14 cách chào hỏi độc đáo trên thế giới

13:50' - 28/03/2017
BNEWS Cách thức chào hỏi là hành động thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với người khác. Chúng ta cùng tìm hiểu nhiều cách chào hỏi khác nhau trên thế giới.

Cách thức chào hỏi ở mỗi quốc gia rất khác nhau. Hành động này thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với người khác, do đó việc áp dụng văn hoá chào hỏi ở nước ngoài trong khi đi du lịch sẽ là một cử chỉ đẹp đối với người bản địa.

Việc cơ bản khi chúng ta gặp gỡ một ai đó là chào hỏi. Trên thế giới, cách chào hỏi có muôn hình vạn trạng kiểu, tùy theo từng phong tục tập quán ở mỗi đất nước, mỗi vùng miền.

Ở một số nơi có những cách chào hỏi vô cùng đặc biệt, ví dụ như ở Tây Tạng, người ta… thè lưỡi để chào hay ở Ả rập Xê-út, họ sẽ… cụng mũi với nhau. Nhưng cách chào hỏi phổ biến nhất vẫn là bắt tay, vẫy tay và cúi chào.

New Zealand

Người Maori ở New Zealand chào nhau bằng một cử chỉ truyền thống gọi là “Hongi”. Mọi người sẽ nhẹ nhàng chạm mũi và trán vào nhau để cảm nhận hơi thở của người đối diện.

Lời chào hỏi đầy ngọt ngào của hai em nhỏ người New Zealand.

Ả-rập Xê-út

Tại Ả-rập Xê-út, người ta sẽ bắt tay nhau và nói cụm từ “As-salamu alaykum” nghĩa là “Bình an ở cùng bạn”. Thường thì sau đó họ sẽ hôn mũi và đặt một tay lên vai của người đối diện. Tuy nhiên đây là cách dành cho những người thân thiết thôi bạn nhé!

Người Ả rập rất coi trọng nghi lễ và thường xét nét tất cả những biểu hiện bề ngoài.

Vì thế, người nước ngoài khi chào hỏi hay làm quen với người Ả rập nên rất thận trọng và cần hành xử theo phương châm: nếu hiểu biết chắc chắn phong tục tập quán của họ thì hãy biểu hiện ra ngoài, còn nếu không thì tốt nhất nên kiềm chế bày tỏ thái độ.

Sự rụt rè, e ngại khi giao tiếp, làm quen thậm chí còn được người Ả rập coi là chín chắn và tôn trọng chủ nhà.

Hôn mũi là một lời chào ở Ả Rập Xê-út, đừng hiểu lầm nhé!

Botswana

Ở Botswana, bạn phải làm theo một loạt các bước dưới đây để chào hỏi người khác: đầu tiên bạn chìa tay phải ra, tay trái đồng thời đặt lên khuỷu tay phải của mình, tiếp đó là động tác bắt tay điển hình rồi quay trở lại vị trí ban đầu và nói “Lae kae?”. Theo ngôn ngữ bản địa “Lae kae?” tương đương với câu “Bạn khoẻ không?”

Theo ngôn ngữ bản địa “Lae kae?” tương đương với câu “Bạn khoẻ không?”

Mông Cổ

Người Mông Cổ thường sử dụng hada (khăn nghi lễ) để chào hỏi người quen hay khách lạ đến nhà. Khi đó, hãy nhẹ nhàng cầm dải lụa bẳng cả hai tay và từ từ cúi thấp người xuống. Đây là một kiểu chào hỏi đậm chất truyền thống và rất quan trọng đối với người bản địa, thể hiện sự tôn trọng văn hóa Mông Cổ.

Nghi lễ chào hỏi trang trọng mà người Mông Cổ dành cho các vị khách khi đến thăm đất nước của mình…

Kenya

Các chiến binh của bộ tộc Masai ở Kenya sẽ chào mừng người mới đến bằng cách khiêu vũ. Họ sẽ tạo thành vòng tròn và cạnh tranh với nhau để quyết định xem ai sẽ là người nhảy cao nhất.

Lễ chào đón mang đậm tính… thể thao của các chiến binh của bộ tộc Masai, Kenya.

Nhật Bản

Người Nhật Bản chào nhau bằng động tác cúi gập người. Đây còn là cách bày tỏ sự biết ơn và xin lỗi của mình. Hành động này được người nhật gọi là Ojigi ,có nghĩa là đổ người từ phần eo về phía trước.

Cách hành lễ ngồi xuống và cúi người được xem là cách hành lễ cơ bản nhưng ngày nay người ta cứ đứng và cúi người nhiều hơn. Tùy thuộc vào tính trang trọng và thời gian mà góc độ cúi người sẽ khác nhau.

Đến tận ngày nay, cách chào hỏi này vẫn là một trong những nghi lễ giao tiếp chuẩn mực của người dân xứ anh đào.

Trong giao tiếp truyền thống của người Nhật có những quy tắc, lễ nghi mà mọi người đều phải tuân theo tuỳ thuộc vào địa vị xã hội, mối quan hệ xã hội của từng người tham gia giao tiếp. Từ những quy tắc, quy định trong cách chào hỏi, xưng hô đến những cách ứng xử cụ thể trong gia đình thể hiện những nghi thức chào hỏi.

Đến tận ngày nay, cách chào hỏi này vẫn là một trong những nghi lễ giao tiếp chuẩn mực của người dân xứ anh đào.

- Chào hỏi xã giao hàng ngày, cúi người khoảng 15 độ.

- Chào hỏi có phần trang trọng, cúi người khoảng 30 độ.

- Khi cảm ơn hay cảm tạ ai đó, cúi người khoảng 45 độ.

Ấn Độ

Người dân ở Ấn Độ sẽ chắp tay trước ngực và nói từ “Namaste” (Xin chào) khi chào hỏi. Namaste là hình thức hai lòng bàn tay chạm vào nhau và đặt ngang trước ngực, kèm theo là một cái gật đầu nhẹ. Đôi khi Namaste cũng diễn ra ngay sau cái bắt tay đầu tiên. Bạn có thể đáp lại bằng cách đặt bàn tay phải trước ngực sau khi bắt tay.

Ngoài ra còn có một cách chào trang trọng hơn, đó là “namaskar” – với ý nghĩa vô cùng đặc biệt “tôi xin cúi mình trước bạn”.  Nếu từng xem “Cô dâu 8 tuổi” hay các phim Ấn Độ, hẳn bạn sẽ không xa lạ với cách chào hỏi này.

Hãy phân biệt rõ 2 cách chào “namaskar” và “namaste” khi đến Ấn Độ.

Thái Lan

Tương tự như nghi thức ở Ấn Độ, lời chào ở Thái được gọi là “Wai”. Khi chào, họ làm cử chỉ giống như cầu nguyện và kèm theo một cái cúi đầu nhẹ. Khi chào, bạn phải cúi xuống để tránh nhìn thẳng vào mắt đối phương. Khi nữ giới chào sẽ nói “sawadee kha”, khi nam giới chào sẽ nói “sawadee khab”.

“Sawadee” là câu chào quen thuộc mà các du khách thường nghe khi đến với xứ sở Chùa Vàng.

Hy Lạp

Hình thức chào hỏi phổ biến của những người đàn ông Hy Lạp là chạm tay vào lưng hoặc vai của người quen. Cách thức này cũng thể hiện tình cảm anh em (bro-mate) thân thiết.

Pháp

“Body language” (ngôn ngữ cơ thể) là một trong những điều bạn nên biết khi đến Pháp, trong đó có cả cung cách chào hỏi. Người Pháp mỗi khi gặp nhau thường bắt tay rồi ôm choàng vai và hôn lên má nhau.

Tiếng Pháp không phải là sở trường của bạn? Không sao, hãy cố nhớ và thường xuyên sử dụng hai từ rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người Pháp, “Bonjour” (chào buổi sáng) và Merci (cám ơn), là bạn đã có thể chinh phục  được đối tác, nhân viên khách sạn, nhà hàng, và cả người bán hàng.

Sẽ tốt hơn nữa, nếu bạn nhớ câu “Au revoir, bonne journée” để nói khi chào tạm biệt, ý chúc một ngày tốt lành.

Là khách ngoại quốc, bạn chỉ cần bắt tay là được, nhưng đó phải là cái bắt tay vừa đủ chắc, đừng lỏng lẻo cho xong.

Tuvalu

Người dân Tuvalu thuộc hòn đảo Polynesia sẽ ấn hai má vào nhau, đồng thời hít một hơi thật sâu để thể hiện sự chào hỏi.

Philippines

Người Philippines thực hiện một cử chỉ đẹp gọi là “Mano” để thể hiện sự tôn kính đối với các bậc trưởng lão. Họ nắm lấy bàn tay của người lớn tuổi hơn và nhẹ nhàng đặt lên trán mình.

Người dân Philippines quan niệm, cúi đầu và để tay của người già lên trán là một hành động chào hỏi thể hiện sự tôn kính.

Malaysia

Người Malaysia thường chạm vào ngón tay của nhau bằng cả hai tay và sau đó đặt lòng bàn tay lên ngực trái của họ. Khi chào một người Malaysia vào buổi sáng thì bạn dùng “Salamat pagi”, vào buổi chiều là “saolamat petang”.

Với khách du lịch hoặc người lạ, ngoài bắt tay thì không nên có sự tiếp xúc nào nơi công cộng giữa hai người khác giới. Khi bạn được giới thiệu với một phụ nữ Malaysia, bạn chỉ nên bắt tay khi họ đã đưa tay ra trước.

Nếu họ không chủ động đưa tay ra bắt trước thì bạn chỉ nên cười và cúi chào. Ngược lại điều này được chấp nhận ở những người cùng giới.

Tây Tạng

Khi chào, người Tây Tạng sẽ thè lưỡi của họ ra một chút để chứng minh họ không phải là kiếp sau của vị vua Tây Tạng độc ác ở thế kỷ thứ 9. Theo tương truyền, vị vua tàng nhẫn này có một cái lưỡi màu đen đặc trưng.

Người dân sợ rằng khi chết đi, ông sẽ đầu thai thành người khác, do đó mọi người bắt đầu lè lưỡi của mình ra khi gặp bất kỳ ai nhằm chứng minh mình không phải là quỷ dữ.

Lời chào này sẽ đi kèm với hành động khoanh tay để trước ngực. Thói quen này khiến cho lời chào từ người Tây Tạng trở nên ngộ nghĩnh và thân thiện hơn rất nhiều.

Xem thêm:

>>>Quận Nam Từ Liêm thanh minh về lỗi chính tả trên các tấm pano

>>>Hơn 100 triệu bỏ quên trên máy bay được trả lại cho khách hàng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục