15 thành phố châu Âu muốn được phân bổ trực tiếp quỹ chống biến đổi khí hậu

16:20' - 13/02/2020
BNEWS Thị trưởng 15 thành phố lớn tại châu Âu hối thúc Liên minh châu Âu (EU) phân bổ trực tiếp ngân sách dài hạn sắp tới của liên minh cho các chính quyền thành phố.
Ô tô di chuyển trên đường phố tại Berlin, Đức, ngày 8/10/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thị trưởng 15 thành phố lớn tại châu Âu hối thúc Liên minh châu Âu (EU) phân bổ trực tiếp ngân sách dài hạn sắp tới của liên minh cho các chính quyền thành phố nhằm giúp EU đạt mục tiêu đưa lượng khí thải carbon về mức 0 vào năm 2050.

Nội dung trên được đề cập trong một bức thư do thị trưởng của 15 thành phố, trong đó có các thủ đô Budapest (Hungary), Praha (CH Séc), Berlin (Đức), Athen (Hy Lạp) cùng các thành phố Milan (Italy) và Strasbourg (Pháp)...., ký tên và công bố ngày 12/2.

Trong thư gửi Ủy ban châu Âu (EC), các thị trưởng cho rằng họ có khả năng hành động nhanh hơn các chính phủ và ít bị ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch gây sức ép hơn. Họ nhấn mạnh: “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ thắng hay thua đều ở các thành phố”.

Do đó, các thị trưởng hối thúc các thể chế của châu Âu công nhận vai trò nòng cốt của các thành phố trong việc thực hiện các mục tiêu trong chính sách chiến lược về môi trường, theo đó phân bổ trực tiếp các nguồn quỹ của EU cho chính quyền thành phố.

Hiện chính quyền các thành phố ở châu Âu nhận khoản hỗ trợ tài chính của EU thông qua các chính phủ và chủ yếu nhận được các nguồn quỹ nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân trên khắp 27 nước thành viên của khối. Trong khi đó, gần 75% dân số châu Âu sống ở thành thị.

Các lãnh đạo EU dự kiến thảo luận quy mô ngân sách năm 2021-2027 tại một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt được tổ chức vào ngày 20/2 tới, và khả năng sẽ xem xét chi tiết dự thảo ngân sách từ nay đến cuối năm.

Theo kế hoạch hiện nay, EU dự định dành khoảng 250 tỷ euro (272,55 tỷ USD) cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chủ yếu thông qua biện pháp giảm khí thải CO2 trong các ngành công, nông nghiệp, năng lượng và giao thông.

Trước đó, EU đặt mục tiêu trung hòa carbon, tức là lượng khí thải sẽ không nhiều hơn lượng hấp thụ CO2, đến năm 2050 nhằm hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục