Australia: Sinh viên quốc tế bị trả lương thấp hơn sinh viên trong nước

12:34' - 22/10/2023
BNEWS Sinh viên quốc tế trung bình kiếm được khoảng 53.300 AUD/năm (33.700 USD/năm), thấp hơn đáng kể so với mức thu nhập trung bình 64.400 AUD (40.721 USD) của người Australia từ 20-29 tuổi.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, báo cáo mới nhất của Viện Grattan (Australia) cho thấy sinh viên quốc tế đang bị trả lương thấp hơn đáng kể so với sinh viên trong nước cùng vừa mới tốt nghiệp. Ngoài ra, nhiều người nước ngoài gặp khó khăn khi theo đuổi nghề nghiệp đã chọn tại Australia.

Hầu hết sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp giữ thị thực (visa) tạm trú đang làm những công việc yêu cầu kỹ năng thấp. Bên cạnh đó, gần 75% người giữ thị thực 485 (Tốt nghiệp tạm thời) có thu nhập thấp hơn mức lương trung bình của người lao động Australia trong năm 2021.

 

Sinh viên quốc tế giữ thị thực tạm trú trung bình kiếm được khoảng 53.300 AUD/năm (33.700 USD/năm). Con số này thấp hơn đáng kể so với mức thu nhập trung bình 64.400 AUD (40.721 USD) của người Australia từ 20-29 tuổi có bằng cử nhân.

Ở một số lĩnh vực cụ thể, sự khác biệt thậm chí còn lớn hơn. Sinh viên quốc tế tốt nghiệp với bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh kiếm được ít hơn khoảng 58.000 AUD (36.900 USD)/năm so với sinh viên trong nước có cùng trình độ. Những người có bằng thạc sĩ máy tính và kỹ thuật kiếm được ít hơn khoảng 40.000 AUD (25.460 USD)/năm.

Sinh viên quốc tế có bằng cử nhân kỹ thuật hoặc máy tính kiếm được ít hơn 12.000 AUD (7.636 USD)/năm so với sinh viên trong nước. Đối với những người tốt nghiệp ngành kinh doanh, mức chênh lệch là khoảng 10.000 AUD (6.363 USD)/năm.

Báo cáo cho biết tại Australia, sinh viên quốc tế tốt nghiệp các ngành liên quan đến chăm sóc y tế có thu nhập cao nhất, tiếp theo là sinh viên ngành khoa học, nhưng thu nhập vẫn thấp hơn so với sinh viên trong nước cùng lĩnh vực.

Chỉ một nửa số sinh viên quốc tế có thị thực tạm trú tìm được việc làm toàn thời gian sau khi tốt nghiệp, một phần là do các nhà tuyển dụng không muốn thuê họ vì tình trạng cư trú không chắc chắn. Sinh viên quốc tế tốt nghiệp ở lại Australia bằng thị thực tạm trú sau khi tốt nghiệp, nhưng gặp khó khăn trong việc theo đuổi đúng ngành nghề.

Theo báo cáo của Viện Grattan, tính đến tháng 7/2023, có khoảng 654.870 sinh viên quốc tế tại Australia, tăng so với 634.000 sinh viên trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Những thay đổi của chính phủ nhằm cho phép sinh viên nước ngoài tốt nghiệp ở lại và làm việc lâu hơn sẽ làm tăng gấp đôi số lượng người giữ thị thực 485 lên khoảng 370.000 người vào năm 2030.

Ông Brendan Coates - Giám đốc Chương trình Chính sách Kinh tế của Viện Grattan, đồng thời là tác giả chính của báo cáo - cho rằng chính sách đó sẽ khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp rơi vào tình trạng “thị thực lấp lửng”, với ít cơ hội trở thành thường trú nhân hơn.

Theo ông, việc khuyến khích nhiều người ở lại Australia trong tình cảnh họ gặp khó khăn là không có lợi cho bất cứ ai. Nó làm xói mòn niềm tin của dư luận vào chương trình di trú của Australia. Sẽ là không công bằng đối với những sinh viên nước ngoài tốt nghiệp đã đầu tư nhiều tiền bạc và thời gian ở Australia nhưng lại có rất ít cơ hội trở thành thường trú nhân.

Đồng thời, thực tế này cũng làm tăng thêm áp lực dân số trong các lĩnh vực như nhà ở tại quốc gia châu Đại dương này.

Trong số các khuyến nghị, bao gồm yêu cầu tiếng Anh cao hơn và giảm thời hạn thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp, báo cáo cũng kêu gọi tạo ra một loại thị thực mới có tên gọi là “Tốt nghiệp với năng lực đặc biệt” để cấp tư cách thường trú cho những sinh viên nước ngoài tốt nghiệp có năng lực nhất.

Nhóm tác giả cũng cho rằng chính phủ chỉ nên gia hạn visa cho những sinh viên mới tốt nghiệp có thu nhập ít nhất 70.000 AUD/năm (44.563 USD/năm).

Trên thực tế, cả sinh viên quốc tế lẫn trong nước tại Australia đều phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động. Ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp thuộc cùng một ngành và khó xin việc chỉ với một tấm bằng.

Tuy nhiên, sinh viên quốc tế còn phải đối mặt với một rào cản khác, đó là không có mạng lưới hoặc kết nối cộng đồng địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục