Agribank đồng hành cùng nông dân trong hệ sinh thái nông nghiệp

10:11' - 26/03/2020
BNEWS Trong suốt 32 năm phát triển, Agribank không ngừng khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn.

Với sứ mệnh Ngân hàng thương mại hàng đầu lĩnh vực “Tam nông”, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) triển khai đa dạng và không ngừng cải tiến phương thức giúp người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

 

Hệ sinh thái ngân hàng - nông dân

 

Đã nhiều mùa vụ nay, ông Nguyễn Văn Luận, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Thần Nông (ấp Thạnh Lý, xã Đông Thạnh, Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) không còn căng thẳng kiểm đếm tiền, thu nợmỗi vụ xuất bán vật tư cho bà con nhờ chiếc máy POS do Agribank trang bị. 

 

Ông Luận cho biết: “Trước đây bà con nông dân muốn mua phân bón, vật tư nông nghiệp phải đi vay mượn khắp nơi, đến cuối mùa vụ thu hoạch mới có tiền để trả. Nhưng từ ngày Agribank Bình Minh cấp cho bà con nông dân thẻ ATM được vay thấu chi thì bà con vô cùng phấn khởi, vì không phải đau đầu đi vay mượn. Chưa kể đến kỳ thu hoạch, bà con nông dân cũng không cần phải ngồi đếm từng tờ tiền nữa.

 

Thương lái thu mua xong là chuyển tiền vào thẻ ATM ngay. Vô cùng tiện lợi. Thuận tiện hơn cho chúng tôi nữa là khi Agribank Bình Minh trang bị máy POS để quẹt thẻ tại cửa hàng, bà con rất an tâm khi mang thẻ ATM được ngân hàng cấp đến cửa hàng thanh toán”.

 

Thẻ thấu chi cho bà con nông dân với hạn mức 30 triệu đồng/thẻ là một trong những sản phẩm mới nhất của Agriabank với mục tiêu góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cung ứng đa dạng sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ, kênh thanh toán ngân hàng điện tử, đồng thời tăng cường tín dụng lành mạnh, góp phần đầy lùi tín dụng đen trên địa bàn nông thôn.

 

Tính đến 31/01/2020, khu vực Tây Nam bộ đã phát hành được 11.631 thẻ thấu chi cho bà con nông dân, trong đó riêng Agribank chi nhánh Vĩnh Long đã phát hành 4.092 thẻ - là một trong những chi nhánh có tốc độ phát triển cao trong khu vực. 

 

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng và tiện ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Agribank Vĩnh Long đã đầu tư, trang bị nhiều máy POS, lắp đặt tại các cơ sở, cửa hàng vật tư nông nghiệp, cửa hàng bán lẻ… và đang mở rộng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công như cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...

 

Có thể nói, với chủ trương xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ là rất hiệu quả, Agribank đã cung cấp cho bà con nông dân hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua sản phẩm dịch vụ cho vay thấu chi qua thẻ ATM và công cụ chấp nhận thanh toán thẻ POS với nhiều tiện lợi, phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống của bà con nông dân từ vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản hay thanh toán các dịch vụ công như điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí…

 

Cùng với việc triển khai sản phẩm thẻ thấu chi, các điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, các tổ vay vốn phối hợp Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở với hình thức cho vay qua tổ nhóm, đơn giản hoá tối đa thủ tục cho vay để bà con nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, đưa sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến với người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa đã thực sự khẳng định vị thế và sứ mệnh “Ngân hàng Tam nông” của Agribank.

 Khẳng định vị thế ngân hàng Tam nông

Là ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam trên mọi phương diện, trong suốt 32 năm phát triển (26/3/1988 - 26/3/2020), Agribank không ngừng nỗ lực bền bỉ vừa làm tròn nhiệm vụ chính trị, vừa kinh doanh an toàn, hiệu quả, không ngừng khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn.

 

Thời kỳ đầu mới thành lập, Agribank có tổng tài sản chưa tới 1.500 tỷ đồng; tổng nguồn vốn 1.056 tỷ đồng, trong đó vốn huy động chiếm 42%, còn lại 58% vay từ Ngân hàng Nhà nước; tổng dư nợ 1.126 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên 10%; khách hàng là những doanh nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã phần lớn làm ăn thua lỗ, sáp nhập, giải thể, tự tan rã… 

 

Đứng trước khó khăn của những ngày đầu thành lập, Agribank nhận thấy tiềm năng của thị trường tín dụng nông thôn, đã xác định lối đi riêng gắn bó với thị trường nông thôn, với sản xuất nông nghiệp và nông dân, mạnh dạn chuyển hướng kinh doanh, đổi mới cơ cấu đầu tư vốn, từ quốc doanh là chủ yếu sang tập trung vào các hộ sản xuất cá thể với kim chỉ nam hoạt động “nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng cho vay, nông dân là khách hàng chính”.

 

Trên hành trình đó, sự đóng góp của Agribank với vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân có ý nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc. Hoạt động của Agribank thực sự gắn với làng bản, xóm thôn và gần gũi với bà con nông dân. 

 

Từ đồng vốn của Agribank, nông nghiệp và nông thôn được khởi sắc nhờ phá thế độc canh, chuyển dịch cơ cấu và nông dân – những người bạn đồng hành của Agribank ngày càng trưởng thành, biết tự vượt lên nghèo đói và vươn tới làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương…

 

Agribank đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết, hỗ trợ vốn đắc lực cho hộ nông dân vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, tạo nên những thành tựu nổi bật về sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

 

Đến nay, sau 32 năm xây dựng và trưởng thành, Agribank có gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng, miền, là ngân hàng thương mại duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo.

 

Đến 31/12/2019, tổng tài sản đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,34 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay nền kinh tế đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng.

 

Dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm tỷ trọng trên 70%/tổng dư nợ. Vốn tín dụng Agribank chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam hiện nay.

 

Là một trong các ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng, Agribank luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của một ngân hàng thương mại Nhà nước trong việc dẫn dắt hệ thống các tổ chức tín dụng thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

 

Hiện Agribank triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách (Cho vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay gia súc, gia cầm; Cho vay tái canh cà phê; Cho vay chính sách phát triển thủy sản; Tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”) và 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. 

 

Agribank không ngừng đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến mô hình, phương thức cho vay, kết hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai trên 68.000 tổ vay vốn với gần 1,5 triệu thành viên.

 

Ngân hàng cũng triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với gần 8.200 phiên giao dịch, phục vụ hơn 800 nghìn khách hàng tại trên 400 xã trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng. 

Triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng, đến nay doanh số cho vay chương trình đạt trên 7.400 tỷ đồng với 193.000 hộ gia đình, cá nhân được bổ sung vốn phục vụ nhu cầu hợp pháp và cấp thiết, nâng cao đời sống của người dân tại các địa bàn nông thôn… 

 

 Hiện Agribank đang tập trung toàn hệ thống triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, với mục tiêu gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các cá nhân, gia đình cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. 

 

Thông qua các chương trình tín dụng và cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, Agribank góp phần mở ra cơ hội cho hàng triệu người nông dân Việt Nam được tiếp cận với kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu trên thế giới, ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam có những bước tiến lớn trong “sân chơi” toàn cầu./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục