Ấn Độ - "miền đất hứa" của hàng không dân dụng thế giới

05:30' - 28/05/2023
BNEWS Ấn Độ sẽ phải nhanh chóng xây dựng thêm sân bay mới, mua thêm nhiều máy bay, cũng như gấp rút đào tạo hàng chục nghìn phi công và kỹ thuật viên để đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Báo Le Monde dự báo trong những năm tới, Ấn Độ sẽ phải nhanh chóng xây dựng thêm sân bay mới, mua thêm nhiều máy bay, cũng như gấp rút đào tạo hàng chục nghìn phi công và kỹ thuật viên để có thể đáp ứng nhu cầu to lớn trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Ấn Độ hiện có thể tự hào là thị trường hàng không dân dụng lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này tại quốc gia khổng lồ Nam Á này đã nói lên tất cả. Trong 6 năm qua, lưu lượng hành khách nội địa Ấn Độ đã tăng 14,5% mỗi năm, trong khi lưu lượng hành khách quốc tế hàng năm tăng 6,5%.

Ngành công nghiệp hàng không dân dụng tại Ấn Độ đang tiến đến vị trí số 1 về năng động nhất thế giới và chắc chắn sẽ tiếp tục quỹ đạo hiện có. Theo dự báo của hãng sản xuất máy bay Airbus, lượng hành khách được chuyên chở bằng đường hàng không tại nước này sẽ tăng từ 165 triệu lượt năm 2019 lên 641 triệu lượt vào năm 2041.

Các sân bay Ấn Độ dường như chưa bao giờ vắng khách và nhu cầu trong những năm tới sẽ vô cùng lớn. Hiện nay, nhiều sân bay tại nước này đã đạt công suất hoạt động tối đa và trở nên “quá nóng” ở những giờ cao điểm.

Hồi tháng Ba, khi đề cập đến những dự báo đầy tham vọng của Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ấn Độ Jyotiraditya Scindia cho biết nước này cần xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lực hàng không dân dụng để đến năm 2047, có thể hỗ trợ nền kinh tế trị giá 20 tỷ USD.

 
Ấn Độ có kế hoạch đầu tư 980 tỷ rupee (khoảng 11,85 tỷ USD) vào năm 2025 để xây dựng và hiện đại hóa các sân bay, cũng như đào tạo thêm 34.000 phi công và 45.000 kỹ thuật viên vào năm 2040. Kể từ khi ông Modi lên nắm quyền vào năm 2014, nước này đã có thêm 73 sân bay đi vào hoạt động như một phần trong chương trình hành động của Chính phủ. Mục tiêu của chương trình là phát triển kết nối giữa các địa phương nhỏ nhất và các thành phố lớn để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận vận tải hàng không. Cả nước Ấn Độ hiện có 146 sân bay và tổng số sẽ tăng lên 200 trong những năm tới.

Nói vậy để thấy sự hấp dẫn của lĩnh vực hàng không dân dụng Ấn Độ đối với giới đầu tư nước ngoài. Năm 2020, tập đoàn ADP của Pháp đã mua lại 49% vốn của GMR Airports, một công ty con của tập đoàn xây dựng GMR của Ấn Độ. Cho đến nay, ADP đã kiểm soát các sân bay ở Delhi, Hyderabad và Goa Mopa, trong khi Chính phủ của Thủ tướng Modi có kế hoạch tư nhân hóa thêm 25 sân bay theo mô hình hợp tác công-tư.

Tất nhiên, cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không dân dụng tại Ấn Độ hứa hẹn sẽ vô cùng khốc liệt. Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đã tuyên bố rằng doanh nghiệp của ông muốn tham gia càng nhiều dự án sân bay mới càng tốt. Về phần mình tập đoàn Adani đã quen với chiến thắng tại tất cả các thị trường trong nước.

Trong vòng 20 năm tới, Ấn Độ có nhu cầu mua thêm 2.210 máy bay mới, tương đương khoảng 100 chiếc mỗi năm. Tỷ lệ lấp đầy của các hãng Ấn Độ hiện đạt khoảng 90% vào các ngày trong tuần. Rajiv Biswas, nhà kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's, cho rằng “điều này sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất máy bay lớn, đặc biệt là Airbus và Boeing”, khi Ấn Độ chưa có khả năng sản xuất máy bay mà phải hoàn toàn phụ thuộc vào bên ngoài. Tháng 2/2023, hãng hàng không Air India đã đặt một đơn hàng lịch sử 470 máy bay với Boeing và Airbus. Một nguồn tin tại Ấn Độ cho biết hiện tại, mỗi tuần nhà sản xuất máy bay châu Âu cung cấp một chiếc máy bay và tốc độ dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi trong tương lai gần.

Việc nhanh chóng mở rộng đội tàu bay sẽ đi đôi với nhu cầu nâng cấp năng lực bảo trì, sửa chữa và vận hành. Chuỗi cung ứng của Boeing đã bao trùm hơn 300 công ty Ấn Độ. Nhà sản xuất máy bay Mỹ cũng đã công bố việc hợp tác với GMR để thành lập một nhà máy ở Hyderabad phục vụ việc chuyển đổi máy bay chở khách thành máy bay chở hàng.

Đáng chú ý là Airbus có một trung tâm kỹ thuật, được thành lập tại Bangalore từ năm 2007, với hơn 700 kỹ sư. Nhà sản xuất động cơ Safran sử dụng hơn 1.000 nhân viên tại hơn 10 địa điểm khác nhau ở tiểu lục địa (bao gồm cả các hoạt động quốc phòng và khoảng không).

Những "gã khổng lồ" hàng không thế giới cũng đang đưa cả một mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài vào thị trường Ấn Độ. Như vậy, hàng không là lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu của Pháp tại quốc gia Nam Á này, với doanh thu lên tới 2,8 tỷ USD trong năm 2022.

Mục tiêu của Ấn Độ là khuyến khích đầu tư trên đất của Ấn Độ, chia sẻ bí quyết và chuyển giao công nghệ. Đất nước này thực sự mong muốn khuyến khích sản xuất quốc gia và đặt mục tiêu trên hết là trở thành một trung tâm hàng không tại khu vực, phù hợp với chủ trương “Ấn Độ tự trị” của Thủ tướng Modi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục