Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh

15:14' - 26/11/2020
BNEWS Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý rủi ro...

Ngày 26/11, Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững phối hợp với Chi nhánh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI tại Nghệ An tổ chức khóa đào tạo cho hơn 40 doanh nghiệp trên địa bàn về “Hướng dẫn áp dụng cơ chế kiểm soát nội và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh”. 

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ “Sáng kiến Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ - GBII) do VCCI chủ trì thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh, Chương trình Cải cách thương mại Khu vực Đông Nam Á thông qua Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh Công bằng ở ASEAN” của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc - UNDP.
Đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà quản lý và nhân viên chuyên trách về pháp chế, nhân sự, kiểm soát rủi ro, kế toán tài chính đến từ hơn 40 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được nghe các chuyên gia, đại diện các tổ chức chia sẻ kinh nghiệm về áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh nhằm quản trị doanh nghiệp tốt hơn.
Cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh hiện đang là một trong những công cụ hữu ích nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện hiệu quả kinh doanh, hạn chế rủi ro, gian lận tài chính, từ đó giảm thiểu chi phí và gia tăng lợi nhuận.
Theo bà Đào Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI Nghệ An, việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ trong kinh doanh yêu cầu mọi thành viên trong công ty tuân thủ nội quy, quy chế, quy trình hoạt động của doanh nghiệp cũng như các quy định của luật pháp. Đồng thời, đề cao các giá trị cốt lõi về đạo đức và tinh thần trách nhiệm mà chính điều này sẽ tạo nên văn hóa doanh nghiệp và góp phần giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý rủi ro và ứng phó khủng hoảng, cải thiện uy tín, hình ảnh doanh nghiệp; bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư và cổ đông. Cùng đó, góp phần đề cao các giá trị cốt lõi về tính chính trực, hành vi đạo đức, tuân thủ quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018) và thúc đẩy toàn diện doanh nghiệp hướng tới mục tiêu chung đề ra.
Bà Lê Thị Thu Hiền đại diện Chương trình  phát triển Liên Hợp Quốc UNDP tại Việt Nam cho hay, để triển khai thành công cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp, sự cam kết, quyết tâm cao của ban lãnh đạo doanh nghiệp cùng với sự tham gia tích cực của các cấp quản lý, cán bộ chuyên trách và toàn thể cán bộ nhân viên là yếu tố then chốt.
Bà Vũ Phương Liên, chuyên gia tài chính kế toán, kiểm toán và kiểm soát nội bộ - Học viện Tài chính lại đưa ra ba tuyến bảo vệ rủi ro trong doanh  nghiệp. Đó là kiểm soát nội bộ, chức năng kiểm soát và giám sát được ban điều hành thiết lập và kiểm toán nội bộ.
Một doanh nghiệp chuẩn sẽ phải có 3 tuyến phòng thủ vững chắc đảm bảo các vấn đề là vững chắc. Tuy nhiên, trong 1 doanh nghiệp thường xuyên phải lựa chọn giữa phát triển nóng và hệ thống kiểm soát, quản trị chặt…Việc kiểm soát chặt đi đôi với việc hạn chế sự phát triển mạnh, nhanh. Chuyên gia này cũng nhận định, không thể có cả 2 trong cùng 1 doanh nghiệp, cần phải cân nhắc, hài hòa cả 2 yếu tố để đảm bảo quy trình kiểm soát hạn chế tối đa rủi ro trọng yếu nhưng đủ để chức năng hoạt động phát triển.
Thông qua khóa đào tạo, các doanh nghiệp cho rằng, nhờ có cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dễ dàng nhận biết được những thiếu sót, lỗ hổng trong hệ thống tổ chức. Từ đó, đưa ra các biện pháp kịp thời điều chỉnh, phòng ngừa rủi ro, đồng thời giúp nhà quản lý doanh nghiệp đưa ra các quyết định quản trị phù hợp và góp phần xây dựng danh tiếng, thương hiệu cho doanh nghiệp./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục