AGL Energy từ chối bán lại công ty cho tỷ phú Cannon Brookers

08:49' - 22/02/2022
BNEWS Tập đoàn năng lượng lớn nhất Australia AGL Energy đã từ chối đề xuất từ tỷ phú công nghệ Mike Cannon Brookes, người sẽ lên kế hoạch đóng cửa các nhà máy nhiệt điện sử dụng than của tập đoàn này.

ALG Energy là công ty có lượng phát thải lớn nhất tại Australia hiện nay.

Tỷ phú Cannon Brookers, người đồng sáng lập hãng phần mềm Atlassian, đã hợp tác với Tập đoàn Brookfield Asset Management mua lại công ty ALG Energy với giá khoảng 5,8 tỷ USD với mục tiêu đóng cửa các nhà máy điện than lớn sớm hơn 15 năm.

Tỷ phú Cannon Brookes là người từ lâu đã lên tiếng chỉ trích các chính sách ủng hộ sử dụng than của Chính phủ Australia và các chính sách năng lượng thiếu các mục tiêu bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Với việc tham gia đấu thầu, tỷ phú Cannon Brookers muốn thúc đẩy quá trình giảm mức sử dụng carbon về 0 của AGL thông qua việc triển khai kế hoạch đóng cửa nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030, thay vì 2045 theo kế hoạch hiện nay của AGL.

Tuy nhiên, AGL đã từ chối mức giá này và cho rằng việc định giá công ty ở mức chỉ cao hơn 4,7% so với mức 7,16 USD/cổ phiếu của công ty ngày 18/2 là hạ thấp giá trị công ty và “không có lợi” cho các cổ đông.

Phát biểu trên kênh truyền hình ABC, tỷ phú Cannon Brookes thất vọng về quyết định của AGL và ông cam kết tiếp tục nỗ lực để mua lại công ty, đồng thời cho biết: “Khử carbon mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Australia. Tuy nhiên để làm được việc này yêu cầu phải có tầm nhìn và hành động”.

Theo tỷ phú người Australia, nếu sở hữu được công ty, ông có thể mang lại lợi ích cho 4,5 triệu khách hàng của AGL và bảo vệ môi trường.

Những thay đổi của ông sẽ hạ giá thành sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm và khí thải thấp hơn nhiều vì AGL đang có lượng phát thải lớn  chiếm khoảng 8% tại Australia.

Thời gian gần đây, mặc dù tuyên bố hành động vì khí hậu song Thủ tướng Scott Morrison vẫn chưa thực hiện các mục tiêu giảm khí thải đồng thời tiếp tục hỗ trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới, trong bối cảnh các chuyên gia cho rằng những dự án này không còn hiệu quả và phù hợp.

Bên cạnh đó, việc duy trì mỏ và máy than cũng gây tranh cãi trong quốc hội, do đó cả chính phủ của Thủ tướng Morrison và Công đảng đối lập đều không muốn làm mất lòng một số cử tri ủng hộ sử dụng than.

Trong khi đó, đối thủ của AGL là Origin Energy gần đây đã quyết định đóng cửa nhà máy nhiệt điện than lớn nhất Australia vào năm 2025, sớm hơn vài năm so với kế hoạch, và cho biết nguyên nhân là nhà máy này không còn khả thi do chi phí năng lượng tái tạo thấp.

Australia là một trong những nước xuất khẩu cả khí đốt và than đá lớn nhất thế giới, nhưng quốc gia này cũng đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng, với hạn hán, cháy rừng và rặng san hô lớn nhất Great Barrier Reef đang bị tẩy trắng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục