Nhà sáng lập Facebook thừa nhận gây tổn thương niềm tin của người dùng

11:04' - 22/03/2018
BNEWS Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận vụ việc trên đã gây ra tổn thương nghiêm trọng tới niềm tin của người dùng, đồng thời gửi lời xin lỗi đến người sử dụng.
Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: AFP/TTXVN

Facebook đã phạm sai lầm trong việc bảo vệ thông tin của 50 triệu người sử dụng, và cam kết sẽ có biện pháp cứng rắn hơn nhằm siết chặt việc các nhà lập trình tiếp cận được những thông tin này.

Đây là phản ứng đầu tiên của Facebook trong bối cảnh uy tín của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vụ bê bối rò rỉ dữ liệu gây chấn động dư luận.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNN ngày 21/3, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg  thừa nhận vụ việc trên đã gây ra tổn thương nghiêm trọng tới niềm tin của người dùng, đồng thời gửi lời xin lỗi đến người sử dụng.

Ông nhấn mạnh bảo mật thông tin khách hàng là trách nhiệm cơ bản của Facebook. Theo nhà sáng lập Facebook, hãng này sẵn sàng tuân thủ quy định siết chặt của chính phủ sau sự việc này và ông "vui vẻ" ra điều trần trước Quốc hội Mỹ trong trường hợp ông là người phải chịu trách nhiệm.

Ông Zuckerberg cho hay trang mạng lớn nhất thế giới này đã cam kết không can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới tại Mỹ và các cuộc bầu cử tại Ấn Độ cũng như Brazil.

Trước đó, trên dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân, ông Zuckerberg viết hãng "đã phạm sai lầm, cần phải làm nhiều việc, chúng tôi cần cải tiến và thực hiện điều này".

Theo ông, Facebook sẽ có các biện pháp mới nhằm ngăn chặn việc các nhà phát triển ứng dụng hay các ứng dụng của bên thứ ba có thể tiếp cận thông tin của người sử dụng, đồng thời trao nhiều công cụ hơn cho khách hàng nhằm bảo vệ thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, hãng cũng đang lên kế hoạch điều tra những ứng dụng chạy trên nền tảng của mình.

Ông Zuckerberg đồng thời thẳng thắn thừa nhận công tác bảo mật thông tin khách hàng cần phải được đầu tư nhiều hơn nữa, dù đã có nhiều biện pháp bảo mật thông tin kể từ năm 2014.

Ngay sau dòng trạng thái trên, giá trị cổ phiếu của Facebook chốt ngày 21/3 đã phục hồi 0,7% sau khi giảm liên tiếp trong hai phiên giao dịch trước đó. Như vậy, trong 3 ngày qua, giá trị tài sản của Facebook trên thị trường chứng khoán đã "bốc hơi" mất 45 tỷ USD do vụ vê bối rò rỉ thông tin trên.

Facebook đang đối mặt với "búa rìu" dư luận cũng như chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Anh, Mỹ và châu Âu liên quan tới thông tin cho rằng Cambridge Analytica (CA), hãng phân tích dữ liệu của Anh được ê kíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump thuê trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, đã thu thập và sử dụng thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook.

Có thông tin rằng doanh nghiệp này đã thu thập thông tin trên nhằm phục vụ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump vào năm 2016.

Nhằm chứng minh cho sự vô can trong vụ bê bối này, các đại diện của Facebook đã có cuộc gặp kéo dài 2 tiếng với các thành viên Quốc hội Mỹ vào ngày 21/3 và dự kiến một cuộc gặp khác sẽ diễn ra trong ngày 22/3 tại Đồi Capitol.

Trong khi đó, cựu nhân viên của CA, Christopher Wylie, người đã tiết lộ vụ thu thập trái phép dữ liệu trên, đã chấp nhận ra điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ và Anh.

Facebook khẳng định công ty bị xúc phạm nghiêm trọng và là nạn nhân của vụ lừa gạt. Tuyên bố trên của Facebook nhằm chĩa mũi nhọn chỉ trích về phía CA. Hiện Facebook đang chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Anh, Mỹ và châu Âu về cam kết vào bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng và những biện pháp xử lý phù hợp khi phát hiện việc dữ liệu bị đánh cắp./.

>>>Thêm tình tiết mới trong vụ bê bối của Facebook và Cambridge Analytica

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục