Ba tỉnh Đông Bắc liên kết đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới

21:49' - 08/05/2022
BNEWS Ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Hà Giang đã liên kết đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách.

Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, ngành du lịch đã mở cửa, phục hồi; tuy nhiên, để du lịch phát triển nhanh, bền vững và bứt phá, mỗi địa phương đã xây dựng kế hoạch và chiến lược du lịch riêng, nhưng có điểm chung đó là yếu tố đậm đà bản sắc. Ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Hà Giang đã liên kết đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách.

Để tạo sự đồng bộ, liên kết cùng phát triển, ba địa phương: Cao Bằng, Bắc Kạn và Hà Giang cũng tăng cường liên kết, phối hợp phát triển du lịch. Hai địa phương Hà Giang và Cao Bằng phối hợp triển khai tua du lịch kết nối Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; tỉnh Cao Bằng và tỉnh Bắc Kạn cũng phối hợp quảng bá, liên kết, phát huy điều kiện địa lý kết nối phát triển du lịch.

Mỗi địa phương đều có chương trình, kế hoạch và chiến lược phát triển du lịch riêng, nhưng đều hướng tới mục tiêu: xây dựng thương hiệu du lịch miền núi độc đáo và bản sắc.

Tại tỉnh Hà Giang, từ cuối năm 2021 đến nay, Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang đã tổ chức hàng chục tour du lịch online với nội dung, giới thiệu mùa hoa trên Cao nguyên đá Đồng Văn và chợ phiên vùng cao qua nền tảng Zoom. Tour du lịch online kéo dài 60 phút và được quay tại ba điểm cầu là vườn hoa cải tại bãi đá Thạch Sơn Thần, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ; vườn hoa cải thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn; vườn hoa đào xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc.

Các điểm cầu được kết nối trực tuyến với các du khách tại châu Âu, Nhật Bản, các câu lạc bộ du lịch, hiệp hội du lịch, các công ty du lịch trong cả nước.

Hà Giang cũng xây dựng kế hoạch tổ chức hàng loạt sự kiện du lịch sau hai năm tạm dừng do dịch bệnh nhằm thu hút du khách như tổ chức lễ hội chợ tình Khâu Vai; chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc; lễ hội mùa vàng Hoàng Su Phì; lễ hội hoa tam giác mạch... 

Với bản sắc và tiềm năng, cùng những sản phẩm du lịch mới, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tỉnh Hà Giang đã thu hút gần 70 nghìn lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 120 tỷ đồng; du lịch Cao Bằng đã thu hút hơn 40 nghìn lượt khách; khu du lịch hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn thu hút hơn 10 nghìn lượt khách.

Tăng cường kết nối, phát triển du lịch, tỉnh Bắc Kạn cũng tiếp nhận nhiệm vụ Trưởng nhóm liên kết phát triển du lịch giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc năm 2022. Địa phương cũng chuẩn bị cho sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm tỉnh Bắc Kạn.

Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, Lưu Quốc Trung cho biết: " Chúng tôi kỳ vọng sản phẩm du lịch mới này sẽ tạo ra sức hút mới, đạt cùng lúc hai mục tiêu phát triển du lịch trải nghiệm vào mùa hè và thúc đẩy tiêu thụ quả bí đặc sản".

Ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang đánh giá, để phát triển du lịch, Hà Giang và các tỉnh trong khu vực cần khai thác sâu vào văn hóa bản địa, tạo sự khác biệt giữa sản phẩm du lịch miền núi với các tỉnh vùng trung du, đồng bằng.

Để làm được điều đó, mỗi địa phương cần có chiến lược bài bản, lâu dài; trong đó trọng tâm là phải thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc.

Cùng chung quan điểm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình cho biết, du lịch Hà Giang là lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa. Từ nhận thức xuyên suốt đó, cho nên công tác bảo tồn các giá trị văn hóa được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm thực hiện. Từ đó tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa đầy bản sắc, đặc trưng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao và người dân cũng được hưởng lợi, nâng cao thu nhập từ công tác bảo tồn văn hóa qua thu hút du khách, phát triển du lịch.

Đối với Bắc Kạn, địa phương đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền tảng bền vững để phát triển du lịch. Tháng 5/2022, địa phương phối hợp triển khai đề tài khoa học khảo sát, đánh giá nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển ngành du lịch.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối, trọng tâm là phát triển du lịch hồ Ba Bể kết nối với các trung tâm kinh tế-chính trị và các khu du lịch trong khu vực, với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, địa phương thu hút, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch chất lượng cao tại các khu, điểm du lịch của tỉnh như khu du lịch hồ Ba Bể, khu vực Đồn Đèn, hồ Nặm Cắt, thác Nà Khoang, hồ Bản Chang, ATK Chợ Đồn và các điểm du lịch cộng đồng hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Trong khi đó, tại Cao Bằng, sau thời gian huy động nguồn lực thực hiện chương trình phát triển giao thông phục vụ phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu và đô thị, mạng lưới giao thông nội tỉnh đã được nâng cấp, cải tạo, kết nối các “điểm đến”.

Tuy có những quan tâm triển khai xây dựng và phát triển du lịch nêu trên, song ba địa phương Cao Bằng, Bắc Kạn và Hà Giang cũng có chung “điểm nghẽn” đó là đường giao thông nối địa phương với các thành phố, trung tâm du lịch lớn trong cả nước.

Do đó, mỗi địa phương đều đang kiến nghị, xúc tiến triển khai xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh./.

>>>Kiến nghị giảm thiểu rào cản, yêu cầu đối với du khách quốc tế đến Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục