2020: Một năm đầy thách thức đang chờ đợi liên minh châu Âu

06:30' - 15/01/2020
BNEWS Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với những thách thức không nhỏ về kinh tế, chính trị, tiến trình Brexit, chỉ việc Anh rời EU, và biến đối khí hậu trong năm 2020.
Quang cảnh bên ngoài trụ sở của ECB tại thành phố Frankfurt am Main, miền trung Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ Business Times (Singapore) số ra mới đây đã đăng tải bài bình luận của tác giả Neil Behrmann về những thách thức đối với liên minh châu Âu (EU) trong năm 2020, trong đó có một nguy cơ đang hiện hữu chính là việc giá dầu mỏ và các nguồn năng lượng khác sẽ tăng mạnh nếu cuộc xung đột, đối đầu giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang.

Tăng trưởng kinh tế èo uột

Mặc dù trong bài phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên với tư cách là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cách đây vài tuần, bà Christine Lagarde đã thể hiện sự khả quan, tích cực, nhưng tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn tiếp tục duy trì ở mức độ yếu trong tháng 12.

Theo báo cáo tổng hợp ban đầu về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của IHS Markit, tình trạng nhu cầu nước ngoài "hững hờ" đã làm trầm trọng hơn sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất chế tạo và cản trở sự cải thiện đôi chút trong hoạt động dịch vụ. 

Cụ thể, các hoạt động sản xuất chế tạo đã thu hẹp trong tháng 12/2019, đánh dấu tháng suy giảm thứ 11, với chỉ số PMI rơi xuống ngưỡng 45,9 từ con số 46,9 của tháng trước đó. Lĩnh vực dịch vụ có sự ghi nhận tốt hơn với chỉ số PMI tăng cao nhất trong vòng 4 tháng, đạt 52,4 điểm so với 51,9 điểm trong tháng 11/2019. 

Trong số hai nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone, hoạt động kinh doanh của Đức đã thu hẹp trong tháng thứ tư; trong khi đó Pháp đã có tăng trưởng với tốc độ từ từ trong tháng 12 bất chấp các vụ đình công diễn ra trên toàn quốc. 

Nhà kinh tế trưởng Chris Williamson của IHS Markit cho hay các nhà sản xuất chế tạo đã ghi nhận một kết quả tiêu cực trong năm 2019. Theo ông này, trong bối cảnh đối mặt với sự sụt giảm mạnh trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, khả năng để tránh cho lĩnh vực này tiếp tục rơi vào xu hướng suy giảm vẫn tiếp tục là một thách thức lớn trong năm 2020. 

ECB cũng dự báo kinh tế khu vực Eurozone tăng trưởng 1,1% trong năm 2020, giảm so với con số 1,2% năm 2019, 1,8% (2018) và 2,4% (2017). Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của tờ Financial Times cho thấy 34 chuyên gia kinh tế tỏ ra bi quan hơn. Tính trung bình, số chuyên gia này dự báo rằng tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm 2020 (năm thứ ba liên tiếp) và sẽ ở mức dưới con số 1%. 

Khó khăn tại các nền kinh tế thành viên

Trong khi đó, Morgan Stanley lại đưa ra dự báo về sự cải thiện trong năm 2020 do ECB sẽ tiếp tục duy trì những điều kiện và chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, 2/3 trong số các chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng họ không tin bà Lagarde và những người khác sẽ thuyết phục được Đức và Hà Lan đưa ra một gói kích thích tài khóa có quy mô đáng kể. 

Philippe Legrain, nghiên cứu viên tại trường Đại học Kinh tế và Khoa học chính trị London (LSE), cho rằng năng suất kém và vấn đề già hóa mới là những vấn đề chính. Do vậy, bất chấp các gói kích thích kinh tế và chính sách tiền tệ nới lỏng, 2020 sẽ vẫn là năm đầy khó khăn cho Eurozone trong việc đối phó và chống lại sự trì trệ. 

Tuy nhiên, bất chấp tiến trình Brexit, phe đa số trong nghị viện của Thủ tướng Anh Boris Johnson cần đảm bảo sự ổn định chính trị để cho phép Chính phủ kích thích tăng trưởng kinh tế bằng các chi tiêu về cơ sở hạ tầng và chi tiêu khác. Đồng bảng yếu đi và những kỳ vọng về sự cải thiện tăng trưởng cũng được dự báo sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài. 

Ngược lại, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đang gặp phải các vấn đề kinh tế và chính trị. Bên cạnh đó, theo ông Brendan Brown, chuyên gia kinh tế của Macro Hedge Advisors, lãi suất âm ở Đức và Hà Lan cũng như lãi suất không đáng kể ở Pháp và Italy đang gây áp lực lên các ngân hàng của các quốc gia này.

Cho đến nay, Đức đã tìm cách thoát được khỏi suy thoái. Tuy vậy, ngân hàng trung ương nước này (Bundesbank) dự báo tăng trưởng kinh tế vào khoảng 0,5% trong năm 2020, tuy rằng sẽ có sự phục hồi lên con số 1,5% vào năm 2021 và 2022. 

Vấn đề chính nằm ở ngành công nghiệp ô tô. Xuất khẩu đã giảm và Volkswagen đã bị hủy hoại do các vụ bê bối liên quan đến sản phẩm động cơ diesel của mình. Ngành công nghiệp ô tô cũng bắt đầu có những sự thay đổi, điều chỉnh theo nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các loại ô tô điện.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, tăng trưởng kinh tế của Pháp có thể sẽ là 1,3% cho cả năm 2019 và năm 2020. Ông Le Maire cho rằng Pháp có triển vọng kinh tế "tốt và vững chắc" bất chấp căng thẳng thương mại toàn cầu, các cuộc đình công ngành đường sắt lan rộng cũng như các cuộc đình công khác khiến cuộc sống của những người lao động trở nên chật vật. 

Một cuộc đình công giao thông vận tải trên toàn quốc phản đối kế hoạch cải cách lương hưu không được sự ủng hộ rộng rãi của Tổng thống Emmanuel Macron đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới việc kinh doanh trong tháng qua.

Trong khi đó ở Italy, đảng Liên minh cực hữu của ông Matteo Salvini, lãnh đạo phe đối lập và là đảng phổ biến nhất theo các cuộc thăm dò dư luận, đã nhắm tới việc khai thác sự bất mãn đối với cách xử lý của chính phủ đối với người dân khu vực miền Nam nghèo khổ và thất vọng. 

Trong khi các cuộc bầu cử toàn quốc chưa có kế hoạch diễn ra cho đến năm 2023, thì các cuộc bầu cử sớm có thể diễn ra ở Italy nếu liên minh cầm quyền lỏng lẻo hiện tại sụp đổ.

Ngoài ra, EU cũng sẽ phải đối phó với những mối đe dọa to lớn từ các thảm họa, thiên tai đã, đang và sẽ diễn ra. Những cơn bão khủng khiếp đã tàn phá các vùng phía Nam châu Âu. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và cực đoan đang thúc ép EU phải tăng cường các nguồn ngân sách dành cho hoạt động sinh thái, bảo vệ môi trường để chống lại biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục