Nhiều rủi ro khi Tổng thống đắc cử Mỹ tìm cách "xóa sổ" Obamacare

20:31' - 13/01/2017
BNEWS Chính trường Mỹ đang nóng lên với “cuộc chiến” về đạo luật chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Barack Obama, cho thấy cán cân quyền lực tại Washington có thể có những thay đổi lớn trong thời gian tới.
Rủi ro khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tìm cách xóa sổ Obamacare. Ảnh: Liberty News

Các thành viên đảng Dân chủ cho rằng họ đã thua trong cuộc vận động dư luận về Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (PPACA), hay còn gọi là Obamacare. Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội này để đẩy đảng Dân chủ vào thế thiểu số. Tuy nhiên, khi nhiệm kỳ của Tổng thống Obama sắp kết thúc, đảng Dân chủ đã tỏ rõ quyết tâm ngăn chặn việc đạo luật này bị hủy bỏ và thay thế bằng một đạo luật mới.

Về phía đảng Cộng hòa, họ hoàn toàn nhận thức được sự mạo hiểm khi tìm cách hủy bỏ Obamacare và thay thế bằng một đạo luật khác. Nếu đảng Dân chủ thuyết phục được người dân về những lợi ích của Obamacare và sự cần thiết phải duy trì các đạo luật này thì đảng Cộng hòa sẽ nhận về rất nhiều rắc rối.
Cuộc chiến này đang khiến chính trường Mỹ đứng trước nhiều bất ổn khó lường, sau 7 năm đảng Dân chủ thông qua Obamacare nhờ chiếm thế đa số tại lưỡng viện Quốc hội.

Thực tế là sự phản đối của các cử tri đã khiến đảng Dân chủ trở thành phe thiểu số tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010, và đảng Cộng hòa đã dùng vấn đề này để tạo lợi thế về mặt chính trị cho mình. Trong các cuộc bầu cử hồi tháng 11/2016, ông Donald Trump cùng các ứng cử viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện đều tranh cử với các cam kết xóa sổ Obamacare và thay thế nó bằng một đạo luật hợp lý hơn.

Nhiều người cho rằng giờ là lúc đảng Dân chủ “phản đòn”, mặc dù họ vẫn tiếp tục ca ngợi đạo luật chăm sóc sức khỏe này là một chính sách hiệu quả, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội. Trong khi đó, đảng Cộng hòa, những người từng đạt được thành tựu về mặt chính trị khi chỉ trích đạo luật này dù chưa hề đưa ra bất kỳ giải pháp thống nhất nào cụ thể, có cơ hội để nêu lên các quan điểm của mình và xây dựng chúng thành một chính sách hợp lý.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa lại đang đứng trước nguy cơ mất đi lợi thế chính trị nếu họ trở thành đối tượng mà các cử tri đổ lỗi cho những vấn đề và lỗ hổng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2018 và cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020.

Ngày 5/1, Thượng nghị sỹ Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, cho rằng những gì mà đảng Cộng hòa đang làm là hiện thực hóa khẩu hiệu “Khiến nước Mỹ đau ốm trở lại”, một cách nói mỉa mai về tuyên ngôn tranh cử của ông Donald Trump.

Ông nhắc lại rằng sau khi đạo luật chăm sóc sức khỏe nói trên được thông qua, các cử tri đã đổ lỗi cho nó về mọi vấn đề trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, và “các thành viên đảng Cộng hòa cùng bộ máy tuyên truyền của họ đã làm như vậy. Và giờ họ đang được nhận chính những điều ấy. Tất cả những thiếu sót và bất cập trong hệ thống chăm sóc sức khỏe đã tồn tại nhiều năm và chưa ai có thể giải quyết chúng một cách hiệu quả. Tất cả giờ sẽ thuộc về trách nhiệm của họ”.

Ông Schumer đưa ra các bình luận nói trên sau khi các nhà lập pháp của đảng Dân chủ có cuộc gặp với Tổng thống Obama để bàn về cách chống lại các nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm xóa bỏ đạo luật này, trong đó đáng chú ý phải kể đến việc các Thượng nghị sỹ Cộng hòa bất chấp sự phản đối của đảng Dân chủ đã tiến hành bỏ phiếu để cho phép mở cuộc tranh luận về nghị quyết nhằm bãi bỏ Obamacare.

Tổng thống Obama cho rằng người dân Mỹ không nên ủng hộ các kế hoạch thay thế Obamacare của đảng Cộng hòa bởi họ không đưa ra một giải pháp hiệu quả đối với chế độ dành cho 20 triệu người dân Mỹ đang nằm trong diện bảo hiểm của Obamacare, những người chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu đạo luật này bị dỡ bỏ. Ông cũng cho rằng đảng Dân chủ có trách nhiệm lớn khi không thể giúp người dân hiểu rõ về các lợi ích của đạo luật này. Ông nói: “Tôi xin nhận trách nhiệm về việc không kết nối mạnh mẽ với người dân Mỹ, để lý giải vì sao đây là một chiến thắng to lớn đối với họ”.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ Barack Obama. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong khi đó, bất chấp việc ông Obama và đảng Dân chủ tìm cách ngăn cản, Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence đã có cuộc gặp với các thành viên đảng Cộng hòa tại Đồi Capitol nhằm trấn an rằng họ sẽ thực hiện đúng và hiệu quả các cam kết nhằm thay thế đạo luật này. Ông Pence nói: “Người dân Mỹ biết rõ ai là người tạo ra Obamacare… Đó chính là ông Obama và đảng của ông ấy… Tổng thống đắc cử, và tôi, cùng các lãnh đạo Quốc hội quyết tâm giữ vững niềm tin của người dân Mỹ”.

Tuy nhiên, một số thành viên đảng Cộng hòa cho rằng tương lai chính trị của họ đang đứng trước nhiều nguy cơ nếu họ mắc sai lầm. Cho đến nay, dù đã tuyên bố sẽ nhanh chóng hủy bỏ Obamacare ngay trong tháng tới song đảng Cộng hòa trên thực tế vẫn chưa đề ra một kế hoạch thay thế hay thời hạn cụ thể để tiến hành việc làm này. Tiến trình bãi bỏ một đạo luật, và sau đó là thay thế nó bằng một đạo luật khác có thể phải mất tới cả năm, song các thành viên đảng Cộng hòa cho rằng họ cần phải hoàn tất mọi việc trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2018.

>>>Năm lần từ biệt đáng nhớ của các Tổng thống Mỹ
>>>Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump kêu gọi lập tức bãi bỏ Obamacare

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục