Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Malaysia

07:16' - 20/07/2018
BNEWS Dù biện pháp cải cách của chính phủ Thủ tướng Mahathir Mohamad dẫn đến bất ổn tài chính, giới phân tích tỏ ra tích cực về triển vọng kinh tế nước này trong nửa đầu của quá trình cải cách 100 ngày.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Chiến thắng của liên minh Đảng Pakatan Harapan (PH) trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 (GE14) của Malaysia hôm 9/5 đã khiến thị trường nước này bất ngờ, qua đó kích hoạt một số làn sóng bán tháo của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu và chứng khoán Malaysia.

Tâm lý của giới đầu tư cũng bị tác động khá nhiều bởi những thông tin tiêu cực: Nợ công của Malaysia được cho là đã tăng lên 1.000 tỷ ringgit (247,6 tỷ USD), những tin tức về vụ bê bối tham nhũng của quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB), suy thoái trong ngành xây dựng sau khi chính phủ mới xem xét lại các dự án lớn, và nguồn thu suy giảm sau khi thuế dịch vụ của chính phủ GST bị bãi bỏ.

Theo báo cáo của bộ phận nghiên cứu thuộc ngân hàng đầu tư Hong Leong (HLIB), các quyết sách về tăng thuế nhập khẩu của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể ảnh hưởng tiêu cực tới đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến ngân hàng này điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong cả năm 2018 từ 3,9% xuống 3,8%.

HLIB cho rằng, với sự mở cửa của thương mại Malaysia, những rủi ro từ căng thẳng thương mại toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của các doanh nghiệp nước này.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, đẩy hai nước tiến gần hơn một cuộc chiến thương mại mà theo dự đoán sẽ gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu. Theo HLIB, nếu các tranh chấp về thuế quan liên quan tới càng nhiều nền kinh tế chủ chốt, với quy mô lớn hơn, thì tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế thế giới càng đáng lo ngại.

Nhìn chung, HLIB dự báo kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng ở mức trung bình trong năm nay, song triển vọng dài hạn của nước này là tích cực sau khi việc không sử dụng hiệu quả nguồn lực của chính phủ trong quá khứ được giải quyết.

Những cải cách của Kuala Lumpur bao gồm việc loại bỏ GST và tái áp dụng trợ cấp nhiên liệu. Ngoài việc cắt giảm chi tiêu công, chính phủ mới dự kiến sẽ áp dụng lại thuế buôn bán và dịch vụ (SST) vào tháng Chín nhằm thu về 4 tỷ ringgit.

Dự kiến mức cổ tức cao hơn từ các công ty liên kết với chính phủ cũng sẽ giúp Kuala Lumpur thu thêm 5 tỷ ringgit, bên cạnh nguồn thu 5,4 tỷ ringgit nhờ giá dầu cao hơn.

Trong khi việc loại bỏ GST sẽ dẫn đến nguồn thu của Malaysia thiếu hụt 21 tỷ ringgit, chính phủ nước này cũng đã công bố một loạt các chính sách hợp lý hóa chi tiêu. Dự kiến những chính sách này sẽ giúp chính phủ tiết kiệm khoảng 10 tỷ ringgit.

Công ty tư vấn đầu tư Affin Hwang Capital Research trong một báo cáo mới đây đã tỏ ra khá lạc quan về các chính sách của chính phủ mới và nhận định rằng những cải cách về pháp lý và quy định sẽ giúp quốc gia này “vững chân” hơn.

Công ty này cũng tin tưởng rằng tăng trưởng kinh tế của Malaysia có thể nhận được trợ lực trong dài hạn, và những thay đổi tích cực sẽ dẫn đến sự cải thiện trong môi trường đầu tư tại quốc gia Đông Nam Á này.

Đối với các nhà nghiên cứu nước ngoài, chính phủ mới của Malaysia đã nhanh chóng giải quyết những lo ngại của thị trường bằng cách thắt chặt quản lý tài chính và kiểm soát chặt chẽ hơn chi tiêu của chính phủ.

Theo bà Mara Warwick, quan chức cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng ngắn hạn của Malaysia và các yếu tố kinh tế cơ bản vẫn khá ổn định và tạo ra một nền tảng vững chắc để chính phủ thực hiện các chương trình nghị sự. Bà dự đoán tăng trưởng kinh tế của Malaysia dự kiến sẽ duy trì ở mức 5,4% vào năm 2018.

Ngoài ra, bà Maeea Warwick nhận định, với tư cách là một nền kinh tế định hướng thương mại mở ở trung tâm của khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, Malaysia sẽ tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường toàn cầu về hàng hóa xuất khẩu của họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục