Ấn Độ hút vốn đầu tư của các công ty lớn nhất Thung lũng Silicon
Kể từ đầu năm 2020, những tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghệ Mỹ đã đầu tư khoảng 17 tỷ USD vào Ấn Độ. Trong đó, tập đoàn Amazon (AMZN) cam kết đầu tư 1 tỷ USD từ tháng 1/2020, Facebook (FB) đầu tư gần 6 tỷ USD hồi tháng Tư và Google (GOOGL) đứng đầu tất cả với con số dự kiến là 10 tỷ USD.
Đây là những minh chứng cho làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ đầy tiềm năng phát triển của Ấn Độ trong năm nay, phần lớn trong số đó đến từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
* “Dòng lũ” vốn đầu tư đổ về Ấn Độ
Xu hướng này không phải là điều được dự đoán trước bởi mới chỉ một vài tháng trước đây, các quan chức Ấn Độ còn phải “đau đầu” giải quyết mâu thuẫn với các công ty công nghệ của nước này, trong khi chính phủ của quốc gia Nam Á cũng chưa thật sự “mở lòng” với các “đại gia” công nghệ thế giới.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Đại dịch COVID-19 đã gây "chấn động" nền kinh tế toàn cầu và đặc biệt ảnh hưởng đến Ấn Độ. Trong khi đó, căng thẳng ngoại giao giữa New Delhi và Bắc Kinh đã tràn sang lĩnh vực công nghệ, bên cạnh xu hướng mất lòng tin của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các công ty Trung Quốc.
Và trong khi Ấn Độ luôn là một điểm đến có sức hút lớn đối với các công ty công nghệ Mỹ, việc phạm vi hợp tác công nghệ giữa Washington với Bắc Kinh đang giảm dần cùng các mâu thuẫn khác đang khiến vai trò của thị trường quốc gia Nam Á trở nên quan trọng hơn.
Ngoài ra, “dòng lũ” đầu tư cũng làm nổi bật lên một sự thật đã tồn tại trong nhiều năm qua, đó là nền kinh tế kỹ thuật số của Ấn Độ, với hơn 700 triệu người dùng Internet và khoảng 500 triệu người chưa có điều kiện tiếp cận mạng, đơn giản là một thị trường quá màu mỡ để bỏ qua đối với các “đại gia số”.
Jay Gullish, người đứng đầu chính sách về công nghệ tại Hội đồng kinh doanh Mỹ-Ấn, khẳng định: "Mọi người tin tưởng rằng về lâu dài, Ấn Độ sẽ là một thị trường tốt với hệ thống pháp lý có đủ sự công bằng và minh bạch. Theo tôi, diễn biến này chỉ giúp làm phát triển hơn nữa những xu hướng gốc rễ đã tồn tại từ trước đó".
* Sự thoái lui của Trung Quốc
Đã từ lâu, Thung lũng Silicon của Mỹ đã không còn có thể “thâm nhập” vào thị trường Trung Quốc trong nhiều năm, một phần do cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ của quốc gia vốn được mệnh danh là “Bức tường lửa vĩ đại”. Trong bối cảnh luật an ninh quốc gia mới được áp đặt tại Hong Kong, khoảng cách này có thể còn nới rộng hơn nữa.
Luật này sẽ cho phép Chính quyền Hong Kong sử dụng quyền lực để kiểm soát các nền tảng công nghệ, bao gồm việc ra lệnh gỡ bỏ các bài viết đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc hoặc hạn chế quyền truy cập dịch vụ. Điều này khiến Facebook, Google và Twitter tuyên bố ngừng chia sẻ dữ liệu với Hong Kong, trong khi TikTok đã hoàn toàn rời bỏ thị trường Khu hành chính đặc biệt này.
Giám đốc chương trình Luật, Khoa học và Công nghệ Mark Lemley của Đại học Stanford, cho biết: "Việc kinh doanh với Trung Quốc đang ngày càng khó khăn hơn, trong khi một số người cho rằng việc hợp tác với Bắc Kinh đòi hỏi những thỏa hiệp rắc rối về đạo đức".
Sự mất lòng tin của Mỹ đối với công nghệ Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Tổng thống Donald Trump tuần trước đã tuyên bố sẽ ngăn chặn các kế hoạch mở rộng của công ty công nghệ Trung Quốc Huawei, và chính quyền của ông đã khẳng định họ đang xem xét về việc cấm ứng dụng video dạng ngắn TikTok đang cực kỳ phổ biến, vốn thuộc sở hữu của Trung Quốc ByteDance.
Bước đi này được cho là sẽ làm gắn kết hơn mối liên kết giữa Mỹ với Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đã cấm TikTok và hàng chục ứng dụng Trung Quốc vào tháng trước, sau khi xảy ra cuộc đụng độ biên giới giữa hai nước, dẫn đến lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Và mặc dù mối quan hệ công nghệ của Ấn Độ với Trung Quốc khá sâu rộng, song những căng thẳng gần đây nhiều khả năng sẽ củng cố mối quan hệ công nghệ lâu đời giữa Ấn Độ với Mỹ.
Ravi Shankar Chaturvedi, Giám đốc nghiên cứu tại Viện kinh doanh toàn cầu, cho biết: "Ấn Độ và các nước láng giềng Đông Nam Á đã cố gắng cân bằng mối quan hệ với hai cường quốc bằng cách củng cố các sợi dây liên kết về kinh tế lớn hơn với Trung Quốc, trong khi vẫn nắm giữ ‘chiếc ô’ an ninh do Washington cung cấp".
* Cơ hội cho Mỹ?
Giám đốc Chaturvedi và các chuyên gia đã chỉ ra rằng Ấn Độ và Mỹ đã có mối quan hệ công nghệ lâu đời, với hàng ngàn kỹ sư Ấn Độ làm việc tại Thung lũng Silicon và người Ấn Độ hiện đang nắm quyền điều hành của Google, Microsoft cùng một số công ty Mỹ khác.
Đồng quan điểm này, chuyên gia Gullish cũng cho rằng: "Giữa Ấn Độ và Mỹ có sự hợp lực tự nhiên trong lĩnh vực kỹ thuật số". Ngoài ra, việc tăng cường sử dụng mạng Internet từ các hộ gia đình và xu hướng làm việc từ xa trong đại dịch có thể làm tăng thêm sức hấp dẫn của thị trường Nam Á. "Thật dễ dàng cho các công ty Mỹ tìm đến Ấn Độ để tìm kiếm cơ hội mới", chuyên gia này cho biết.
Hầu hết các khoản đầu tư công nghệ vào Ấn Độ trong năm nay - từ những công ty như Facebook và Google - đã đi vào “kho bạc” của các công ty do tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani đứng đầu.
Jio Platforms, công ty dịch vụ kỹ thuật số của Ấn Độ là công ty con của tập đoàn Reliance Industries, đã huy động được hơn 20 tỷ USD kể từ cuối tháng Tư do các công ty, nhà đầu tư mạo hiểm và các quỹ tài sản có chủ quyền muốn sử dụng Jio Platforms như một công cụ để nhanh chóng thâm nhập vào nền kinh tế kỹ thuật số khổng lồ của Ấn Độ.
Jio ra mắt như một mạng di động vào năm 2016 và nhanh chóng thu hút gần 400 triệu thuê bao. Với những đột phá gần đây trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số, dịch vụ phát trực tuyến và thậm chí là một nền tảng hỗ trợ tổ chức hội nghị qua video giống như Zoom có tên là JioMeet, Jio Platforms dường như đang muốn chuyển mình để trở thành một “hệ sinh thái” về công nghệ của Ấn Độ, và Thung lũng Silicon rõ ràng muốn thâm nhập vào thị trường này.
Là một trong những công ty lớn nhất của Ấn Độ được điều hành bởi người giàu nhất quốc gia này, Reliance có một tầm ảnh hưởng lớn và không bị cản trở bởi nhiều về các quy định liên quan đến lưu trữ dữ liệu và thương mại điện tử. Đây là những yếu tố đã gây trở ngại cho Facebook, Google và Amazon.
Giám đốc Chaturvedi nói: "Phần lớn các quy định thương mại điện tử và luật địa phương hóa dữ liệu đã chịu ảnh hưởng từ Reliance”. Khi Chính quyền Tổng thống Trump ngày càng đóng cửa nền kinh tế Mỹ với phần còn lại của thế giới, Thung lũng Silicon sẽ tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động, và Ấn Độ được coi là “miền đất hứa”.
Nhận định về việc này, Giám đốc Mark Lemley cho rằng: "Mỹ không còn là nơi hấp dẫn về sự đổi mới như 5 năm trước đây. Trong khi chính sách của Chính quyền Tổng thống Trump khiến việc đưa những người giỏi nhất và thông minh nhất từ khắp nơi trên thế giới đến Thung lũng Silicon ngày càng khó khăn hơn, các công ty công nghệ lại đang hướng tới một thế giới nơi nước Mỹ không còn là trung tâm của sự đổi mới". Trong bối cảnh đó, Ấn Độ là một trong những lựa chọn hàng đầu./.
Tin liên quan
-
Công nghệ
Apple bắt đầu sản xuất iPhone 11 tại Ấn Độ
22:03' - 24/07/2020
Apple đã bắt đầu sản xuất một trong những chiếc điện thoại hàng đầu của hãng này, iPhone 11, tại nhà máy của Foxconn ở thành phố Chennai, Đông Nam Ấn Độ.
-
Kinh tế Thế giới
Ấn Độ sửa quy định để kiểm soát nhà thầu từ các nước láng giềng
14:40' - 24/07/2020
Chính phủ Ấn Độ ngày 23/7 đã sửa đổi các quy định để cho phép kiểm soát các nhà thầu từ những quốc gia có chung biên giới đất liền với Ấn Độ, với lý do an ninh quốc gia.
-
Kinh tế Thế giới
Ấn Độ mời gọi các nhà đầu tư Mỹ
08:05' - 23/07/2020
Ấn Độ đang thu hút mạnh nguồn FDI, mỗi năm cao hơn đáng kể so với năm trước đó.
-
Doanh nghiệp
Hãng hàng không giá rẻ Ấn Độ IndiGo cắt giảm 10% nhân viên
08:28' - 21/07/2020
Hãng hàng không giá rẻ Ấn Độ IndiGo đã quyết định cắt giảm 10% nhân viên của hãng, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
-
Tài chính & Ngân hàng
Kinh tế Ấn Độ ngày càng ít phụ thuộc vào tiền mặt
05:35' - 19/07/2020
Đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy Ấn Độ đang chuyển sang nền kinh tế thanh toán kỹ thuật số, ít phụ thuộc vào tiền mặt hơn và đại dịch COVID-19 dường như càng đẩy mạnh xu hướng này.
-
Kinh tế Thế giới
Thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Ấn Độ giảm gần 50%
17:50' - 18/07/2020
Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc chi nhánh Ấn Độ ngày 18/7 công bố thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Ấn Độ nửa đầu năm 2020 đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước đó do dịch COVID-19.
-
Công nghệ
Doanh số bán smartphone của Ấn Độ sụt giảm mạnh trong quý II/2020
09:21' - 18/07/2020
Doanh số điện thoại thông minh (smartphone) của Ấn Độ trong quý II vừa qua chỉ đạt 17,3 triệu chiếc, giảm 48% so với mức 33 triệu chiếc bán ra trong cùng kỳ năm 2019.
Tin cùng chuyên mục
-
Tài chính & Ngân hàng
Đồng USD tăng giá, dứt chuỗi hai tuần giảm liên tiếp
13:44' - 12/07/2025
Đồng USD đã tăng 0,79% lên 147,4 yen đổi 1 USD, trên đà tăng gần 2% trong tuần này – mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 12/2024.
-
Tài chính & Ngân hàng
Tầng lớp trung lưu ở Đức tích luỹ tài sản đáng kể
08:30' - 12/07/2025
Tài sản ròng trung vị của hộ gia đình dưới 35 tuổi thấp hơn đáng kể, ở mức 17.300 euro, trong khi mức trung vị ở nhóm tuổi từ 55 đến 64 là 241.100 euro, cao nhất trong các nhóm tuổi.
-
Tài chính & Ngân hàng
Bitcoin tăng vượt ngưỡng 116.000 USD/BTC
15:45' - 11/07/2025
Trong phiên giao dịch ngày 11/7, Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - liên tục tăng vọt lên các mức cao kỷ lục.
-
Tài chính & Ngân hàng
Tín dụng Khu vực 6 duy trì ổn định khi sắp xếp hành chính
11:14' - 11/07/2025
Vận hành theo mô hình mới, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 6 bước đầu khẳng định tinh thần đổi mới và thích ứng linh hoạt.
-
Tài chính & Ngân hàng
BoE cảnh báo cú sốc chi phí vay có thể giáng xuống nước Anh
08:38' - 11/07/2025
Tại Anh, bất ổn về tương lai kinh tế đang đẩy chi phí vay dài hạn tiếp tục tăng cao.
-
Tài chính & Ngân hàng
BoJ: Tác động từ thuế quan Mỹ còn hạn chế
19:55' - 10/07/2025
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 10/7 cho biết tác động từ các hàng rào thuế quan của Mỹ đối với sản lượng và xuất khẩu của Nhật Bản hiện tại vẫn còn hạn chế.
-
Tài chính & Ngân hàng
Bitcoin chạm mức cao kỷ lục mới
10:45' - 10/07/2025
Giá bitcoin đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại trong phiên giao dịch ngày 9/7, đạt gần 112.000 USD/BTC do tâm lý chấp nhận rủi ro gia tăng và nhu cầu từ các nhà đầu tư tổ chức vẫn mạnh mẽ.
-
Tài chính & Ngân hàng
Ngân sách năm 2025 của Đức: Tháo phanh nợ, đầu tư lớn
09:40' - 10/07/2025
Tuần ngân sách tại Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) hiện đang diễn ra cho tới ngày 11/7, với đỉnh điểm là cuộc tranh luận chung giữa các phe trong Bundestag.
-
Tài chính & Ngân hàng
Mở đường cho dòng vốn quốc tế vào thị trường Việt Nam
15:23' - 09/07/2025
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.