Ảnh hưởng của OPEC đi xuống - Ai sẽ kiểm soát giá dầu trong tương lai?

06:30' - 05/12/2024
BNEWS Năm nay, nhu cầu dầu toàn cầu tăng chưa bằng một nửa mức tăng năm 2023, chủ yếu là do nhu cầu của Trung Quốc yếu vì nền kinh tế nước này vẫn chưa phục hồi đủ.

Theo báo Handelsblatt, 8 quốc gia trong số các thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+, đã quyết định tự nguyện cắt giảm đáng kể sản lượng khai thác dầu của họ. Quyết định được đưa ra trong một cuộc họp nhóm vào khoảng một năm trước. Nhưng giờ đây, các nước này đã rút ra một kết luận “đau đớn“: Giá dầu hiện thấp hơn gần 13% so với thời điểm ngay sau quyết định đó.

Ngày 5/12, 23 quốc gia thành viên của liên minh dầu mỏ mở rộng này sẽ nhóm họp để thảo luận về khả năng có tiếp tục cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu hiện đang suy yếu hay không. Tuy nhiên, không giống như lần trước, rõ ràng là ảnh hưởng của OPEC+ đến việc nâng giá dầu đã yếu hơn nhiều.

* Các quyết định cắt giảm nguồn cung dầu của OPEC+

Nhu cầu dầu thấp của Trung Quốc và sản lượng dầu ngày càng tăng từ các nước ngoài OPEC+ đồng nghĩa với triển vọng thị trường dầu mỏ sẽ bị dư cung trong năm tới. Kết quả là OPEC+ không còn dư địa để đảo ngược quyết định cắt giảm sản lượng. Việc cắt giảm thêm nữa sản lượng sẽ khiến OPEC+ càng mất đi thị phần quan trọng.

OPEC+ đã giảm tổng cộng 5,86 triệu thùng dầu mỗi ngày. Cấu trúc của những đợt cắt giảm này khá phức tạp: Một mặt, việc cắt giảm sản lượng chung 2 triệu thùng/ngày của OPEC+ đã được quyết định năm 2022. Bên cạnh đó, kể từ tháng 4/2023, chín thành viên của liên minh dầu mỏ này đã tự nguyện cắt giảm sản lượng riêng thêm 1,66 triệu thùng mỗi ngày. Hai biện pháp song hành có hiệu lực đến hết năm 2025.

 

Mặt khác, khoảng một năm trước, 8 quốc gia gồm Saudi Arabia, Algeria, Kazakhstan, Kuwait, Oman, Iraq, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Nga quyết định tự nguyện giảm sản lượng dầu của họ. Mức cắt giảm này hiện lên tới khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày.

Tám thành viên ban đầu muốn đảo ngược dần việc cắt giảm bổ sung tự nguyện bắt đầu từ tháng Mười, tức là tăng sản lượng nhẹ mỗi tháng. Đến cuối năm 2025, sản lượng của họ sẽ trở lại mức trước khi có các hạn chế sản xuất tự áp đặt. Nhưng bước đi này đã bị hoãn lại nhiều lần và hiện chỉ dự kiến diễn ra vào đầu năm sau.

* Các nhà phân tích kỳ vọng duy trì cắt giảm sản lượng

Nhiều nhà phân tích cho rằng tám quốc gia OPEC+ sẽ trì hoãn việc tăng sản lượng lâu hơn nữa. Ví dụ, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết: “Tôi kỳ vọng việc cắt giảm tự nguyện sẽ được kéo dài thêm ba tháng, vì dù sao thì nhu cầu dầu cũng yếu hơn trong quý I/2025, thời điểm mà nhu cầu đi lại và nhu cầu làm mát ở khu vực Trung Đông đều thấp“.

Hãng tin Reuters (Anh) cũng đưa tin, dẫn lời các đại biểu giấu tên của OPEC+, rằng việc tăng sản lượng sẽ bị hoãn lại thêm ba tháng. Theo ông Arne Lohmann Rasmussen, nhà phân tích trưởng tại Global Risk Management, giá cả trên thị trường đã ấn định việc trì hoãn tăng cung dầu. Ông thậm chí còn cho rằng OPEC+ sẽ không đưa thêm dầu ra thị trường trong cả năm 2025.

Theo quan điểm của chuyên gia Rasmussen, việc cân nhắc từ bỏ hoàn toàn kế hoạch tăng sản lượng trong năm 2025 cũng có thể là lý do khiến OPEC+ hoãn cuộc họp từ 1/12 theo kế hoạch ban đầu sang 5/12.

Về mặt chính thức, OPEC+ biện minh cho việc hoãn cuộc họp thêm 4 ngày là do xung đột về lịch trình. Nhưng trước đây, liên minh dầu mỏ này đã từng hoãn ngày họp khi cần thêm thời gian để đạt được thỏa thuận.

Theo quan điểm của nhà phân tích Barbara Lambrecht của ngân hàng Commerzbank, việc hoãn họp cũng có thể liên quan đến hạn ngạch sản xuất của từng đối tác. Ban đầu, UAE, quốc gia trước đây đã đầu tư rất nhiều vào năng lực sản xuất mới, đã được chấp thuận tăng dần sản lượng từ tháng 1/2025 - thời điểm cực kỳ tồi tệ.

Nếu trái với dự đoán, ngày 5/12, OPEC+ quyết định tăng sản lượng từ tháng Một trở đi, các chuyên gia tin rằng điều này có thể khiến giá dầu Brent Biển Bắc rơi vào ngưỡng 60 USD/thùng.

Tình hình hiện tại trên thị trường dầu mỏ không thể khiến giá tăng. Năm nay, nhu cầu dầu toàn cầu tăng chưa bằng một nửa mức tăng năm 2023, chủ yếu là do nhu cầu của Trung Quốc yếu vì nền kinh tế nước này vẫn chưa phục hồi đủ. Đầu năm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 700.000 thùng mỗi ngày, nhưng sau đó đã điều chỉnh giảm dự báo tiêu thụ dầu ở Trung Quốc chỉ tăng 144.000 thùng/ngày trong năm nay.

Đây là một tình huống mới, đầy thách thức đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu, vốn trong nhiều năm phụ thuộc vào tăng trưởng nhu cầu nhanh chóng từ Trung Quốc - quốc gia chiếm 1/5 lượng dầu nhập khẩu toàn cầu.

* Sức mạnh thị trường ngày càng tăng của các nước ngoài OPEC

Cùng lúc, nguồn cung dầu ngoài OPEC+ ngày càng tăng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm tới. Dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, hoạt động sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ được nới lỏng quy định, nên nhiều người tham gia thị trường dự kiến nguồn cung dầu của Mỹ sẽ tăng nhanh chóng.

Theo quan điểm của nhà phân tích Staunovo của ngân hàng UBS, cuối cùng không phải chính trị mà giá cả mới là yếu tố tiên quyết. Tính trung bình, sản xuất dầu chỉ có lãi khi giá ở mức trung bình 60 USD/thùng. Giá một thùng dầu WTI của Mỹ hiện cao hơn ngưỡng này, ở mức 69 USD/thùng.

Tuy nhiên, chuyên gia Staunovo dự đoán nguồn cung từ Mỹ sẽ tăng nhẹ trong năm tới, cũng như từ Guyana, Canada và Na Uy. Cũng thật thú vị khi nhìn vào Brazil, một thành viên của OPEC+ nhưng không tham gia cắt giảm sản lượng. Ông Staunovo cho biết, sản lượng ở quốc gia Nam Mỹ này đã giảm trong năm nay, nhưng cơ sở hạ tầng cần thiết sẽ được hoàn thiện trong năm tới khiến nguồn cung dầu của Brazil có thể đột ngột tăng đáng kể.

Nhìn chung, IEA dự đoán, sản lượng từ các nước ngoài OPEC như Mỹ và Guyana sẽ tăng 1,5 triệu thùng mỗi ngày, vào năm 2025. Vì nhu cầu dầu sẽ chỉ tăng 990.000 thùng mỗi ngày vào năm 2025, nên ngay cả khi OPEC+ hoàn toàn duy trì các biện pháp hiện tại, thị trường sẽ rơi vào tình trạng dư cung đáng kể.

Trong tình hình hiện nay, OPEC+ không có cơ hội để tăng sản lượng trở lại. Đồng thời, liên minh này cũng không thể mãi dựa vào các biện pháp này. Thị phần của OPEC+, mà đi kèm với đó là sức mạnh thị trường, đang giảm dần. OPEC+ hiện sản xuất khoảng 39% nguồn cung dầu của thế giới, so với 41% cách đây một năm và 42% cách đây hai năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục