những người gánh chịu thiệt hại trực tiếp nhất là những lao động tự doanh có nhà hàng hoặc phòng trọ cho thuê, những người sống dựa cơ bản vào du lịch”.

Mặc dù vẫn duy trì 12 hạng mục du hành mà người dân Mỹ có thể đăng ký để đi Cuba trong bối cảnh du lịch tự do vẫn luôn bị cấm đoán từ nửa thế kỷ qua, chính quyền Trump đã xóa bỏ tiểu mục cá nhân trong hạng mục du hành “giao lưu nhân dân”, vốn là tiểu mục được áp dụng nhiều nhất do chi phí rẻ nhất mà mất ít thủ tục  nhất. Giờ đây, người Mỹ chỉ có thể thăm Cuba theo những nhóm do các công ty du lịch tổ chức theo những điều kiện mà Washington áp đặt.

Bất chấp những hành động thù địch của ông Trump, Mỹ hiện vẫn là thị trường cung cấp du khách lớn thứ 2 của Cuba. Theo số liệu của chính các hãng du lịch Mỹ, năm 2016, số du khách Mỹ tới “hòn đảo tự do” này là 285.000 người và trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 400.000 người.

Collin Laverty, Chủ tịch hãng Cuba Educational Travel - chuyên tổ chức các chuyến đi hợp pháp tới Cuba - khẳng định: “Bất chấp chính sách của Washington, chúng tôi vẫn không nhận thấy sự giảm sút nào về nhu cầu. Nhiều người Mỹ vẫn mong muốn tìm hiểu văn hóa giàu bản sắc và lịch sử Cuba”.

Tương tự như Tiến sĩ kinh tế Triana, doanh nhân này cũng cho rằng thành phần kinh tế chịu nhiều thiệt hại nhất từ những biện pháp mới đây của Mỹ là những cá thể kinh doanh dịch vụ du lịch tại Cuba, những người từng hưởng lợi nhất từ đà tăng trưởng các chuyến đi dưới danh nghĩa cá nhân trước đây từ Mỹ.

Ông Laverty nói: “Nhiều khách Mỹ lựa chọn những phòng trọ thuê lẻ qua trang AirBnb, ăn tại các nhà hàng tư nhân và trực tiếp thuê lái xe cùng hướng dẫn riêng”.

Tại Cuba, hiện có khoảng 21.000 nhà trọ cho thuê và 2.000 quá ăn tư nhân, những dịch vụ từng được mô tả là “lan nhanh như thuốc súng bắt lửa” trong 3 năm qua với lượng du khách quốc tế tăng trưởng bùng nổ mỗi năm 2 con số.

Điều này là nhờ quá trình cải thiện quan hệ giữa La Habana và Washington. Với nhận định này, ông Laverty cũng chia sẻ cách đánh giá của nhiều nhà phân tích rằng chính sách thù địch mới của chính quyền Mỹ với đảo quốc Caribe này là  “phản tác dụng”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục