Người dân Anh không muốn “tay trắng” rời EU

11:54' - 07/03/2017
BNEWS Theo kết quả thăm dò dư luận do hãng nghiên cứu-tư vấn BMG công bố hôm 6/3, đa số người dân Anh phản đối mạnh mẽ kế hoạch rời khỏi EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.
Người dân anh phản đối kế hoạch Brexit "cứng" . Ảnh: FrenchEntrée

Cuộc thăm dò chỉ ra rằng có 38% dân chúng Anh nhất trí với cách thức mà Thủ tướng Theresa May xử lý vấn đề Brexit cho đến thời điểm này, và 33% không nhất trí. Tuy nhiên, trong trường hợp Quốc hội bác bỏ những điều khoản mà bà May đạt được với EU, thì đa số người dân Anh phản đối mạnh mẽ kế hoạch "Brexit cứng" của Chính phủ.

Ngay cả những cử tri vốn trung thành với đảng Bảo thủ cầm quyền cũng không đồng ý với khả năng rời EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Họ cho rằng nước Anh thà ở lại EU hoặc nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận mới, nếu Quốc hội phủ quyết hoàn toàn những gì mà bà May đạt được với lãnh đạo EU.

Khi được hỏi về bước đi tiếp theo nếu Quốc hội bác bỏ thỏa thuận của bà May, chỉ có 25% số người tham gia cuộc thăm dò cho rằng nước Anh nên rời EU mà không cần biết đến tương lai mối quan hệ giữa hai bên và sử dụng luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để buôn bán với châu Âu.

Trong khi đó, có 27% cho rằng bà May nên cố gắng tái đàm phán với EU, 14% cho rằng Anh nên ở lại EU trên cơ sở những điều khoản mới, và 15% cho rằng Anh nên ở lại EU với những điều khoản hiện hành.

Tổng cộng, có đến 56% số người được hỏi phản đối việc rời EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Đối với các cử tri của đảng Bảo thủ, có 38% ủng hộ "Brexit cứng" trong khi 38% nhất trí đàm phán lại và 18% cho rằng Anh nên tiếp tục ở lại EU.

Phương châm “không thỏa thuận nào còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi” của Thủ tướng May đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ. Cựu Thủ tướng John Major hồi tuần trước cho rằng “tay trắng” rời EU là kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Thượng viện Anh được kỳ vọng sẽ bỏ phiếu dự luật sửa đổi Brexit sau khi yêu cầu Chính phủ Anh chỉnh sửa. Nếu được thông qua, tiến trình Brexit sẽ lại bị trì hoãn. Trong khi đó, Thủ tướng Theresa May đang chịu sức ép phải thông qua dự luật trên một cách nhanh chóng và đúng hạn kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, qua đó khởi động các cuộc đàm phán chính thức với EU vào cuối tháng Ba này.

>>> Nhiều chông gai trong tiến trình Brexit

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục