Hội nghị COP26: Chiến lược bù đắp carbon được thảo luận sôi nổi

17:41' - 12/11/2021
BNEWS Các chương trình bù đắp carbon tự nguyện đang là chủ đề tranh luận sôi nổi tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).

Hội nghị diễn ra tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) từ ngày 31/10-12/11. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chiến lược bù đắp carbon trở thành biện pháp chính được các doanh nghiệp đẩy mạnh nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Trong số các doanh nghiệp này có thể kể đến các hãng hàng không, các "đại gia" nhiên liệu như Shell, BP và ENI, hay các tập đoàn công nghệ như Microsoft.

Bù đắp carbon chỉ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án cắt giảm khí thải ở những khu vực khác nhằm bù đắp cho lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp.

Các kế hoạch bù đắp carbon đã được triển khai từ những năm 1980 của thế kỷ trước, bao gồm việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, hoặc các "bể chứa" carbon tự nhiên như rừng ngập mặn và trồng cây để hấp thu và lưu trữ CO2.

Nỗ lực cắt giảm khí thải của các doanh nghiệp có thể được quy đổi ra tín chỉ carbon, thông qua thị trường carbon chính thống hoặc tự nguyện.

Thị trường chính thống thường mang tính bắt buộc do dựa trên các sáng kiến như hệ thống thương mại hóa khí carbon của châu Âu (EU - ETS). Còn thị trường tự nguyện dựa trên cơ sở thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa công ty, tổ chức hoặc quốc gia. 

Tuy nhiên, chiến lược bù đắp carbon đã vấp phải chỉ trích của các nhà môi trường học, do có thể ảnh hưởng đến trọng tâm giảm khí thải cần thiết để chống lại quá trình biến đổi khí hậu.

Thậm chí có ý kiến cho rằng biện pháp này chỉ là "cái cớ để các doanh nghiệp tiếp tục duy trì việc phát thải gây ô nhiễm môi trường", hoặc chỉ là hình thức "quảng cáo xanh" (greenwashing) - khiến người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm hoặc hoạt động của công ty là thân thiện với môi trường.

Nghiên cứu cũng chỉ ra bù đắp carbon không giúp giảm đáng kể lượng khí thải trong môi trường. Phương pháp trồng cây mất nhiều thời gian để cây lớn và cây trồng cũng không tồn tại mãi. Còn việc xây dựng đập thủy điện và tái tạo rừng có thể dẫn đến việc di dời dân cư và lấn chiếm diện tích sinh hoạt, đặc biệt khi dân số thế giới sẽ chạm ngưỡng 9 tỷ người vào giữa thể kỷ này.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định thị trường carbon tự nguyện đang phát triển mạnh mẽ và có thể duy trì được tăng trưởng nhưng cần có điều chỉnh và quy định phù hợp.

Cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney cho rằng thị trường carbon đang bùng nổ, với giá trị có thể tăng vọt từ 300 triệu USD vào năm 2018 và đạt 100 tỷ USD vào năm 2030. Ông Carney và Giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered Bill Winters đã triển khai một "nhóm đặc nhiệm" nhằm thống nhất tiêu chuẩn cho các dự án bù đắp carbon.

Ông David Antonioli, lãnh đạo hãng Verra chuyên chứng nhận các dự án bù đắp carbon, khẳng định đây là thị trường có đủ tiềm lực tài chính và tiềm năng để phát triển trong tương lai.

Theo ông Antonioli, sự quan ngại của các tổ chức môi trường về bù đắp carbon là có căn cứ, song Verra đang nỗ lực thiết lập "mức thực hiện tối thiểu" cho các dự án bù đắp carbon.

Bên cạnh đó, ông cho rằng các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thể hỗ trợ đảm bảo các doanh nghiệp đang bù đắp đúng lượng carbon như đã cam kết.

Tổ chức phi chính phủ Carbon Market Watch cho rằng các nước nên thiết lập giám sát ở cấp quốc gia, ví dụ có thể theo dõi và điều chỉnh hoạt động quảng cáo liên quan biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp.

Tuần trước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát biểu cho rằng việc cắt giảm khí thải và mục tiêu trung hòa khí thải đến nay chưa đạt được sự nhất quán, đồng thời cho biết sẽ thành lập một nhóm chuyên gia nhằm đề ra những tiêu chuẩn đánh giá và phân tích các cam kết trung hòa khí thải của các tác nhân phi chính phủ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục