Thế kẹt của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump

20:30' - 12/01/2017
BNEWS Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đang cảm thấy bị “mắc kẹt” giữa một bên là mong muốn của ông trong việc cải thiện quan hệ với Nga và một bên là các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump họp báo lần đầu tiên. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đang bối rối trước hối thúc của các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa. Họ cho rằng Mỹ cần phản ứng mạnh mẽ trước kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Điện Kremlin đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vừa qua.

Việc ông Reince Priebus - Chánh Văn phòng Nhà Trắng của chính quyền sắp nhậm chức - ngầm thừa nhận sự thực rằng Nga đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào các tổ chức của đảng Dân chủ cho thấy phạm vi hành động của ông Trump có thể bị thu hẹp. Ông Trump lâu nay vẫn bác bỏ kết luận của tình báo Mỹ rằng Nga đứng sau vụ tấn công mạng trong mùa bầu cử vừa qua để giúp ông thắng cử. Ông nói rằng vụ việc đó có thể được thực hiện bởi Trung Quốc hay một tin tặc nào đó. Nga cũng phủ nhận cáo buộc này của tình báo Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi các cơ quan tình báo Mỹ đưa ra báo cáo hồi cuối tuần qua, trong đó đổ lỗi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, các chuyên gia về Nga cho rằng ông Trump sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều lời đề nghị ông phải có phản ứng quân sự, ngoại giao và kinh tế cứng rắn (đối với Nga) sau lễ nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Chuyên gia Nile Gardiner của Quỹ Di sản - cơ quan cố vấn theo quan điểm bảo thủ ở Washington có ảnh hưởng đến đội ngũ chuyển giao của ông Trump - nói: “Chính quyền mới sẽ cần phải có một quan điểm cứng rắn hơn”.

Theo các chuyên gia về Nga, các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội - những người lo sợ ông Trump thúc đẩy hòa giải với ông Putin - có thể gây sức ép khiến tân Tổng thống ngừng thực hiện điều mà nhà lãnh đạo Nga mong muốn nhất: đó là giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế được áp đặt sau vụ Nga thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014 và hậu thuẫn các phần tử li khai ở miền Đông Ukraine.

Các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng kể từ sau cuộc bầu cử, các gián điệp Nga đã chuyển sang tấn công các mạng cá nhân và tổ chức khác, bao gồm các cơ quan cố vấn quan trọng. Giới phân tích cho rằng đây là nỗ lực (của Nga) nhằm thu thập thông tin về các chính sách của Mỹ trong tương lai.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cho biết ông và Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain sẽ đề xuất một dự luật, trong đó nêu ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn hiện nay. Phát biểu trên kênh truyền hình NBC, ông Graham nói: “Chúng tôi sẽ đề xuất các biện pháp trừng phạt đánh vào ngành tài chính và ngành năng lượng, vốn được coi là điểm yếu của họ (Nga)”.

Tướng Hải quân về hưu James Mattis, người được ông Trump bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng của chính quyền mới, sẽ ra điều trần trước Thượng viện vào ngày 12/1. Ông Mattis được cho là sẽ chủ trương ủng hộ quan điểm cứng rắn hơn với Moskva. Động thái này sẽ khiến ông mâu thuẫn với Trung tướng Lục quân về hưu Michael Flynn - người được ông Trump chọn làm Cố vấn An ninh Quốc gia và từng có quan hệ thân thiết với chính quyền của ông Putin, cũng như ông Rex Tillerson - người được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng và có quan hệ thương mại gần gũi với Nga khi giữ chức Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí ExxonMobil.

Nếu ông Mattis thúc đẩy cách tiếp cận cứng rắn hơn với Nga, điều đó có thể khiến Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu. Giới phân tích cho rằng các hoạt động đó có thể bao gồm việc củng cố lực lượng của Mỹ ở các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã có kế hoạch triển khai thêm 4.000 binh sĩ, cùng các máy bay, xe tăng và pháo tới 3 quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết ở vùng Baltic và Ba Lan trong năm nay.

Một nhà ngoại giao châu Âu nói: “Các nước châu Âu trong NATO hiện rất lo ngại về ông Trump. Bất kỳ thỏa thuận lớn nào với Nga có thể làm thay đổi hoàn toàn định hướng của NATO và đe dọa sự đoàn kết của châu Âu. Tuy nhiên, chúng tôi không mong chờ điều đó. NATO đang tìm cách trấn an các đồng minh ở Baltic, và Mỹ là một phần quan trọng của lá chắn NATO”.

Những người ủng hộ chủ trương đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn với Nga cho rằng Mỹ cần tiến hành tấn công mạng trả đũa Nga, và có thể thông qua việc công khai các thông tin tài chính để gây tổn hại đến một số cố vấn và phó tướng thân cận của ông Putin. Đến nay, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn kiềm chế thực hiện những hành động như vậy, bởi lo sợ rằng điều này có thể dẫn đến leo thang chiến tranh mạng, gây đe dọa cơ sở hạ tầng quan trọng cho các giao dịch tài chính và truyền dẫn năng lượng.

Mặc dù ông Trump nói rằng Mỹ cần “tiến tới những điều vĩ đại và tốt đẹp hơn” sau khi tình báo Mỹ tiết lộ vụ tấn công mạng của Nga, nhưng có vẻ như các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa và Dân chủ khó có thể sớm bỏ qua vấn đề này.

Các chuyên gia cho rằng việc theo dõi sát sao các hành động của Nga sẽ diễn ra cùng thời điểm chính quyền của ông Trump bắt đầu vạch ra chiến lược toàn diện đối với cựu thù thời Chiến tranh Lạnh. Có thể sẽ mất vài tuần hoặc lâu hơn người ta mới có thể biết rõ về chiến lược thực sự của ông Trump đối với Nga. Heather Conley, chuyên gia về châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói: “Cho đến khi nội các mới được lập ra, tôi cho rằng chúng ta sẽ chưa có câu trả lời rõ ràng”.

>>>FBI không thấy bằng chứng Nga can thiệp chiến dịch tranh cử của ông D.Trump

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục