Ấn Độ muốn xuất khẩu thiết bị ngành dệt may sang Việt Nam

16:53' - 20/07/2017
BNEWS Việt Nam là thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp Ấn Độ muốn tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị ngành dệt.

Đây là thông tin được ông N.D. Mhatre, Tổng Giám đốc kỹ thuật Hiệp hội sản xuất máy móc và phụ tùng công nghiệp dệt Ấn Độ (ITAMA) cho biết tại chương trình giao lưu doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, do ITAMA phối hợp với Lãnh sự quán Ấn Độ tại Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/7. 

Theo ông N.D. Mhatre, Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới. Do đó, nhu cầu về máy móc, thiết bị ngành dệt may sẽ ngày càng lớn, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất máy móc thiết bị của Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Ấn Độ có ngành công nghiệp dệt phát triển khá lâu đời và có thể sản xuất ra nhiều loại vải cũng như nguyên phụ liệu dệt may có chất lượng hàng đầu thế giới.

Thương hiệu dệt và nguyên phụ liệu của Ấn Độ được tạo ra dựa trên sự phát triển của ngành cơ khí, chế tạo. Các máy móc, thiết bị phục vụ ngành dệt của Ấn Độ không chỉ được khẳng định về chất lượng mà giá cả cũng rất cạnh tranh so với các quốc gia khác.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị ngành dệt của Ấn Độ đạt hơn 400 triệu USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 400.000 USD (chiếm 0,1%).

Để gia tăng giá trị xuất khẩu các thiết bị, máy móc ngành dệt, cũng như cung cấp các giải pháp về công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp trong ngành dệt may giữa hai quốc gia, từ đó thiết lập các mối quan hệ hợp tác lâu dài.

Mặt khác, Hiệp hội sản xuất máy móc và phụ tùng công nghiệp dệt Ấn Độ cũng lên kế hoạch thành lập Trung tâm công nghệ dệt may tại Tp. Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu sản phẩm máy móc, thiết bị cũng như cung cấp các dịch vụ hậu mãi tới khách hàng Việt Nam. Đây cũng sẽ là nơi để doanh nghiệp hai nước trao đổi và cập nhật các công nghệ mới trong ngành dệt may.

Các doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ, hiện nay nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nguyên liệu dệt may tại Việt Nam rất lớn. Trong khi đó, hầu hết dây chuyền sản xuất nhập khẩu từ châu Âu hiện nay có giá khá cao.

Do đó, nếu các doanh nghiệp Ấn Độ có thể cung cấp các thiết bị, máy móc có chất lượng cao với chi phí cạnh tranh thì cơ hội phát triển tại thị trường Việt Nam là rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Ấn Độ là bạn hàng quan trọng của Việt Nam trong ngành dệt may và máy móc, thiết bị; ngược lại Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang hướng tới.

Ngành dệt may Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn của cả nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều thiết bị máy móc cũng như nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, đây là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác đầu tư, kinh doanh ngành dệt may.

Bên cạnh việc cung cấp các thiết bị, máy móc các doanh nghiệp Ấn Độ cũng có thể liên kết với các nhà máy dệt, sợi Việt Nam để tạo ra chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu tại Việt Nam, đem lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục