Ảnh hưởng lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga (Phần 2)

06:30' - 12/05/2018
BNEWS Nga cáo buộc các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào tổ hợp quốc phòng nước này là hành động cạnh tranh không lành mạnh nhằm "hất cẳng" Nga ra khỏi thị trường vũ khí thế giới.
Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: RT/TTXVN

Các lệnh trừng phạt này khiến Nga gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán bán vũ khí cho các đối tác trên thế giới.

Tuy nhiên, nhờ thử nghiệm thành công nhiều loại vũ khí mới hiện đại tại chiến trường Syria nên ngành công nghiệp Quốc phòng của Nga vẫn "ăn nên làm ra". Trong năm 2017, việc xuất khẩu vũ khí Nga đạt trên 15 tỷ USD, đánh dấu mức tăng trong 3 năm liên tiếp.

Nhiều chuyên gia nhận định phương Tây đang cố tình leo thang căng thẳng với Nga nhằm lôi kéo Moskva tham gia cuộc chạy đua vũ trang như từng xảy ra trong thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Và hậu quả là Liên Xô tan rã mà Mỹ trở thành cường quốc duy nhất lãnh đạo thế giới đơn cực. 

Bất chấp các khiêu khích từ phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẽ không bị lôi cuốn vào bất cứ cuộc chạy đua vũ trang nào, song nhấn mạnh Moskva sẽ dành sự chú ý cần thiết để củng cố hơn nữa năng lực quốc phòng của Nga. 

Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm, theo kế hoạch trong năm 2018-2019, nước này sẽ giảm chi phí quốc phòng, song không làm ảnh hưởng đến khả năng quốc phòng vì việc đầu tư mua sắm, chế tạo các hệ thống vũ khí hiện đại nhất đã được thực hiện từ nhiều năm trước và đến nay đã hoàn tất.

Báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 2/5 cho thấy, chi tiêu quân sự của Nga đã giảm 20% trong năm ngoái, sự sụt giảm đầu tiên trong gần hai thập kỷ qua, với một loạt biện pháp thắt chặt tài chính có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động quân sự của Moskva trong tương lai. 

Theo Thư ký báo chí Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, SIPRI đã nêu đúng xu hướng, còn việc giảm chi phí hoàn toàn không đúng với thực tế. Ông Peskov cho biết thêm, xu hướng giảm chi phí quốc phòng đã được Tổng thống Vladimir Putin đề cập nhiều lần.

Quân đội Nga đã tiến hành hoạt động qui mô lớn về đổi mới kỹ thuật và công nghệ và về cơ bản, tiến trình này đã hoàn tất, do đó đỉnh điểm chi phí mua sắm vũ khí công nghệ cao đã qua. 

Vì vậy, Nga sẽ giảm dần chi tiêu quốc phòng, song điều này không cản trở hoạt động của tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga. Tổ hợp này vẫn hoạt động tối đa công suất, tiến hành chế tạo các loại vũ khí có độ chính xác cao. Việc ông Putin lên kế hoạch giảm chi tiêu quốc phòng là nhằm dồn nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội mà ông đã nêu ra trong Thông điệp Liên bang hồi tháng 3 vừa qua.

Sau nhiều năm chống chọi với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đến nay nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu tăng trưởng trở lại. Theo số liệu được Cơ quan Thống kê nhà nước Rosstat của Nga công bố ngày 1/2, trong năm 2017, GDP của nước này tăng 1,5% sau khi sụt giảm 2,8% trong năm 2015 và 0,2% trong năm 2016. 

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng của nền kinh tế Nga sẽ đạt 3,9% trong năm 2018. Dự trữ quốc tế của Nga tính đến ngày 26/4/2018 đã tăng lên 463,8 tỷ USD. Đặc biệt, nhờ có lệnh trừng phạt của phương Tây nên công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế của Nga bắt đầu phát huy hiệu quả, nhất là ngành nông nghiệp. 

Kết thúc năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của tổ hợp công nghiệp quốc phòng đạt 15,6 tỷ USD, trong khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 20 tỷ USD. Mặc dù sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, song với nền tảng đã xây dựng được, lãnh đạo Nga sẽ có các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực và duy trì nền kinh tế trong quỹ đạo tăng trưởng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục